Hỏi:
Tôi là độc giả thường xuyên của thuocvuonnha.com. Trên "Thuốc vườn nhà"
đã phổ biến nhiều vấn đề bổ ích về tác dụng của lá sen. Mùa hè, gia
đình chúng tôi thường hay ăn các món chế từ củ sen và rất muốn biết củ
sen có những tác dụng gì? Rất mong được Quý báo quan tâm, giới thiệu cho
biết.
Nguyễn Thị Bích, Thái Bình
Đáp:
Sen
Cây
sen mọc từ dưới nước, thân rễ mọc ở trong bùn. Thân rễ cây sen, thường
gọi là "ngó sen" hay "củ sen", bao gồm nhiều đoạn phình ra thắt lại,
giống như dây xúc xích. Cái khúc phình to ra chất xốp, có nhiều lỗ bên
trong. Ngó sen bẻ ra có nhiều sợi tơ dính vẫn ở hai đầu, vì thế có câu "Ngó sen đứt tơ vẫn còn vương".
Ngó sen sử dụng làm thực phẩm, có thể ăn sống như hoa quả hay làm nộm, hoặc đem nấu thành những món ăn khác nhau.
Ngó sen thực ra cho ta 2 vị thuốc. Trong Đông y, phần phình to thường gọi là "ngẫu" hoặc "ngẫu qua"; phần thắt lại gọi là "ngẫu tiết" (có nghĩa là "đốt ngó sen").
Ngó sen
Tính năng và tác dụng của 2 vị thuốc đó cơ bản giống nhau, nhưng cũng có một vài khác biệt nhất định, cụ thể:
- Phần phình to (ngẫu): Có vị ngọt, tính hàn, vô độc; vào 3 kinh Tâm, Tỳ và Vị.
- Phần thắt lại (ngẫu tiết): Có vị ngọt chát, tính bình; vào 3 kinh Can, Phế và Vị.
- "Ngẫu" (phần phình to) có tác dụng thanh nhiệt và bổ dưỡng tốt hơn, nhưng tác dụng cầm máu không mạnh bằng "ngẫu tiết".
Ngoài
ra, tác dụng của ngó sen còn phụ thuộc vào cách bào chế, tùy theo cách
thức chế biến mà "tính dược" của nó cũng sẽ khác đi, cụ thể:
- Ngó
sen khi để sống có tính hàn (lạnh). Có tác dụng thanh nhiệt, tán ứ, làm
cho hết nôn (chỉ ẩu), giải khát, tỉnh rượu, thường dùng để chữa trị các
chứng xuất huyết do nhiệt. Đặc biệt là phụ nữ sau khi sinh đẻ thường
phải kiêng những thứ sống lạnh, nhưng vẫn có thể sử dụng được ngó sen.
- Còn ngó sen chín có tính ôn (ấm). Có tác dụng kiện Tỳ khai Vị, làm
ngừng ho (chỉ khái), dưỡng huyết, sinh cơ; dùng chữa các vết thương lở
loét lâu ngày không kín miệng, ... Khi đã nấu chín, tuy tác dụng thanh
nhiệt tán ứ của ngó sen có giảm đi một chút, nhưng tác dụng tư dưỡng và
bổ âm lại được tăng cường; vì vậy những người Tỳ Vị hư nhược, nhất là
người cao tuổi, ăn ngó sen chín rất tốt.
- Ngó sen sau khi
đã sao cháy thành than, thì tác dụng cầm máu lại càng mạnh thêm. Khi ăn
ngó sen, người ta thường hay nhặt bỏ "mấu" (ngẫu tiết), làm như vậy
không thật hợp lý. Bởi lẽ, ngẫu tiết là thứ thuốc cầm máu rất hay, có
thể chữa được nhiều dạng xuất huyết, như chảy máu cam, ho hoặc nôn ra
máu, đại tiện ra máu, phụ nữ bị băng lậu, ...
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số ứng dụng cụ thể:
(1) Chữa các chứng xuất huyết:
- Theo kinh nghiệm dân gian, trong những trường hợp bị chảy máu, như
máu cam, đại tiểu tiện ra máu, ... chỉ cần lấy độ chục cái ngó sen, đem
giã nát, thêm chút đường đỏ rồi đun lên uống vào buổi sáng và buổi tối;
thông thường trong khoảng mươi hôm là khỏi bệnh.
- Để
chữa xuất huyết dạ dày, có thể lấy nước ép ngó sen và nước ép củ cải -
mỗi thứ khoảng 20-30ml; trộn đều rồi uống, ngày 2 lần, liên tục trong
nhiều ngày.
(2) Chữa sốt xuất huyết:
Dùng ngó sen 30g, lá sen 30g, rau má 30g, bông mã đề 20g; sắc nước uống
trong ngày. Trường hợp xuất huyết nặng, có thể tăng lượng ngó sen và lá
sen lên tới 40-50g.
(3) Chữa ngộ độc do ăn cua:
Đây là bài thuốc kinh nghiệm đã được ứng dụng chữa khỏi bệnh cho vua
Tống Hiếu Tông. Theo Tống sử, một lần Tống Hiếu Tông ăn cua bắt từ hồ
lên và đã mắc phải bệnh lỵ, đau bụng đi ngoài liên tục, phân lẫn máu,
... Các thầy thuốc trong Thái y viện chữa mãi vẫn không khỏi. Sau đó,
qua tiến cử, một thầy lang không tên tuổi chỉ cần lấy ngó sen non, giã
nát, đem hòa với rượu nóng cho uống, thế mà chỉ vài lần thì khỏi.
(4) Chữa nôn: Ngó sen sống 30g, gừng sống 3g; 2 thứ giã vắt lấy nước, chia thành hai lần uống trong ngày.
(5) Chữa ho nhiệt: Nước ép ngó sen và nước ép quả lê - mỗi thứ 100ml; trộn đều, ngày uống 3 lần, liên tục trong 5-7 ngày.
(6) Trị bệnh ưa chảy máu (hemophilia):
Ngó sen tươi 1000g, lê tươi 1 quả, củ năn (mã thầy) 500g, mía tươi
500g, sinh địa 250g; tất cả ép lấy nước, ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 1
chén con.
(7) Một số món cháo bổ dưỡng:
(7.1) Bột ngó sen 25g, gạo tẻ 25g, đường tùy lượng; đem nấu cháo ăn vào
buổi sáng và buổi tối. Cháo này có tác dụng tăng thể lực, chữa kém ăn,
mất ngủ, miệng khát, ngực bứt rứt khó chịu.
(7.2) Ngó
sen tươi 50g, gạo tẻ 50g, đường tùy lượng; nấu cháo ăn. Có tác dụng trị
các chứng miệng khô, lưỡi rát, đờm dính máu, mũi khô chảy máu do nhiệt
gây nên.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.