Hỏi:
Tôi
nghe nói, củ mã thầy (thường bán trên hè phố Hà Nội) có tác dụng chữa
bệnh ung thư. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Củ mã
thầy còn có những tác dụng chữa bệnh gì khác?
Lê Anh Sơn, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Đáp:
Củ mã thầy còn có tên là "củ năn", "củ năng" (miền Nam), "năng củ",
"năng cao", "bột tề", ... tên khoa học là Heleocharis dulcis (Burm f.),
thuộc họ Cói Cyperaceae.
Mã thầy là loài cây thủy sinh. Thân
không có lá, tròn dài, gần như chia đốt, ngoài mặt có khía dọc, phía
trong có nhiều vách ngang. Lá được thay thế bởi những bẹ hình trụ. Cụm
hoa chỉ gồm có một bông nhỏ màu vàng nâu ở ngọn. Có củ to, đường kính cỡ
2-3cm, vỏ màu nâu đen, lõi có bột màu trắng. Cây mọc ở những nơi đất
thấp, ruộng muối, từ Hà Giang, Cao Bằng, tới Lâm Đồng, Kiên Giang. Cây
dễ trồng, phát triển nhanh, trồng khoảng 200-240 ngày là có thu hoạch.
Ở
Hà Nội, từ mùa thu, trên hè phố ở các ngã tư, thường thấy một số gánh
hàng rong bán củ mã thầy đã gọt vỏ, trong những túi nilon nho nhỏ. Một
số điểm du lịch ở Hải Dương, Hải Phòng, chùa Hương, ... cũng có bán củ
mã thầy với số lượng nhiều, nhưng không phải ai cũng biết giá trị và mua
thứ củ này. Củ mã thầy mềm, giòn, nhiều nước, ngọt mát, có vị rất dễ
chịu. Dân gian thường dùng để ăn chơi, hoặc để tráng miệng sau bữa ăn.
Ngoài
công dụng làm thức ăn bổ mát, dùng để nấu canh, nấu chè, làm mứt, ...
mã thầy còn được dùng làm thuốc chữa bệnh. Tác dụng làm thuốc của mã
thầy được ghi chép sớm nhất trong sách "Nhật dụng bản thảo" với tên "bột tề", còn gọi là "thủy vu", "ô vu", "thủy mã đề", "hồng từ cô", "địa lật", "mã thự", ...
Theo Đông y:
- Củ mã thầy có vị ngọt, tính lạnh; vào 2 kinh Phế và Vị. Có tác dụng
thanh nhiệt, hóa đàm (tan đờm), tiêu tích trệ. Dùng chữa sốt cao khát
nước, tiêu khát (tiểu đường), viêm gan vàng da, lỵ ra máu, đại tiện táo
bón, mắt sưng đỏ, ...
- Liều dùng: Uống trong, ngày dùng
40-120g, sắc uống; giã nát, ngâm rượu, hay thiêu tồn tính nghiền mịn
uống. Dùng ngoài, dùng củ tươi xát, giã đắp; hay đốt cháy đen, nghiền
mịn, rắc lên vết thương.
- Kiêng kỵ: Người tạng hàn cần thận trọng trong khi sử dụng.
Trở
lại tác dụng chữa ung thư. Theo chúng tôi biết, tác dụng hỗ trợ điều
trị ung thư của mã thầy, mới được đề cập trong một số tài liệu về ẩm
thực liệu pháp trong vài năm gần đây và trên một số website về sức khỏe,
tiếng Trung.
Xin giới thiệu 3 cách sử dụng tương đối đơn giản để bạn tham khảo:
(1) Chữa ung thư thực quản: Mã thầy tươi 10 củ, để cả vỏ, nấu chín ăn.
(2) Chữa đại tiện táo bón sau xạ trị:
Mã thầy tươi 20 củ, chần qua nước sôi, ép lấy nước; thêm nửa cốc nước
mía ép vào hòa đều; ngày uống 1-2 lần. Dùng trong trường hợp sau khi
điều trị bằng tia phóng xạ, tân dịch bị hao tổn, dẫn tới đại tiện táo
bón.
(3) Sau phẫu thuật tỳ vị hư nhược:
Mã thầy 60g, nấm hương 30g, đậu phụ 400g, hành hoa 9g, mắm muối gia vị
lượng thích hợp; đậu phụ thái miếng, hành thái nhỏ, mã thầy gọt vỏ, thái
lát nhỏ; các thứ đem nấu thành món canh, ăn trong bữa cơm hàng ngày.
Dùng trong trường hợp sau khi điều trị ung thư bằng phẫu thuật, chức
năng tiêu hóa bị hư tổn (tỳ vị hư nhược).
Những kinh nghiệm trên chỉ có tính tham khảo. Khi áp dụng cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra còn có thể sử dụng mã thầy để phòng trị nhiều chứng bệnh khác:
(1) Dự phòng viêm não:
Mã thầy 250g (rửa sạch, gọt bỏ vỏ), thạch cao sống 30g; sắc với nước,
sau khi nước sôi tiếp tục đun nhỏ lửa khoảng 30 phút; ăn củ mã thầy và
uống nước thuốc; mỗi ngày dùng 1 thang; tuần dùng 2-3 lần trong những
đợt có dịch viêm não.
(2) Dự phòng bệnh sởi:
Mã thầy 10 củ (thái lát), lá tre tươi 10g; sắc với nước uống. Trong
thời gian có dịch sởi, mỗi ngày sắc 1 thang, chia 2-3 lần uống, liên tục
trong vài ngày.
(3) Chữa ho gà (thể phế nhiệt):
Mã thầy 500g (rửa sạch, gọt bỏ vỏ, giã nát), trộn với 500g mật ong,
thêm chút nước vào đun sôi, chờ nguội, cất vào tủ lạnh dùng dần; ngày
dùng 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh hòa với nước sôi để nguội. Hoặc dùng mã
thầy tươi (rửa sạch, gọt vỏ), mỗi buổi sáng và buổi tối ăn 30-50g, liên
tục trong 5 ngày.
(4) Chữa cao huyết áp: Mã thầy 10-15 củ, rong biển 25g, râu ngô 25g; sắc nước uống trong ngày.
(5) Chữa trĩ nội, đại tiện xuất huyết:
Có thể áp dụng một trong số các phương thuốc sau:
(5.1) Mã thầy tươi giã nát, vắt lấy khoảng 25ml nước cốt, hòa thêm nửa chén rượu trắng, hâm nóng lên uống lúc đói bụng.
(5.2) Mã thầy tươi 500g (rửa sạch), đường đỏ 150g; thêm một lượng nước
thích hợp, đun sôi nhỏ lửa trong 1 giờ; uống hết 1 lần hoặc chia ra uống
dần trong ngày; liên tục 3 ngày.
(6) Chữa bí đại tiện: Mã thầy 10-15 củ (gọt vỏ, thái lát), rau muống 200-250g; sắc với nước, chia 2 phần uống trong ngày.
(7) Chữa nứt đầu vú (nứt cổ gà):
Chân núm vú bị nứt, tấy đỏ, có khi mưng mủ, đau nhức; nếu đang cho con
bú, sữa xuống ứ đọng ở bầu vú càng thêm đau nhức. Dân gian gọi hiện
tượng này là "nứt cổ gà". Có thể dùng vài củ mã thầy đem giã nát vắt lấy
nước cốt bôi vào, nếu trộn thêm chút băng phiến (loại bán ở hiệu thuốc
Đông dược, không phải loại dùng để bảo quản quần áo) thì tác dụng giảm
đau càng mạnh.
(8) Chữa phụ nữ bị sót nhau: Dùng củ hoặc lá mã thầy giã nát, vắt lấy một chén con nước cốt, hòa thêm nửa chén rượu trắng loại tốt, hâm nóng lên uống.
(9) Chữa zona (giời leo): Mã thầy tươi 5 củ, rửa sạch, giã nhuyễn, trộn đều với lòng trắng một quả trứng gà; bôi vào chỗ bị bệnh.
(10) Chữa mụn cóc:
Gọt vỏ củ mã thầy, dùng phần thịt củ xát liên tục vào mụn cóc, xát đến
khi máu rỉ ra một chút thì ngừng; mỗi ngày sát 3-4 lần, liên tục 7-10
ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.