Hỏi:
Gần đây tôi nghe một số người nói, khoai sọ chữa đau nhức xương khớp
rất hay. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Nếu đúng,
mong được hướng dẫn giúp cách làm cụ thể.
Nguyễn Thị Là, Tuyên Quang
Đáp:
Khoai
sọ còn gọi là "khoai môn", "mak phữa" (dân tộc Thái), "mak phước" (dân
tộc Tày). Trong các sách thuốc của Đông y, khoai sọ thường gọi là "dụ
nãi", "dụ đầu", "dụ căn", "tử dụ", ... tên khoa học là Colocasia
antiquorum Schott., (Colocasia esculenta (L.) Schott., thuộc họ Ráy
(Araceae).
Khoai sọ mọc dại và được trồng ở khắp nơi để lấy củ
ăn. Củ khoai sọ mọc dại thường có màu tím, ăn thì phá khí, không bổ. Củ
khoai sọ trồng thường có bột màu trắng dính, có vị ngọt hơi the, trơn
nhớt. Khoai sọ trồng ở nước ta bao gồm nhiều giống; như giống "mống
hương", cây nhỏ, thường trồng ở đồng màu, ruột củ màu phớt vàng hay
hồng, ăn ngon; giống "mống riềng", năng suất cao nhưng ăn ngứa; giống
"khoai đốm", cây cao, có thể trồng trên cạn hay dưới nước, củ ăn rất
ngứa. Nói chung, khoai sọ trồng ở ruộng không thoát nước thường ngứa.
Khoai
sọ là một loại thức ăn dân dã, rẻ tiền, nên nói chung ít được coi trọng
và nhiều người không biết là, tất cả các bộ phận của cây khoai sọ, đều
có thể sử dụng làm thuốc.
Theo Đông y:
- Củ khoai sọ (dụ đầu):
Có tính bình, vị cay ngọt (tân cam); vào 3 kinh Tỳ, Vị và Đại tràng. Có
tác dụng tán khối kết, tiêu u hạch ở cổ (tiêu lịch tán kết), khai vị,
thông tràng (nhuận tràng, thông đại tiện). Thường dùng chữa các loại
thũng độc sưng đau, khối kết (u, hạch), bỏng lửa, viêm khớp, viêm thận,
sưng hạch bạch huyết , ...
- Lá khoai sọ (dụ diệp):
Có vị cay, tính mát. Có tác dụng chỉ tả (chữa tiêu chảy), liễm hãn (cầm
mồ hôi), tiêu thũng độc. Có thể sử dụng chữa tiết tả, tự hãn (hay vã mồ
hôi khi hoạt động), đạo hãn (mồ hôi trộm, ra nhiều mồ hôi khi ngủ), ung
nhọt, thũng độc, ...
- Cuống lá - dọc khoai sọ (dụ ngạnh):
Tính vị giống như lá. Có tác dụng lợi thủy, hòa tỳ (điều hòa chức năng
tiêu hóa), tiêu thũng. Có thể sử dụng chữa tiêu chảy, kiết lỵ, thũng
độc, ...
- Hoa khoai sọ (dụ đầu hoa): Có
vị the, tính bình, có độc. Có thể sử dụng chữa vị thống (đau dạ dày),
thổ huyết, sa tử cung, trĩ sang (trĩ lở loét), thoát giang (sa trực
tràng), ...
Trở lại vấn đề dùng khoai sọ chữa đau xương khớp.
Khoảng
20 năm trước, chúng tôi có biên dịch một số tài liệu về tác dụng chữa
bệnh của khoai sọ, giới thiệu trên báo và tạp chí. Trong đó, có đề cập
tới cách dùng khoai sọ để chữa đau xương khớp và giảm đau do viêm,
ap-xe, ... nội dung như sau:
• Chữa khớp xương đau nhức, giảm đau:
Khoai sọ, gừng - lượng bằng nhau; khoai sọ gọt vỏ thái nhỏ, giã
nhuyễn; gừng giã nát vắt lấy nước cốt, trộn đều; thêm chút bột mì, trộn
thành bột nhuyễn; cắt một miếng gạc (hoặc ni lông) có diện tích bằng chỗ
bị đau, phết cao thuốc lên dầy chừng 2 phân, dán lên chỗ bị bệnh; dùng
băng cố định lại; ngày thay thuốc 1 lần. Nếu là mùa đông, nên kết hợp
chườm nóng, hiệu quả càng tốt. Ngoài tác dụng chữa đau xương khớp, còn
có tác dụng giảm đau do viêm ở bên trong cơ thể (Thực vật dược dụng chỉ nam, Tri thức xuất bản xã, Bắc Kinh, 1991).
• Qua thông tin phản hồi, chúng tôi được biết, những năm qua, nhiều
người đã áp dụng bài thuốc này chữa khớp xương đau nhức xương khớp do
phong thấp, do chấn thương và giảm đau do viêm, như viêm ruột, viêm màng
bụng cục bộ, ... có kết quả tốt; có một trường hợp còn dùng giảm đau do
ung thư cũng thấy có hiệu quả giảm đau nhất định.
• Qua
sự trao đổi với những người đã áp dụng, trước mắt chúng tôi rút ra được
một số kinh nghiệm thực tế, khi sử dụng cần lưu ý như sau:
- Thứ nhất, "cao khoai sọ gừng" chế xong, phải dùng ngay trong ngày, mới có tác dụng.
- Thứ hai, dùng củ con, có tác dụng mạnh hơn củ cái.
- Thứ ba, đối với người dễ bị dị ứng khoai sọ, thì trước khi gọt vỏ,
không rửa khoai sọ bằng nước lã, mà chỉ dùng khăn hoặc giấy lau sạch đất
cát. Trường hợp bị dị ứng viêm tấy, thì giã gừng sống, vắt lấy nước bôi
nhẹ vào có thể khỏi.
- Thứ tư, tỷ lệ khoai sọ/gừng có
thể thay đổi, tùy theo thời tiết và cơ địa từng người. Cụ thể, mùa hè,
người tạng nhiệt, đau nhức do nhiệt thì tăng thêm khoai sọ, giảm bớt
gừng; thí dụ, dùng 3 hay 4 phần khoai sọ và 1 phần gừng. Ngược lại, mùa
đông, người tạng hàn, đau do lạnh, thì tăng gừng lên; ví dụ 1 phần khoai
sọ 2 hoặc 3 phần gừng, ...
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.