Hỏi:
Trên "Thuốc vườn nhà" ngày 22/12/2011, có nói tới cách chữa chứng sốt nhẹ (37,5-38 độ C) về buổi chiều và buổi tối (Thuốc Nam chữa sốt nhẹ chiều tối). Tôi cũng thường hay hâm hấp sốt, nhưng cơn sốt lại hay xuất hiện vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối hầu như bình thường. Ngoài ra còn cảm thấy mệt mỏi, bụng đầy, kém ăn và hay rất dễ bị cảm. Tôi đã đi bệnh viện khám và làm các xét nghiệm, nhưng không phát hiện bệnh, bác sĩ chỉ ghi vào bệnh án là "sốt không rõ nguyên nhân". Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, bệnh của tôi có thể chữa bằng thuốc Đông y hay không?
Trần Đình Tuân, Đình Lập, Lạng Sơn
Đáp:
Chữa trị "sốt không rõ nguyên nhân" là sở trường đặc biệt của Đông y học. "Sốt không rõ nguyên nhân" thuộc phạm trù "Nội thương phát nhiệt" của Đông y.
Đông y chia chứng sốt (phát nhiệt) thành 2 loại lớn: "Sốt ngoại cảm" và "Sốt nội thương". Sốt ngoại cảm và sốt nội thương có những biểu hiện không giống nhau.
- Sốt ngoại cảm (do tác nhân bên ngoài) có đặc điểm: Bệnh phát sinh tương đối nhanh, bệnh trình tương đối ngắn, phát sốt ở nhiệt độ tương đối cao, lúc bệnh mới phát nói chung thấy sợ lạnh, mặc thêm quần áo hoặc đắp chăn thì thấy đỡ lạnh, thường kèm theo đau đầu, đau mình mẩy, mũi tắc, chảy nước mũi, ho, ...
- Sốt nội thương (sốt do nguyên nhân bên trong): Bệnh phát sinh tương đối chậm, bệnh trình tương đối dài; nói chung chỉ sốt nhẹ hoặc có cảm giác như bị sốt, ít khi sốt cao; không sợ lạnh hoặc có cảm giác lạnh nhưng mặc thêm quần áo hoặc đắp chăn thì lại thấy nóng. Thường kèm theo váng đầu, tinh thần mệt mỏi, nhiều mồ hôi hoặc mồ hôi trộm, mạch đập yếu, ... Theo Đông y, nguyên nhân sốt nội thương là do âm dương mất cân bằng, khí huyết không điều hòa, hoặc chức năng của tạng phủ bị rối loạn gây nên.
Như đã trình bày trong bài viết "Thuốc Nam chữa sốt nhẹ chiều tối", Đông y căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, chia "sốt nội thương" ra một số loại hình như: "Âm hư phát nhiệt" (sốt do phần âm bị hư tổn), "dương hư phát nhiệt" (sốt do phần dương bị hư tổn), "khí hư phát nhiệt" (sốt do chức năng của khí bị suy yếu, "huyết hư phát nhiệt" (sốt do âm huyết suy yếu), "huyết ứ phát nhiệt" (sốt do ứ huyết), ...
Sốt về buổi sáng là một dấu hiệu thường gặp trong loại hình "dương hư phát nhiệt". Trong bài viết "Thuốc Nam chữa sốt nhẹ chiều tối" chúng ta đã nói về cách chữa trị loại hình "huyết ứ phát nhiệt" (trường hợp bạn đọc ở Thái Bình).
Nay xin nói về loại hình "dương hư phát nhiệt", để bạn tham khảo: "Dương hư phát nhiệt" là một chứng trạng đặc thù, xuất hiện khi phần "dương" trong cơ thể bị suy yếu. "Dương hư" ở đây chủ yếu chỉ "dương" trong 2 tạng Tỳ và Thận bị suy yếu, không vận hóa được tinh chất để dinh dưỡng cơ thể làm ấm tạng phủ vì vậy nhiệt năng không đủ, "vệ khí" không bền (khả năng thích ứng với môi trường bên ngoài và sức kháng bệnh yếu), ảnh hưởng đến sự tuần hoàn của huyết dịch, dẫn tới những hiện tượng như chân tay lạnh, sợ lạnh, sắc mặt trắng nhợt, dễ bị cảm mạo, ăn uống giảm sút, bụng trướng đầy, đại tiện nhão, ... Đặc biệt, khi "tỳ dương" hư nhược, thường có hiện tượng "dương khí" vượt ra ngoài gây nên sốt hâm hấp nóng và phát sốt phần nhiều về buổi sáng.
Bạn có thể căn cứ vào chứng trạng cụ thể của bản thân, mà chọn dùng một trong số các bài thuốc sau để chữa trị:
Bài thuốc 1:
Hoàng kỳ 24g, nhân sâm 15g, bạch truật 10g, trần bì 9g, đương quy 10g, thăng ma 6g, sài hồ 6g, cam thảo 6g; nước 1000ml, sắc lấy 400ml; sắc 2 lần, hợp 2 nước, chia ra 4 lần uống trong ngày (sáng, trưa, chiều, tối).
Đây là bài thuốc tiêu biểu chữa chứng sốt nội thương do phần "dương" ở tạng tỳ bị suy yếu; với những biểu hiện: Hâm hấp sốt hoặc sốt cao, phát sốt phần nhiều về buổi sáng. Mỗi khi mệt nhọc thì phát sốt hoặc sốt nặng thêm. Mắt hoa, đầu choáng váng, hơi thở yếu, ngại nói, mồ hôi vã ra nhiều, dễ bị cảm mạo, ăn kém, đại tiện không thành khuôn. Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch tế nhược (nhỏ yếu).
Gia giảm: Nếu mồ hôi vã ra nhiều, thêm mẫu lệ 20g, hoặc gốc lúa nếp (liền cả rễ) 20g, cùng sắc uống. Có cảm giác lúc nóng lúc lạnh, mồ hôi tự tiết ra và sợ gió, thêm quế chi 8g, bạch thược 12g. Bụng trướng đầy nhiều, thêm thương truật 12g, hoắc hương 12g.
Bài thuốc 2:
Thục địa 24g, sơn thù du 12g, sơn dược 12g, trạch tả 9g, đan bì 9g, phục linh 9g, nhục quế 6g, phụ tử 3g. Sắc và uống giống như Bài thuốc 1. Riêng phụ tử cần sắc trước 1 giờ sau đó mới cho các vị thuốc khác vào.
Đây là bài thuốc tiêu biểu chữa chứng sốt nội thương do phần "dương" ở tạng thận suy yếu; với những triệu chứng: Hâm hấp sốt, sốt phần nhiều về buổi sáng. Chịu lạnh kém, chân tay không ấm, mặt trắng nhợt, lưng đau, gối mỏi, đầu hay choáng váng, thích ngủ, kém ăn, đại tiện lỏng. Chất lưỡi bệu hoặc có vết răng, rêu lưỡi trắng nhuận. Mạch trầm tế (nhỏ yếu).
Gia giảm: Nếu thở hụt hơi, thêm nhân sâm 8g. Nếu thường đau bụng, ỉa chảy, thêm bạch truật (sao vàng) 12g, can khương 8g.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.