Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Vị thuốc chữa bệnh từ cây bưởi

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 05/02/2013 01:12 SA

Hỏi:

Góc vườn nhà tôi có cây bưởi, cho trái rất ngon. Nhưng về tác dụng làm thuốc, tôi chỉ biết dùng lá để nấu nước xông chữa cảm cúm, nhức đầu. Mong "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết thêm về tác dụng làm thuốc của loài cây này.

Lê Thị Thắm, Tam Nông, Phú Thọ

Đáp:

bưởi, cây bưởi, bòng, co phúc, co pục, Citrus maxima (Buru) Merrill, Citrus grandis Osbeck

Cây bưởi là một "tủ thuốc" xanh ngay trong vườn nhà, vì tất cả các bộ phận của cây bưởi đều có thể sử dụng làm thuốc.

Bưởi còn có tên là "bòng", "co phúc" (dân tộc Mường), "co pục" (Thái), ... tên khoa họclà Citrus maxima (Buru) Merrill; Citrus grandis Osbeck, thuộc họ Cam (Rutaceae).

Cây bưởi đã được sử dụng làm thuốc trong dân gian từ lâu đời và tác dụng chữa bệnh của cây bưởi cũng được ghi chép trong các sách thuốc cổ của nước ta từ nhiều thế kỷ trước. Như sách "Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh viết: "Trái bưởi vị chua tính lạnh, hay làm cho thư thái, trị được chứng có thai nôn nghén, nhác ăn, đau bụng, hay người bị tích rượu ăn không tiêu, ... Vỏ quả bưởi gọi là cam phao, vị đắng cay, tính không độc, thông lợi, trừ đờm ráo thấp, hòa  huyết, giảm đau, trị tràng phong, đau ruột, tiêu phù thũng. Bỏ cùi trắng, lấy lớp vỏ vàng sao dùng”.

Theo Đông y: Trái bưởi có vị ngọt, chua; tính lạnh; vào các kinh Túc dương minh Vị và Thủ thái âm Phế. Có tác dụng khai vị lý khí, hóa đàm, giải tửu. Dùng chữa các chứng ngực bụng đầy tức, ăn không ngon miệng, ho nhiều đờm, say rượu, ...

Tác dụng làm thuốc của các bộ phận của cây bưởi, theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi:

    - Lá bưởi tươi thường được dùng nấu với nhiều lá thơm khác để xông chữa cảm cúm, nhức đầu. Còn dùng để cất tinh dầu, nhưng nếu hái lá thì hại quả và hoa cho nên ít làm.

    - Vỏ quả bưởi chữa ăn uống không tiêu, đau bụng, ho. Ngày dùng 4-12g dưới dạng sắc uống.

    - Vỏ hạt bưởi có thể dùng lấy pectin làm thuốc cầm máu, và dùng chải tóc giữ cho tóc im giống như dùng gôm adragant.

    - Dịch ép múi bưởi làm thuốc chữa tiêu khát (đái tháo đường), thiếu vitamin C, làm nguyên liệu chế axit xitric thiên nhiên.

    - Nước hoa bưởi thường bán ở các hiệu làm bánh được cất từ hoa bưởi phối hợp với nhiều vị thuốc có vị thơm khác như hồi quế, ... dùng để làm thơm thức ăn, bánh trái.

Nhân tiện xin bổ sung thêm một số thông tin về tác dụng chữa đái tháo đường (Đông y gọi là "tiêu khát"): Sách "Trung dược đại từ điển" (Thượng Hải KHKT XBX, tái bản lần thứ 11, năm 2002) có trích dẫn kết quả một nghiên cứu thực nghiệm khẳng định: Trong dịch ép múi bưởi chứa thành phần có tính năng tương tự insulin, có tác dụng làm hạ đường huyết. Những năm gần đây, tác dụng hạ đường huyết của trái bưởi, còn được kết quả nghiên cứu tiến hành tại Đại học Hebrew (Israel) và Bệnh viện Đa khoa Massachusettes (Mỹ) khẳng định.

Một số đơn thuốc có sử dụng cây bưởi:

    (1) Chữa đau đầu: Lá bưởi, hành củ - 2 thứ bằng nhau; giã nát, đắp lên hai bên thái dương rồi dùng băng dính cố định lại (Thực trị bản thảo).

    (2) Chữa hen suyễn: Vỏ bưởi đào 200g, bách hợp 40g, đường kính trắng 40g; sắc với nước trong khoảng 2 giờ, bỏ bã, chia thành nhiều lần uống trong ngày; uống liên tục trong 9 ngày (1 liệu trình), nghỉ vài ngày lại uống tiếp. Tại Đan Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã tiến hành thử nghiệm và chữa khỏi bệnh cho 8 bệnh nhân (Thực trị bản thảo).

    (3) Chữa suyễn thở: Lấy vỏ của cả một quả bưởi, cạo bỏ cùi trắng bên trong (chỉ lấy phần vỏ vàng bên ngoài), thái nhỏ, cho vào một cái bát lớn, thêm đường hoặc mật ong vào cho đủ ngọt, sau đó đậy kín lại, cho vào nồi hấp cách thủy đến khi chín nhừ; ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ; mỗi lần uống khoảng 15-20ml (khoảng 3-4 thìa cà phê), hòa thêm một chút rượu trắng vào cùng uống. Có tác dụng tốt đối với người cao tuổi ho nhiều đờm, khí suyễn khó thở (Thực trị bản thảo).

    (4) Chữa trẻ nhỏ bị ho: Vỏ bưởi 6g, lá ngải cứu 6g, cam thảo 3g; sắc nước uống (Thực vật dược dụng chỉ nam).

    (5) Chữa bệnh tim mạch, cholesterol máu cao: Hàng ngày ăn 5-7 múi bưởi, liên tục trong 4 tháng (1 liệu trình). Có tác dụng giảm mỡ máu và hỗ trợ điều trị bệnh động mạch vành tim.

    (6) Chữa đau bụng do cảm lạnh: Đốt vỏ bưởi khô để xông hoặc cắt nhỏ dùng giấy cuốn như điếu thuốc lá, đốt lên hơ vào rốn.

    (7) Chữa đầy bụng, ăn khó tiêu: Vỏ bưởi 12g, màng mề gà (kê nội kim) 10g, sơn tra 10g, sa nhân 6g; sắc nước uống. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ dùng 10-15g vỏ bưởi, sắc uống cũng có tác dụng nhất định (Kinh nghiệm dân gian Viêt Nam).

    (8) Chữa hoàng đản (vàng da): Vỏ bưởi sao cháy đen, tán thành bột mịn; ngày uống 3 lần, sau bữa ăn, mỗi lần uống 5-10g (Phúc Kiến Trung thảo dược).

    (9) Chữa phù thũng: Vỏ bưởi đào 20g, mộc thông 20g, bồ hóng 20g, diêm tiêu 12g, cỏ bấc 8g; sắc với nước, uống ngày 2 lần vào lúc đói và ăn một khẩu mía trước và sau khi uống thuốc (Lãn Ông - Bách gia trân tàng).

    (10) Chữa sưng vú mới phát (nhũ ung sơ khởi): Lá bưởi 4-7 chiếc, thanh bì 20g, bồ công anh 30; sắc uống (Ẩm thực trị liệu chỉ nam).

    (11) Chữa phụ nữ nôn mửa khi có thai: Vỏ bưởi 15-20g; sắc nước uống hoặc pha trà uống dần trong ngày (Ẩm thực trị liệu chỉ nam).

    (12) Chữa sản hậu phù thũng: Vỏ bưởi khô, ích mẫu (ích mẫu thảo) - 2 vị liều lượng bằng nhau; tất cả đem tán mịn, trộn đều, ngày uống 2-3 lần vào lúc đói, mỗi lần 8g, chiêu thuốc bằng rượu. Hoặc cũng có thể dùng vỏ bưởi 20g, ích mẫu 20g; sắc uống; chia 2-3 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng (Bách gia trân tàng).

    (13) Chữa trẻ em chốc đầu: Hạt bưởi bóc vỏ cứng ngoài, xâu vào sợi thép, đốt trên ngọn lửa cho cháy thành than, nghiền nhỏ; rửa nơi chốc đầu thật sạch bằng nước ấm, thấm cho khô; bôi bột than hạt bưởi lên; ngày bôi 1-2 lần; thời gian điều trị từ 3-6 ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt  Nam).

    (14) Chữa khớp xương đau nhức: Lá bưởi 5 chiếc, gừng tươi 4 lát; cùng giã nát, trộn với dầu trẩu đắp vào những chỗ đau nhức, dùng băng cố định lại (Trung y dược thiện học).

    (15) Giải say rượu: Lỡ uống quá chén, ăn bưởi (hoặc uốnng nước ép bưởi) có tác dụng làm tỉnh rượu và giải trừ bớt các chất độc của rượu (Ẩm thực trị liệu chỉ nam).

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]