Hỏi:
Nhà tôi có người bị tràng nhạc, cổ và nách mọc lên nhiều hạch, ... Tôi đã áp dụng thử một số bài thuốc dân gian mà không khỏi. Gần đây có người mách, sử dụng cây sàn sạt có thể chữa khỏi. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Cây sàn sạt có hình dạng như thế nào, tìm ở đâu và cây còn có những tác dụng chữa bệnh gì khác?
Trần Mạnh Thắng, Sóc Sơn, Hà Nội
Đáp:
Sàn sạt
Sàn sạt (Humulus scandens (Lour.) Merr.) là loài cây mọc hoang dại khắp nơi. Trâu bò rất thích ăn. Thường thấy ở các lùm bụi, trên các bãi hoang, bãi tha ma, bờ rào trong các làng xóm, ...
Sàn sạt là một loại dây leo sống hàng năm hay nhiều năm, thân có rãnh dọc, các nhánh và cuống lá đều có lông. Lá mỏng, mọc đối, lá phía trên so le. Phiến lá xẻ 5 thùy hình chân vịt, rộng khoảng 8cm, mép có răng cưa, 2 mặt có lông, mặt dưới có những điểm tuyến màu vàng, cuống lá dài 5-20cm. Hoa khác gốc, đơn tính. Hoa đực nhỏ, màu lục vàng nhạt, mọc ở kẽ lá, thành chùy hình tháp, dài 15-25cm. Hoa cái thành hình xim co gần hình cầu. Hoa không cuống, mọc ở nách 1 lá bắc đính với 1 lá bắc con giống như 1 đài. Hoa đực có 5 lá đài có lông rải rác ở phần lưng, 5 nhị, chỉ nhị rất ngắn, bao phấn rời hình 4 cạnh. Hoa cái trần quả bế, màu vàng nhạt. Hoa nở vào tháng 7-8.
Để làm thuốc, thường hái cả cây, phần trên mặt đất, cắt ngắn, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Theo Đông y: Sàn sạt có vị ngọt, đắng, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, tán kết, kiện tỳ, thoái hư nhiệt.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy: Sàn sạt có tác dụng kháng khuẩn và ức chế virus mạnh.
Đúng là, trong dân gian có lưu truyền kinh nghiệm sử dụng sàn sạt chữa tràng nhạc theo cách như sau: Dùng sàn sạt tươi 60g (rửa sạch, cắt ngắn), rượu trắng 60ml, đường đỏ 90g; cho 3 thứ vào nồi đất, thêm 6 bát nước, sắc lấy 3 bát; chia ra 3 lần uống sau khi ăn cơm; liên tục theo từng liệu trình 7-10 ngày.
Lưu ý: Bệnh "tràng nhạc" trong Đông y gọi là "loa lịch". Theo Đông y, nguyên nhân gây nên bệnh chủ yếu là can thận âm hư, khí huyết suy nhược, hư hỏa nung nấu ở bên trong kết lại thành đờm, đọng lại ở bì phu mà gây nên bệnh.
Đây là một bệnh phức tạp, hơn nữa bệnh của người nhà bạn đã kéo dài lâu ngày, vì vậy muốn dùng Đông dược để chữa, tốt nhât nên tìm đến khoa Đông y ở các bệnh viện, hoặc các phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc chẩn đoán và chữa trị một cách toàn diện.
Ngoài chữa tràng nhạc, dân gian còn sử dụng sàn sạt để chữa trị một số chứng bệnh khác, theo những cách như sau:
(1) Chữa lao phổi, sốt nhẹ về chiều, đêm ngủ mồ hôi trộm: Dùng sàn sạt tươi 40-80g, sao vàng, hạ thổ; sắc lấy nước uống trong ngày; dùng theo từng liệu trình 7-10 ngày.
(2) Chữa rối loạn tiêu hóa: Dùng sàn sạt 12-24g, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày; liên tục vài ngày đến khi khỏi.
(3) Chữa bỏng rạ, nổi mụn có mủ: Dùng dây lá sàn sạt tươi, nấu nước tắm rửa, ngày 1-2 lần.
(4) Chữa phong thấp khớp xương sưng đỏ: Dùng sàn sạt tươi, trộn với mật, giã nát, đắp vào chỗ đau.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.