Hỏi:
Tôi
nay 40 tuổi. Năm ngoái, do hay bị đau bụng và rong huyết, đi bệnh viện
khám, siêu âm phát hiện thấy trong tử cung có khối u. Tôi đã uống nước
sắc lá trinh nữ hoàng cung 2 tháng. Sau đó lại uống thuốc viên Crila -
chế từ trinh nữ hoàng cung 3 tháng nữa, nhưng đi khám siêu âm thấy kích
thước khối u không thu nhỏ lại. Tôi nghĩ có lẽ cơ thể mình không hợp với
trinh nữ hoàng cung, vì vậy mong "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn giúp cho một số loại thuốc khác để sử dụng thử.
T.T.K.A, Thanh Ba, Phú Thọ
Đáp:
Trinh nữ hoàng cung
Đúng
như bạn nhận định, lá trinh nữ hoàng cung, cũng như thuốc viên Crila,
chỉ có khả năng chữa khỏi u xơ tử cung cho một số đối tượng nhất định
(với tỷ lệ khá cao, theo quảng cáo), nhưng không phải tất cả mọi người.
Đối với một số bệnh nhân, trinh nữ hoàng cung không những không có tác
dụng trị liệu, mà còn gây nên tác dụng phụ bất lợi. Là một loại thảo
dược, một vị thuốc Đông y, trinh nữ hoàng cung cần được sử dụng theo
đúng với y lý, dược lý Đông y. Do đó khi sử dụng, cần được sự hướng dẫn
cụ thể của thầy thuốc Đông y.
U xơ tử cung là loại u lành tính
(không phải ung thư) thường hay gặp nhất ở tử cung. U xơ tử cung có thể
chỉ là một khối u hoặc có nhiều khối hợp lại; có thể phát triển vào
trong lòng tử cung, vào sâu bên trong thành tử cung, hoặc nằm ở mặt
ngoài tử cung hướng vào khoang bụng. U xơ tử cung rất ít khi ác biến
(biến thành ung thư), hơn nữa đến tuổi mãn kinh thường teo nhỏ lại, do
đó bạn cũng chớ nên quá lo lắng.
Trong Đông y học, u xơ tử
cung trên thực tế được đề cập trong phạm vi của chứng "chưng hà". Bệnh
danh này đã xuất hiện từ 2000 năm trước, trong sách "Kim Quỹ yếu lược". "Chưng hà" chỉ các khối kết tụ ở trong khoang bụng.
Trên lâm sàng còn phân chia ra hai loại: Loại khối cứng chắc, cố định,
gây đau ở vị trí cố định gọi là "chưng"; loại khối tụ tán vô thường (lúc
có lúc không), ấn vào thấy di động, đau không ở một chỗ cố định thì gọi
là "hà".
Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn tới
chưng hà (bao gồm u xơ tử cung), có thể do tình chí thất điều (tổn
thương, quá tải về tinh thần, tình cảm), khiến cho chức năng sơ tiết khí
cơ của tạng Can bị trục trặc, dẫn đến tình trạng khí trệ, huyết ứ; hoặc
có thể do thường ngày ăn quá nhiều các món xào rán, béo ngọt, hậu vị,
... khiến đàm thấp tích tụ lại, gây tắc trở kinh mạch ở bào cung, bào
lạc, mà gây nên bệnh.
Để chữa trị một cách có hiệu quả, cần
xác định chính xác xem bệnh do nguyên nhân nào, trong số các nguyên nhân
kể trên gây nên, trên cơ sở đó chọn dùng vị thuốc, bài thuốc tương
thích. Nói chung, bạn nên đến phòng khám Đông y có uy tín, để được chẩn
bệnh và hướng dẫn cụ thể.
Trước mắt, có thể căn cứ vào
triệu chứng cụ thể kèm theo, để tự xác định thể bệnh (nguyên nhân) và
chọn dùng bài thuốc thích hợp, theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" như sau:
1. Thể khí trệ:
- Chủ chứng:
Bụng dưới trướng đầy, khối tích không cứng, đẩy thấy di động, vị trí
đau không cố định. Kèm theo trước kỳ kinh bầu vú trướng đau, phiền táo
dễ cáu giận. Rêu lưỡi trắng mỏng; mạch trầm huyền (chìm, căng như dây
đàn).
- Để chữa trị, thường sử dụng bài thuốc có tác dụng "lý khí hóa tích" sau:
Dùng sài hồ 10g, chỉ xác 10g, hương phụ 10g, xuyên khung 10g, bạch
thược 10g, cam thảo 3g, đương quy 20g, tiểu hồi hương 10g, xuyên luyện
tử 10g, nguyên hồ 6g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang; liên tục 5-7 ngày
trước mỗi kỳ kinh.
2. Thể huyết ứ:
- Chủ chứng:
Trong bụng có khối cứng, vị trí cố định, trướng đau, ấn vào đau tăng;
lượng kinh huyết nhiều, thời gian hành kinh kéo dài, kinh huyết sắc nhợt
lẫn hòn cục; hoặc sắc mặt đen sạm, bầu vú có hòn cục; lưỡi tối, rìa có
điểm ứ huyết; mạch trầm sáp (chìm, rít).
- Để chữa trị, thường sử dụng bài thuốc có tác dụng "hoạt huyết phá tích" sau:
Quế chi 3g, phục linh 10g, đan bì 10g, xích thược 10g, đào nhân 10g,
xuyên khung 6g, đương quy 20g, tam lăng 10g, nga truật 10g, ngưu tất
10g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang; liên tục 5-7 ngày trước mỗi kỳ
kinh.
3. Thể đàm thấp:
- Chủ chứng:
Bụng dưới có khối tròn, đau âm ỉ, ấm vào thấy mềm, đới hạ (khí hư,
huyết trắng) nhiều, sắc trắng dính, ngực đầy tức khó chịu; người béo, sợ
lạnh; chất lưỡi tối, rêu lưỡi trắng nhớt; mạch nhu tế (nhỏ yếu).
- Để chữa trị, thường sử dụng bài thuốc có tác dụng "hóa đàm trừ thấp" sau: Mộc hương 6g, sa nhân 3g, trần bì 10g, bán hạ 10g, phục linh 15g, đảng sâm 15g, bạch truật 10g, biển đậu 10g, ý dĩ 20g, xuyên khung 6g, đương quy 20g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang; liên tục 5-7 ngày trước mỗi kỳ kinh.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.