1. Tầm gửi là gì?
Tầm gửi, còn gọi là chùm gửi. Đó là tên thông dụng, chỉ những loài thực vật "ký sinh" - nghĩa là sống nhờ trên những loài thực vật khác ("ký" = ở nhờ, ở đậu; "sinh" = sống, sinh trưởng). Loài cây sống nhờ thường gọi là "tầm gửi" hay "ký sinh", còn loài cho ở nhờ thường gọi là "cây chủ", "ký chủ" hoặc "túc chủ".
Thực vật học chia "ký sinh" ra nhiều loại:
- Bì sinh, còn gọi là biểu sinh: Ký sinh kiểu này giống như người ở trọ, chỉ mượn chỗ ở, còn hàng ngày vẫn tự mình đi làm kiếm sống. Cây ký sinh không sử dụng chất dinh dưỡng của cây chủ để làm thức ăn, mà chỉ mượn cây chủ để mọc rễ mà bám vào. Thạch hộc và phong lan, .v.v. là những cây ký sinh loại này.
- Ký sinh từng phần, còn gọi là nửa ký sinh: Là những cây có chất lục diệp, có khả năng tự quang hợp, chỉ sử dụng nước và muối khoáng của cây chủ làm nguyên liệu, để chế biến ra những chất dinh dưỡng cho mình. Thí dụ như những loài tầm gửi có lá, hoặc có thân và có lá, có chứa chất lục diệp, nên có khả năng thực hiện chức năng quang hợp, còn rễ của chúng chỉ làm nhiệm vụ hút nước và muối khoáng từ cây chủ.
- Ký sinh hoàn toàn: Là loại ký sinh phải sống nhờ hoàn toàn vào cây chủ. Thí như tơ hồng, là loại dây leo dạng sợi, màu vàng hoặc xanh nhạt, bóng nhẵn, lá tiêu giảm thành vảy nhỏ, ... tơ hồng không có chất lục diệp, hoàn toàn không có khả năng quang hợp. Nó sử dụng những vòi hút (rễ hút) của mình, nối với những ống mạch dẫn của cây chủ, để hút thức ăn từ cây chủ mà sống.
2. Tầm gửi cây dâu - Tang ký sinh:
Ở Việt Nam ta có nhiều loài tầm gửi sử dụng làm thuốc. Ở đây chỉ đề cập loại thông dụng nhất.
Tên khoa học: Taxillus chinensis (DC.) Danser (tên đồng nghĩa: Loranthus parasiticus (L.) Merr.), thuộc họ Tầm gửi - Loranthaceae.
Tầm gửi cây dâu là vị thuốc rất cổ, được đề cập sớm nhất trong sách "Thần Nông bản thảo kinh" với tên "tang thượng ký sinh" (nghĩa là mọc nhờ trên cây dâu tằm). Tại Việt Nam tầm gửi cây dâu còn gọi là "mộc vệ Trung Quốc", "tầm gửi Trung Hoa" ("Từ điển cây thuốc Việt Nam" - bộ mới). Sách thuốc Trung Quốc thường gọi là "tang ký sinh", "ký sinh trà", ... Loài tầm gửi này phân bố rộng ở các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc, nên còn có tên là "Quảng ký sinh".
Là loài cây nhỏ bán ký sinh. Cành hình trụ tròn, màu xám, có lỗ bì rất nhỏ. Cành và lá non phủ một lớp lông màu hung. Lá mọc đối hoặc so le, phiến lá hình trái xoan hay bầu dục, nhẵn, dai, cuống lá hình trụ. Hoa mọc ở kẽ lá thành chùm rất ngắn, gần như hình tán, gồm 1-4 bông, thường là 2 bông, màu xám nâu. Cuống hoa rất ngắn, lá bắc nhỏ hình tam giác. Đài hoa hình chùy. Tràng hình trụ, có lông, màu đo đỏ, chia 4 thùy. Hoa có 4 nhị, chỉ nhị dài hơn bao phấn. Đĩa bao bọc lấy gốc vòi. Vòi hình lăng trụ. Quả hình bầu dục hoặc gần tròn, khi chín màu vàng nhạt.
Theo "Từ điển cây thuốc Việt Nam": Ở nước ta, cây thường mọc bám vào các cây gỗ trong rừng ở nhiều nơi từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Gia Lai, Đắc Lắk, Lâm Ðồng, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippin.
Theo "Trung Quốc Thực vật chí": Tang ký sinh phân bố chủ yếu ở Quảng Tây, Quảng Đông, nam Phúc Kiến. Còn phân bố ở Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippin. Thường ký sinh trên các cây dâu, đào, mận, nhãn, vải, dương đào, sở dầu, dung, gạo, thông đuôi ngựa, ...
Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, cành kèm theo lá. Có thể thu hái quanh năm, cắt ngắn, rồi phơi khô.
Theo Đông y: Tang ký sinh có vị khổ, cam; tính bình; quy kinh can, thận. Có tác dụng trừ phong thấp, ích can thận, cường cân cốt, an thai. Chủ trị phong thấp đau nhức, lưng đau gối yếu, gân cốt vô lực, băng lậu hạ huyết, thai động bất an. Trên lâm sàng thường sử dụng trong các phương thuốc chữa phong thấp (như bài "độc hoạt tang ký sinh" nổi tiếng), chữa động thai, ...
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy:
- Đối với tim mạch: Chiết xuất nước của tang ký sinh có tác dụng hạ huyết áp, tăng cường lưu lượng máu trong động mạch vành tim, chống thiếu máu cơ tim; làm cho nhịp đập tim chậm lại và tăng lực co bóp của cơ tim.
- Kháng khuẩn: Tang ký sinh có tác dụng ức chế đối với sự phát triển của trực khuẩn thương hàn và tụ cầu khuẩn. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu thực nghiệm ngoài cơ thể cho thấy, tang ký sinh có tác dụng ức chế rõ ràng đối với một số loài virus như poliovirus, echovirus và coxcackie virus (CBV); tác dụng của tang ký sinh đối với virus không chỉ thông qua sự ức chế quá trình hợp thành tế bào, mà còn là khả năng tiêu diệt trực tiếp virus.
- Ngoài ra, còn có tác dụng trấn tĩnh, lợi tiểu và ức chế sự phát triển của một số dạng tế bào ung thư.
3. Cơ chế tác dụng của tầm gửi:
Tầm gửi có thể thuộc những họ thực vật khác nhau. Những loài tầm gửi ta hay gặp, như tầm gửi cây dâu, tầm gửi cây bưởi, tầm gửi cây dướng, ... thường thuộc họ tầm gửi - Loranthaceae. Nhưng có những loài tầm gửi thuộc họ thực vật khác, ví dụ như loài tầm gửi dây - Dendrotrophe frutescens (Benth.) Danser, thuộc họ Ðàn hương - Santalaceae.
Dân gian thường gọi tên tầm gửi theo tên cây chủ (ký chủ), ví dụ, tầm gửi cây dâu, tầm gửi cây ngái, tầm gửi cây sung, tầm gửi cây hồng, ...
Còn trong các tài liệu về thực vật và thực vật làm thuốc, tầm gửi thường được phân loại theo đặc điểm thực vật của bản thân nó, chỉ một số trường hợp là căn cứ vào loài cây chủ. Thí dụ, trong "Từ điển cây thuốc Việt Nam", mỗi loài tầm gửi được đặt riêng cho một mục từ, ví dụ như "Tầm gửi quả chùy", "Tang kí sinh", "Tầm gửi lá nhỏ", "Tầm gửi sét", "Tầm gửi dây", ...
Một loài tầm gửi có thể sống ký sinh trên nhiều ký chủ khác nhau. Những ký chủ đó có thể cùng thuộc một họ thực vật, mà cũng có thể thuộc những họ thực vật khác nhau. Thí dụ: Tầm gửi cây dâu - Taxillus chinensis thường hay mọc ký sinh trên cây dâu, nhưng cũng ký sinh cả ở trên các cây khác, như cây hòe, cây đào, cây lê, cây sở, cây hoa tiêu, ... Ngược lại, một loài ký chủ, có thể cho những cây tầm gửi, thuộc những loài khác nhau sống nhờ.
Ngoài sự ảnh hưởng của môi trường, tính năng và tác dụng chữa bệnh của các loài tầm gửi, phụ thuộc vào 2 nhân tố chính:
(1) Tùy thuộc vào bản thân loài tầm gửi. Thí dụ, các thực nghiệm dược lý tiến hành tại Trung Quốc cho thấy, loài Loranthus parasilicus (L.) Merr. có tác dụng lợi tiểu, hạ huyết áp và chống virus. Loài Loranthus yadoriki Sieb. có tác dụng hạ huyết áp và làm dịu thần kinh. Đã có những thử nghiệm sử dụng loài tầm gửi Loranthus yadoriki Sieb. trong điều trị bệnh thần kinh phân liệt trên lâm sàng, đạt kết quả tốt.
(2) Tùy thuộc vào đặc điểm của cây mà nó sống nhờ (cây chủ). Cây ký sinh hút nước, muối khoáng và các chất hữu cơ của cây chủ, để tạo thành chất dinh dưỡng của mình. Quá trình trao đổi chất giữa cây ký sinh và cây chủ, có ảnh hưởng nhất định đến tính năng và tác dụng chữa bệnh của cây ký sinh.
Tư liệu lâm sàng cho thấy, cùng là loài tầm gửi "Tang ký sinh" - Taxillus chinensis: Khi mọc bám vào cành cây dâu, có tác dụng trừ phong thấp, thông kinh lạc, chống đau nhức xương - tương tự tính năng của vị thuốc "tang chi" (cành dâu); khi mọc trên cây hòe, cũng loài "Tang ký sinh" ấy, lại có một số tác dụng tương tự như vị thuốc "hòe hoa", cầm máu, có thể dùng để chữa kiết lỵ đại tiện phân lẫn máu, viêm ruột, trĩ lở loét, xuất huyết; cũng vẫn là loài "Tang ký sinh" ấy, khi mọc trên cây hoa tiêu, thì có thể dùng chữa bụng đau do nhiễm lạnh, buồn nôn, phiên vị (ăn vào nôn ngược trở lại), còn có thể dùng chữa lở loét do giang mai, phụ nữ bị băng huyết - tương tự tính năng của vị thuốc "hoa tiêu".
Do cây chủ có ảnh hưởng khá lớn đến tính năng và tác dụng của tầm gửi, cho nên thời xưa, tại những cửa hàng thảo dược ở nhiều nơi, dược liệu tang ký sinh thường được bán kèm theo cành lá của cây chủ mà nó sống nhờ.
Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý: Khi tầm gửi ký sinh trên những cây độc, như cây mã tang, trúc đào, ... thì dược liệu cũng sẽ có độc, không thể sử dụng như những cây tầm gửi khác cùng loài.
Tác dụng của tầm gửi cây gạo
Từ hơn chục năm nay, dân gian bắt đầu lan truyền về những tác dụng chữa bệnh của tầm gửi mọc trên cây gạo. Tuy nhiên, trong những tài liệu có uy tín, như "Dược điển Việt Nam", "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi, "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" của Viện dược liệu, "Từ điển cây thuốc Việt Nam" của Tiến sĩ Võ Văn Chi, ... đều không thấy nói về tầm gửi cây gạo, cũng như về tác dụng chữa bệnh của nó.
Không ít người cho rằng, tầm gửi cây gạo là một loại tầm gửi thần kỳ, có thể chữa hầu như bách bệnh. Tuy nhiên, căn cứ vào cơ chế tác dụng của tầm gửi, đã nói ở trên, thì tác dụng của tầm cây gạo không thể khác biệt nhiều, so với những loài tầm gửi được sử dụng làm thuốc, mà ta đã biết.
Cây gạo cũng là cây sử dụng làm thuốc.
Hoa gạo có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, chỉ huyết (cầm máu); có thể dùng chữa ho, kiết lỵ, ỉa chảy phân lẫn máu. Nước sắc hoa gạo được Đông y xem như một dung dịch có tác dụng bổ âm, dùng chữa thiếu máu, rong kinh, băng huyết, chảy máu dạ dày - tá tràng, mất máu khi mổ vết thương, ...
Đĩa mật trong hoa cũng có thể sử dụng làm thuốc lợi tiểu và nhuận tràng.
Vỏ thân cây gạo có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu thũng. Có thể sắc uống chữa viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày - tá tràng, kiết lỵ, đại tiện lỏng, phân lẫn máu, sản hậu phù thũng, đau khớp gối hoặc khớp cổ chân. Còn thường dùng để bó gãy xương và chữa chấn thương do bị ngã hoặc bị đánh.
Rễ cây gạo có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, thu liễm chỉ huyết, có thể sử dụng chữa viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày, phụ nữ sau khi đẻ phù thũng, đi lỵ phân lẫn máu, tràng nhạc, chấn thương, bong gân.
Theo "Thuốc vườn nhà", sự khác biệt giữa tầm gửi cây gạo, so với các loại tầm gửi khác, chỉ có thể là "Tầm gửi cây gạo" có thể có thêm một số tác dụng như nói ở trên, của cây gạo. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu bài bản, mới có thể đưa ra được kết luận cuối cùng.
Lương y THÁI HƯ
(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" số 101/4-2019)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.