Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cỏ nọc sởi chữa bệnh nhiễm trùng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 22/05/2013 08:10 CH

Hỏi:

Vùng quê tôi có rất nhiều cây nọc sởi mọc hoang. Nghe nhiều người nói, cây này có tác dụng làm tiệt nọc sởi. Tôi rất muốn biết rõ cách dùng cây này chữa bệnh sởi và ngoài tác dụng đối với bệnh sởi, cây còn có thể sử dụng để chữa những bệnh gì khác? Mong được "Thuốc vườn nhà" tư vấn cho biết.

Vương Thiên Ân, Kim Động, Hưng Yên

Đáp:

cây nọc sởi, cỏ ban, cỏ vỏ lúa, châm hương, nhả cam, bióc lương, địa nhĩ thảo, điền cơ vương, điền cơ hoàng, dạ quan môn

Nọc sởi là cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Thường hay gặp ở những ruộng mạ, ruộng bỏ hoang, ...

Cây nọc sởi còn có rất nhiều những tên gọi khác, như "cỏ ban", "cỏ vỏ lúa", "châm hương", "nhả cam" (dân tộc Tày), "bióc lương" (dân tộc Thái), "địa nhĩ thảo", "điền cơ vương", "điền cơ hoàng", "dạ quan môn", ... Do cây có hoa màu vàng, thường mọc đầy ở những ruộng hoang, nên có tên là "điền cơ hoàng" ("điền" là ruộng, "cơ" là nền gốc, "hoàng" là màu vàng). Còn như có tên "dạ quan môn" là vì vào chiều tối thì lá cây cúp lại ("dạ" là tối, "quan" là đóng, "môn" là cửa), ...

Nọc sởi là một loài cỏ sống hàng năm. Mùa xuân cây bắt đầu mọc lên mặt đất, cho tới mùa hạ thì nở hoa, sang mùa thu đông sẽ lụi hết và tới mùa xuân năm sau mới lại xuất hiện, ... Cây có thân nhỏ, mang nhiều cành, cao chừng 10-20cm, thân nhẵn. Lá mọc đối, hình bầu dục, không cuống, trên phiến có những điểm chấm nhỏ trong mờ, soi lên sáng lại càng rõ. Phiến lá dài 7-10mm, rộng 3-5mm. Hoa nhỏ màu vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá và đầu cành, có cuống dài 4-5mm. Lá bắc và lá đài nhẵn. Quả nang hình trứng, dài 4mm, mở bằng 3 van dọc. Hạt hình trụ, rất nhỏ, hơi thon, có vạch dọc, chiều dài chừng 1mm.

Để dùng làm thuốc, người ta thường hái về dùng tươi, nhổ toàn cây cả rễ; có khi phơi hay sấy khô dùng dần. Nói chung không cần phải chế biến gì khác.

Theo Đông y: Cây nọc sởi có vị đắng ngọt, tính mát; vào 2 kinh Can và Đảm. Có  tác dụng thanh nhiệt giải độc, thẩm thấp lợi tiểu, tiêu sưng giảm đau. Chủ trị viêm gan nhiễm trùng, trẻ nhỏ kinh phong, cam tích, bạch hầu, viêm phổi, viêm ruột, đòn ngã tổn thương, mụn nhọt sưng đau, rắn độc cắn, ...

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Thuốc nước và rượu thuốc chế từ cây nọc sởi có tác dụng ức chế tương đối mạnh đối với vi trùng hiếm khí Gram dương gây lao ở trâu bò (Mycobacterium tuberculosis bovis). Có tác dụng ức chế ở mức độ khác nhau đối với: Liên cầu khuẩn viêm phổi (streptococcus pneumoniae); Tụ cầu khuẩn vàng (staphylococcus aureus); Gram âm hình que gây tiêu chảy ở lợn (Salmonella cholerae suis); Trực khuẩn mủ xanh (Bacillus pyocyaneus); Trực khuẩn bạch hầu (Bacillus diphtheriae); Trực khuẩn lỵ (Shigella dysenteriae). Còn có tác dụng ức chế đối với vi trùng sốt rét. Ngoài ra, nọc sởi còn có tác dụng ức chế khá mạnh đối với vi rút Herpes simplex virus (HSV), bảo vệ gan và chống ung thư. Nói cách khác, nọc sởi là loại "cây kháng sinh" với phổ tác dụng tương đối rộng.

Tại nhiều địa phương ở nước ta, từ xưa dân gian đã lưu truyền kinh nghiệm sử dụng cây này để phòng ngừa và chữa các di chứng do vi-rút sởi gây nên, vì vậy cây mới có tên là "nọc sởi".

Cách sử dụng cụ thể như sau: Vào mùa xuân hoặc khi có dịch sởi, hàng ngày dùng một nắm (khoảng 20g) cỏ nọc sởi, sắc lấy nước uống thay nước trong ngày. Một số người còn phối hợp thêm với hoa kim ngân (8-12g), rau diếp cá (một nắm), ... để tăng thêm tác dụng chữa sởi.

Ngoài tác dụng phòng trị bệnh sởi, còn có thể sử dụng cây nọc sởi để chữa trị một số chứng bệnh khác như sau:

    (1) Phòng trị cảm và cúm: Dùng cây nọc sởi 15g, sắc 2 lần, hợp 2 nước lại trộn đều; chia 2 lần uống trong ngày, liên tục 6 ngày. Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy, ở nhóm được uống nước sắc cây nọc sởi tỷ lệ mắc bệnh giảm rõ rệt so với nhóm đối chứng và không có những tác dụng phụ ngoài sự mong muốn.

    (2) Chữa bạch hầu: Dùng cây nọc sởi tươi 20-30g, thêm nước đã đun sôi để nguội, giã nát, vắt lấy nước uống. Hoặc dùng cây nọc sởi khô 15g, sắc nước uống.

    (3) Mùa hè bị đi lỵ, ỉa chảy nôn mửa: Dùng cây nọc sởi 15-20g, sắc uống.

    (4) Chữa phó thương  hàn, sốt thương hàn: Dùng cây nọc sởi 30-60g, thái nhỏ; sắc 2 lần, hợp 2 nước lại trộn đều, chia 3 lần uống trong ngày; liên tục 10 ngày (1 liệu trình). Tuy tác dụng không nhanh bằng sử dụng kháng sinh, nhưng an toàn và không có tác dụng phụ.

    (5) Chữa viêm gan siêu vi trùng (vi-rút): Dùng cây nọc sởi 90-120g tươi; sắc nước uống thay nước trong ngày. Thích hợp với cả viêm gan các thể vàng da và không vàng da.

    (6) Chữa hôi miệng sâu răng: Dùng cây nọc sởi (nhổ một nắm cả thân rễ, lá); rửa sạch, sắc lấy nước. Dùng nước này súc miệng thường xuyên.

    (7) Chữa chàm: Dùng cây nọc sởi - lượng thích hợp, nấu nước rửa.

    (8) Chữa ung nhọt sưng tấy, đòn, ngã, bong gân sưng đau: Dùng cây nọc sởi tươi; giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh.

    (9) Chữa rắn độc cắn: Giã nát cây nọc sởi, thêm ít băng phiến; đắp lên vết rắn cắn sau khi đã được chích rộng ra. Đồng thời, dùng cây nọc sởi (kết hợp với một số vị thuốc khác) sắc uống để tiêu sưng giải độc.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]