Hỏi:
Tôi là một bạn đọc thường xuyên của thuocvuonnha.com. Năm nay tôi 25 tuổi, hiện công tác trong quân đội. Tôi bị viêm loét dạ dày đã 3 năm, đã dùng nhiều loại thuốc nhưng chỉ cải thiện rất ít. Gần đây, có người nói dùng vỏ rễ cây dâu tằm có thể chữa khỏi được bệnh này. Mong chuyên mục "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng không?
Nguyễn Hồng Minh, Võ Nhai, Thái Nguyên & Một số bạn đọc khác
Đáp:
Câu hỏi của bạn tuy chỉ đề cập đến một vị thuốc cụ thể trong vườn nhà, nhưng rất tiêu biểu vì liên quan đến một số vấn đề mà nhiều bạn đọc khác quan tâm, nên chúng tôi sẽ dành phần lớn bài viết để lý giải.
Vỏ rễ cây dâu tằm tuy không phải là một bài thuốc chuyên dùng chữa viêm loét dạ dày mạn tính, nhưng theo chúng tôi nghĩ: Có khả năng chữa khỏi được bệnh viêm loét dạ dày cho một số đối tượng nhất định. Vậy thì, vỏ rễ dâu tằm có thể áp dụng trong trường hợp nào và cho những ai?
Trước khi đưa ra câu trả lời cụ thể, cần nói qua về sự khác biệt trong cách tiếp cận của Đông y và Tây y đối với bệnh viêm loét dạ dày mạn tính.
Hiện tại, Tây y coi vi khuẩn Helicobacter pylori là nhân tố chủ yếu gây viêm loét dạ dày. Helicobacter pylori là một loại vi khuẩn hình que, dạng xoán, gram âm, do hai nhà khoa học Úc (ông Robin Warren và Barry Marshall) phát hiện năm 1983, tới năm 1995 đã được giới y học công nhận và năm 2005 hai ông đã được nhận giải Nô-ben về y học. Do coi nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày là vi khuẩn, nên biện pháp chủ yếu để chữa trị là dùng thuốc kháng sinh diệt khuẩn. Việc sử dụng thuốc diệt khuẩn để chữa viêm loét dạ dày có rất nhiều ưu điểm như vết loét lành nhanh hơn và ít tái phát hơn, nhờ thế tránh được những diễn tiến nguy hiểm, như ung thư dạ dày, ... Tuy nhiên hiện tại chưa thể khẳng định, với việc phát hiện vi khuẩn Helicobacter pylori, bệnh viêm loét dạ dày đã vĩnh viễn đi vào dĩ vãng.
Vì sao dùng biện pháp diệt khuẩn không thể trị tận gốc viêm loét dạ dày? Vấn đề là, tuy y học hiện đại phát hiện Helicobacter pylori là nhân chủ yếu gây nên viêm loét dạ dày, tuy cũng biết rõ là Helicobacter pylori là loại vi khuẩn không lây lan qua tiếp xúc thông thường, mà qua nước bọt bắn ra khi nói chuyện, qua phân, qua các dịch tiết của đường tiêu hóa, ... nhưng y học vẫn chưa biết rõ được cơ chế sinh bệnh. Chưa thể lý giải vì sao Helicobacter pylori lại có thể tồn tại trong dạ dày, trong khi dạ dày là môi trường acid - có khả năng tiêu diệt các vi sinh vật; càng chưa thể làm rõ mối liên quan giữa sự xuất hiện Helicobacter pylori trong dạ dày - gây viêm loét, với trạng thái cân bằng toàn thân. Như vậy, việc phát hiện ra Helicobacter pylori tuy là bước tiến rất rất quan trọng, nhưng chưa thể nói rằng: Y học đã tìm ra căn nguyên gốc rễ gây nên bệnh viêm loét dạ dày.
Đối với bệnh viêm loét dạ dày cũng như tất cả các bệnh khác, Đông y tiếp cận theo "phương pháp chỉnh thể": Coi cơ thể con người là một thể thống nhất - được duy trì trong trạng thái cân bằng động.
Đông y cho rằng: Mọi thứ tật bệnh đều do trạng thái cân bằng của chỉnh thể bị phá hoại gây nên. Mới nghe tưởng như rất mơ hồ, nhưng lại có giá trị chỉ đạo trên lâm sàng rất cao.
Hãy lấy một ví dụ đơn giản: Nước trong hồ bỗng nhiên bị biến thành màu đen, bốc mùi thum thủm; xét nghiệm nước phát hiện thấy có nhiều vi khuẩn trong nước. Nếu như cho rằng vi khuẩn là nguyên nhân gốc, làm cho nước trong hồ bị biến đen, bốc mùi, và cho rằng có thể dùng thuốc sát khuẩn để cải tạo chất lượng nước trong hồ, thì rõ ràng là không thể được. Bởi vì như vậy đã bỏ qua nhân tố cơ bản: nước trong hồ bị ứ đọng, không được lưu thông, tạo ra điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Nói cách khác, môi trường sinh thái đã bị hủy hoại, mất cân bằng, nước trong hồ bị ứ đọng mới tạo ra điều kiện để vi khuẩn có thể phát sinh khiến nước hồ bị đen và thối. Nếu như không cải tạo toàn bộ sinh thái (như dẫn nước mới vào, thải nước cũ đi, ...), chỉ dùng thuốc sát khuẩn thì không thể cải tạo được chất lượng nước trong hồ.
Nhận thức về bệnh tật cũng tương tự: Đông y học cho rằng, phải coi cơ thể con người như là một "chỉnh thể thống nhất - cân bằng" mới có thể có cách nhìn chính xác về bệnh tật.
Đối với bệnh viêm loét dạ dày, Đông y cho rằng: Môi trường sinh thái trong dạ dày bị phá hoại mới là nguyên nhân gốc rễ, khiến vi khuẩn sinh sối nảy nở và gây viêm loét, đau nhức. Do đó, để chữa trị tận gốc viêm loét dạ dày, cần làm cho sinh thái trong dạ dày được khôi phục lại.
Theo Đông y, "sinh thái dạ dày" đại thể được quyết định bởi 3 nhân tố chính:
- Thứ nhất là hoạt động co bóp của dạ dày: Dạ dày co bóp (nhu động) bình thường, thức ăn mới có thể được nghiền nát và kịp thời đưa xuống ruột non. Một khi hoạt động co bóp bị trục trặc - ứng với trạng thái bệnh lý mà Đông y gọi là "khí hư" (chức năng suy yếu), thức ăn sẽ ứ đọng trong dạ dày quá lâu, thối rữa, tạo điều kiện phát sinh vi khuẩn.
- Thứ hai là quá trình cung cấp máu: Đưa các chất dinh dưỡng tới dạ dày và vận chuyển các chất phế thải trong quá trình chuyển hóa từ dạ dày ra ngoài. Một khi quá trình cung cấp máu bị trục trặc - ứng với chứng bệnh "huyết ứ" trong Đông y, sinh thái trong dạ dày sẽ mất ổn định, các chất phế thải bị ứ đọng, tạo điều kiện vi khuẩn phát sinh.
- Thứ ba là tình trạng tích lũy tạp chất trong dạ dày: Một khi sinh thái dạ dày bị lâm vào tình trạng mà Đông y gọi là "đàm thấp khốn vị" (các sản vật bệnh lý cản trở chức năng của dạ dày), môi trường trong dạ dày cũng sẽ bị ô nhiễm, tạo điều kiện vi khuẩn phát sinh.
Với nhận thức như vậy, Đông y cho rằng cần sử dụng các vị thuốc, bài thuốc, hoặc châm cứu, xoa bóp, ... để khắc phục các tình trạng bệnh lý như "khí hư", "huyết ứ" hoặc "đàm thấp khốn vị" (như đã nói ở trên) mới có thể chữa trị được tận gốc bệnh đau dạ dày.
Trở lại vị thuốc "vỏ rễ dâu tằm" (tang bạch bì):
- Trong Đông y, tang bạch bì thường được dùng với mục đích "hành thuỷ" - nghĩa là điều hòa chức năng chuyển hóa nước, tiêu trừ ung thũng do "đàm thấp" (sản vật bệnh lý tích đọng trong cơ thể).
- Đối với bệnh viêm loét dạ dày, theo chúng tôi nghĩ, vỏ rễ dâu tằm có thể có phát huy tác dụng tốt đối với trường hợp sinh thái dạ dày bị phá hoại do nguyên nhân "đàm thấp khốn vị". Với những biểu hiện như dạ dày đau tức, bụng trướng đầy, kém ăn, lợm giọng buồn nôn, đại tiện phân nhão, rêu lưỡi trắng dày nhớt, ...
Đông y và Tây y đều có sở trường và sở đoản. Đối với trường hợp của bạn, theo chúng tôi nghĩ, bạn nên đi khám và làm các xét nghiệm liên quan, nếu trong dạ dày có vi khuẩn Helicobacter pylori thì nên dùng các thuốc diệt khuẩn của y học hiện đại, sau đó dùng thuốc Đông y để củng cố hiệu lực và phòng bệnh tái phát.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.