Hỏi:
Tôi nghe một số người nói dùng cây cỏ bợ có thể chữa được chứng đi tiểu khó khăn. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng không? Nếu đúng xin nói rõ cây cỏ bợ thường mọc ở đâu, có hình dạng như thế nào?
Lê Văm Tám, Trực Ninh, Nam Định
Đáp:
Cỏ bợ mọc hoang ở khắp nơi, thường thấy ở bờ ao, bờ ruộng, đầm lầy, những nơi ẩm thấp, ... cỏ bợ còn có tên là "thập tự thảo", "tứ diệp thảo", "điền tự thảo", "phá đồng tiền", "dạ hợp thảo", ... tên khoa học là Marsilea quadrifolia L.
Cỏ bợ là cây thân mảnh, bò lan dưới đất, chia thành nhiều mấu. Mỗi mấu mọc ra một chùm rễ và 2 lá có cuống dài 5-15cm. Mỗi lá gồm 4 lá chét, xếp chéo hình chữ thập; tối đến các lá chét rủ xuống (nên có tên là "dạ hợp thảo" - nghĩa là tối đến lá khép lại). Bào tử quả rất bé, nằm ở gốc cuống lá, chia làm nhiều ô ngang, bên trong chứa bào tử nang lớn.
Cỏ bợ là vị thuốc dân gian, thường sử dụng để chữa trị một số chứng bệnh đường tiết niệu như đái rắt, đái buối, sỏi thận, sỏi bàng quang, ... có nơi còn dùng cỏ bợ làm rau sống.
Một số cách sử dụng cụ thể:
(1) Chữa tiểu tiện không thông: Dùng cỏ bợ tươi 20-30g (hoặc cỏ khô 10-15g) sắc nước uống thay nước trong ngày.
(2) Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang: Dùng cỏ bợ tươi, giã nát, vắt lấy nước cốt, lọc lấy nước trong, mỗi sáng sớm uống 1 bát, liên tục 5 ngày (một liệu trình).
(3) Chữa tiêu khát (đái tháo đường): Dùng cỏ bợ, thiên hoa phấn - mỗi vị 10-15g, sắc nước uống thay nước trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.