Hỏi:
Tôi mắc bệnh cao huyết áp đã nhiều năm. Mỗi lần thấy váng đầu chóng mặt
lại phải vội vàng uống thuốc tân dược để hạ huyết áp. Gần đây tôi nghe
có người nói, chứng chóng mặt như vậy có thể dùng cây rau cải cúc để
chữa. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết điều đó có cơ sở khoa học hay
không?
Trần Hoài Tâm, Đô Lương, Nghệ An
Đáp:
Cải cúc là một trong những loài rau chủ lực trong mùa đông. Cây còn có
tên là "cúc tần ô", "rau cúc", "rau tần ô"; tên khoa học là
Chrysanthemum coronarium L., thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Cải
cúc là loài cây thảo sống hằng năm, có thể cao tới 1,2m. Lá ôm vào thân,
xẻ lông chim hai lần với những thuỳ hình trứng hay hình thìa không đều.
Cụm hoa ở nách lá, các hoa ở mép màu vàng sẫm, các hoa ở giữa đầu màu
vàng lục, thơm. Các lá bắc của bao chung không đều, khô xác ở mép.
Cải
cúc có thể dùng để ăn sống như xà lách, chế dầu giấm, nấu canh, ăn với
lẩu, ... Ngoài công dụng dùng làm thức ăn, cải cúc còn là một vị thuốc.
Tác dụng chữa bệnh của cải cúc được ghi chép sớm nhất trong sách "Thiên kim. Thực trị", từ nhiều thế kỷ trước. Sau đó còn được đề cập trong nhiều sách thuốc và sách về ẩm thực liệu pháp khác, như "Dược thiện chính yếu", "Điền Nam bản thảo", "Đắc phối bản thảo", ...
Theo Đông y:
Cải cúc có vị cay ngọt, tính bình; vào các kinh Can, Phế, Tỳ và Vị. Có
tác dụng dưỡng tâm, nhuận phế, bổ gan mát máu, trừ ho nhiệt, tiêu viêm
loét. Dùng chữa ho nhiều đờm, phiền nhiệt, váng đầu, cao huyết áp, mất
ngủ, viêm dạ dày, viêm ruột và đi lỵ.
Trong dân gian, cải cúc
được xem như loại rau khai vị, giúp ăn ngon, xúc tiến tiêu hóa, trừ đờm,
tán phong nhiệt. Nấu chín ăn có tác dụng bổ tỳ, trợ giúp tiêu hóa; đối
với người tỳ vị hư nhược, thức ăn tích trệ, bụng ngực đầy trướng, tiêu
hóa kém, chán ăn thường xuyên dùng cải cúc có tác dụng trị liệu nhất
định. Đối với người bụng lạnh đau, thoát vị, sa trực tràng, có thể sử
dụng như biện pháp hỗ trợ trong điều trị.
Tuy nhiên kinh
nghiệm thực tế cho thấy, cải cúc tuy là rau nhưng không nên sử dụng quá
nhiều, vì dùng quá nhiều, lại xào nấu với nhiều dầu mỡ, thì có thể gây
tích trệ và sinh nội nhiệt.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy:
Do trong cải cúc có chứa tinh dầu và choline, nên có mùi thơm, có khả
năng khai vị xúc tiến tiêu hóa, giúp đầu óc tỉnh táo. Thường xuyên sử
dụng cũng có lợi đối với những người ho khạc ra đờm đặc và đại tiện bí
kết, vì cải cúc có tác dụng trừ đờm đặc, thông đại tiện và trừ hôi
miệng.
Trong cải cúc có chứa tinh dầu, do đó không nên đun nấu
quá lâu. Cũng không nên thái nhỏ rồi mới rửa hoặc ngâm nước quá lâu, vì
như vậy cũng làm giảm thành phần dinh dưỡng.
Trở lại vấn đề chữa váng đầu do tăng huyết áp.
Theo những tài liệu chúng tôi có trong tay,
kết quả nghiên cứu dược lý đã chứng thực, trong cải cúc có những thành
phần có tác dụng tiêu trừ hiện tượng váng đầu do cao huyết áp.
Với người tăng huyết áp, có thể sử dụng cải cúc theo những cách cụ thể như sau:
(1) Chữa váng đầu do cao huyết áp:
Dùng cải cúc tươi một mớ (khoảng 200g-300g), rửa sạch, loại bỏ tạp
chất, cắt ngắn, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa thêm chút nước đã đun sôi
còn ấm; ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén con.
(2) Chữa cao huyết áp:
Ăn canh cải cúc lòng trắng trứng gà. Cải cúc tươi 250g, trứng gà 3 quả;
cải cúc rửa sạch, loại bỏ tạp chất, cắt ngắn; cho vào nồi, thêm nước,
nấu đến khi rau gần chín; đập trứng gà, lấy lòng trắng (không dùng lòng
đỏ), cho vào nồi đun thêm một lát, thêm mắm muối gia cho vừa miệng;
dùng làm món canh, ăn trong các bữa cơm. Dùng thường xuyên có tác dụng
điều hòa huyết áp và phòng ngừa váng đầu, chóng mặt.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.