Hỏi đáp

Tính năng của cao khỉ toàn tính

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 12/06/2013 08:36 SA

Hỏi:

Tôi có người em họ từ rừng ra, cho lạng cao khỉ, nói là nấu toàn tính, ăn vào sẽ béo khỏe, khỏi đau xương khớp. Tôi tính cẩn thận nên viết thư này nhờ "Thuốc vườn nhà" giải đáp giúp mấy câu hỏi sau: Cao khỉ nấu toàn tính là nấu như thế nào? Bảo quản được bao lâu? Trong cao khỉ có những chất gì? Chữa những bệnh gì? Ai là người dùng được và không dùng được? Cách sử dụng cụ thể thế nào?

Kiều Bá Tiến, Thạch Thất, Hà Nội

Đáp:

con khỉ, khỉ, Macacas rhesus

Khỉ

Ở nước ta có nhiều loài khỉ dùng làm thuốc. Nhưng phổ biến nhất loài khỉ nhỏ, có tên khoa học là Macaca mularra Zimmermann hay Macacas rhesus.

Loài khỉ này sống trên cây, có chân tay thích nghi để cầm nắm, ngón cái chụm được với ngón khác. Đầu hơi tròn, to, có bộ não phát triển, nét mặt dễ thay đổi, 2 lỗ mũi gần nhau và nhìn xuống dưới, có túi má, răng 32 chiếc, có chai ở mông, đuôi ngắn chỉ bằng nửa mình, mặt không có lông, toàn thân có lông màu vàng nâu ngắn. Phía bụng có lông màu nhạt hơn.

Thịt, xương và sỏi trong túi mật của khỉ là những vị thuốc thường dùng trong Đông y cổ truyền. Ngoài ra, dân gian còn sử dụng mật khỉ, óc khỉ và thu nhặt huyết lình (là máu của khỉ cái chảy ra sau khi đẻ đã đóng khô) làm thuốc.

Theo Đông y:

    1. Thịt khỉ:

        - Có vị chua, tính bình; vào kinh Phế. Có tác dụng trừ phong thấp, bổ thận kiện tỳ. Chủ trị phong thấp cốt thống (đau xương do phong thấp), thần kinh suy nhược; đàn ông dương nuy di tinh; trẻ nhỏ cam tích; tiện huyết (đại tiện ra máu). Thịt khỉ có thể sử dụng để chế biến các món ăn bổ dưỡng hoặc chữa bệnh. Còn thường sử dụng trong cao toàn tính.

        - Cao toàn tính được nấu bằng toàn bộ con khỉ, cùng với thịt và xương. Cũng nấu nhiều lần lấy nước, rồi cô đặc lại thành cao, tương tự như nấu các loại cao khác.

        - Cao khỉ toàn tính nguyên chất rất khó bảo quản, dễ bị hư hỏng. Nên trên thực tế, người ta thường phối hợp với một số vị thuốc khác, như địa liền, thiên niên kiện, hồi hương, ... là những vị thuốc mùi thơm, cho đỡ tanh, lại có thêm tác dụng ôn trung hành khí; hoặc thêm xuyên khung, đương quy, ... để tăng cường tác dụng bổ huyết và tạo mùi thơm.

    2. Xương khỉ:

        - Có vị chua, tính bình, vô độc; vào 2 kinh Tâm và Phế. Có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc. Trị phong thấp chân tay tê dại, khớp xương đau nhức.

        - Xương khỉ thường được sử dụng dưới dạng thuốc bột hoặc nấu thành cao xương khỉ. Cũng có thể phối hợp thêm một số vị thuốc, giống như khi nấu cao toàn tính.

Cao khỉ được coi là một loại thuốc bổ máu, bổ toàn thân. Thường dùng cho phụ nữ trong những trường hợp kém ăn, kém ngủ, thiếu máu xanh xao vàng vọt, hay đổ mồ hôi trộm.

Liều dùng hằng ngày từ 5-10g, cắt thành từng miếng nhỏ ngậm cho tan dần trong miệng hoặc thêm mật ong vào cho ngọt dễ ăn hơn. Có thể ngâm rượu uống vì cao khỉ thường khó bảo quản khô ráo, cần để trong hộp kín có vôi cục để hút nước.

Về thành phần hóa học của cao khỉ, hiện nay còn ít thấy tài liệu nghiên cứu.

Theo số liệu kiểm nghiệm của Lê Văn Trinh và Trần Trinh Thục ở Xí nghiệp dược phẩm 1: Trong cao khỉ có tới 16,86% nitơ toàn phần, 0,85% axit amin, 1,88% tro, 0,56% Clo, 4 phần triệu asen, 0,02% canxi và 0,03% photpho tính bằng H3PO4.

Trong Đông y ở nước ta, từ xưa đến nay thường chỉ lấy xương hay toàn con nấu cao. Tại Trung Quốc, người ta hay lấy sỏi mật. Cách lấy cũng như lấy sỏi mật của trâu bò (gọi là "ngưu hoàng"). Lấy xong gói vào bông hay giấy bản, cho vào hộp kín có vôi cục để hút nước. Sỏi mật của khỉ (Đông y gọi là "hầu táo" hoặc "hầu đan") có tính lạnh (hàn) vị đắng, hơi mặn, vào các kinh Tâm, Phế và Can. Có khả năng thanh nhiệt trấn kinh, giải độc, tiêu thũng, tiêu đờm định suyễn.

Cao khỉ là một vị thuốc, do vậy, muốn sử dụng có hiệu quả tốt và tránh tác dụng phụ, bạn nên tìm đến một phòng khám Đông y có uy tín, để được thầy thuốc chẩn bệnh, xem mạch và hướng dẫn cách dùng cụ thể.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
nga (24/03/2016 11:20 CH)

trẻ dưới 1 tuổi có được ăn cao khỉ không?

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]