Hỏi:
Năm ngoái tôi chẳng may bị ngã gẫy tay. Tôi đã đi bó bột và hiện tại tay đã có thể hoạt động gần như bình thường. Có điều từ mấy tháng nay tôi thấy người rất mệt, da sạm dần và cứ tới buổi chiều hoặc buổi tối lại bị sốt nhẹ (37,5-38 độ C). Ngoài ra còn có một số biểu hiện rất lạ như miệng và họng rất háo nhưng không thích uống nước, có những lúc một số vị trí ở mạng sườn hoặc ở chân tay tự nhiên bị đau như dùi đâm hoặc thấy da ở một số vị trí nóng hơn ở những chỗ khác. Tôi đã được bác sĩ cho điều trị mấy đợt kháng sinh nhưng không những không hết sốt mà còn mệt hơn. Vì vậy rất mong "Thuốc vườn nhà" tư vấn cho biết, bệnh của tôi có thể sử dụng thuốc Đông y để chữa hay không?
Nguyễn Ninh, Thái Bình
Đáp:
Nhiều khả năng bạn đã mắc phải chứng bệnh mà Đông y gọi là "nội thương phát nhiệt" (sốt do nội thương).
"Sốt nội thương" và "sốt ngoại cảm" có những biểu hiện không giống nhau. "Sốt ngoại cảm" có đặc điểm: Bệnh phát tác nhanh, đột ngột, bệnh trình tương đối ngắn, sốt ở nhiệt độ tương đối cao, lúc bệnh mới phát nói chung thấy sợ lạnh, mặc thêm quần áo hoặc đắp chăn thì thấy đỡ lạnh, thường kèm theo đau đầu, đau mình mẩy, mũi tắc, chảy nước mũi, ho, ... Còn "sốt nội thương" thì bệnh phát tương đối chậm, bệnh trình tương đối dài; nói chung chỉ sốt nhẹ hoặc có cảm giác như bị sốt, ít khi sốt cao; không sợ lạnh hoặc có cảm giác lạnh nhưng mặc thêm quần áo hoặc đắp chăn thì lại thấy nóng. Thường kèm theo váng đầu, tinh thần mệt mỏi, nhiều mồ hôi hoặc mồ hôi trộm, mạch đập yếu, ...
Theo Đông y: Nguyên nhân gây nên "sốt nội thương" là do âm dương khí huyết bị suy yếu hoặc chức năng tạng phủ bị rối loạn. Trên lâm sàng, Đông y căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh chia "sốt nội thương" ra các loại hình như "âm hư phát nhiệt" (sốt do phần âm bị hư tổn), "dương hư phát nhiệt" (sốt do phần dương bị hư tổn), "khí hư phát nhiệt" (sốt do khí hư), "huyết hư phát nhiệt" (sốt do huyết hư), "huyết ứ phát nhiệt" (sốt do ứ huyết), ...
Theo những biểu hiện mô tả trong mail, bạn đã bị "sốt nội thương" thuộc loại hình "huyết ứ phát nhiệt", nghĩa là phát sốt do "huyết ứ". "Huyết ứ" là một trạng thái bệnh lý do sự vận hành của huyết dịch bị trì trệ hoặc huyết dịch ứ đọng trong cơ thể gây nên với những biểu hiện như: phát sốt về chiều hoặc về đêm, sưng, đau hoặc nóng ở một số vị trí cố định, miệng khô nhưng ngậm nước mà không muốn nuốt, chất lưỡi tím tái hoặc có điểm ứ huyết, mạch sáp (rít), ...
Để chữa trị bạn có thể sử dụng một số Bài thuốc hoặc Món ăn - Bài thuốc có tác dụng "hoạt huyết hóa ứ" dưới đây:
(1) Bài thuốc tiêu biểu (Huyết phủ trục ứ thang): Ngưu tất 12g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, đương quy 12g, xuyên khung 10g, xích thược 10g, sinh địa 12g, chỉ xác 10g, sài hồ 10g, cát cánh 6g, cam thảo 3g. Sắc với nước, chia 3 lần uống trong ngày, uống khi thuốc đang ấm, nếu nguội cần hâm lại. Dùng liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày lại tiếp tục liệu trình khác tới khi khỏi bệnh.
(2) Món ăn - Bài thuốc (Cá mực hầm đào nhân): Dùng cá mực 100g, đào nhân 10g, đan bì 15g, thịt gà 50g, thịt lợn nạc 50g, gia vị lượng thích hợp. Đào nhân và đan bì bọc vào túi vải; cho vào nồi hầm cùng với cá mực, thịt gà, thịt lợn cho tới khi chín nhừ; vớt túi thuốc ra, thêm gia vị (mì chính, muối, hồ tiêu, ...) vào trộn đều, chia ra ăn trong ngày.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.