Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

"Lá nương" có tác dụng tốt cho dây thần kinh?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/01/2012 12:36 SA

Hỏi:

Cháu có một đứa em trai bị tai nạn, hiện đang điều trị ở Bệnh viện Việt Đức… Cánh tay của nó, các bác sĩ nói rằng chỉ hoạt động được 20% thôi. Xương trụ, xương quay và dây thần kinh ở tay bị tổn thương lớn. Do đây là lần thứ 3 nó bị gãy, thời gian giữa các lần lại gần nhau, lại chính cái tay đó. Cùng phòng với em cháu, có một cô người ngoài Bắc, có mách với cháu rằng ở Lào Cai có bán một loại lá tên là lá nương, dùng để tắm hoặc ngâm, có tác dụng tốt cho dây thần kinh. Cháu xin hỏi, có đúng không ạ?

Du Nguyên <...@gmail.com>

Đáp:

lá nương

Trường hợp của em bạn, để chữa trị, cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp "nội trị" và "ngoại trị": Uống thuốc và bôi, đắp, ngâm tẩm bên ngoài... Bệnh phức tạp nên cần tìm đến thầy thuốc chuyên khoa, để tiến hành điều trị theo đúng bài bản. Tắm lá nương chỉ là một biện pháp có tính phụ trợ.

Xin cung cấp một số thông tin về "Lá nương" để bạn tham khảo:

Trước hết, "Lá nương" không phải là một loại lá cụ thể, mà là đại danh từ chỉ các loại lá hoặc bộ phận dùng làm thuốc khác như củ, rễ, thân, cành, ... của một số loài dược liệu được thu hái ở trên nương, trên núi, ... "Lá nương" thường bao gồm một số vị thuốc thuộc các nhóm thuốc giải biểu, hoạt huyết, chỉ thống, ... của Đông y.

Vị thuốc dùng trong "Lá nương" thường được ghi bằng tiếng dân tộc, nên có người tưởng đó là những vị thuốc đặc hữu ở miền núi. Trên thực tế, đó là những vị thuốc Nam thông dụng ở cả  trung du và đồng bằng. Ví dụ, vị thuốc "Khau năng cấp" ở miền xuôi gọi là "Dây đau xương"; "Nhá lịn ngù" là "Cỏ xước"; "Mác páu" là "Thổ phục linh"; "Vặt vẹo" là "Thiên niên kiện"; "Hom héo" là "Hương nhu"; "Kinh kèng" là "Gừng gió", ...

"Tắm lá nương" là phương pháp "ngoại trị" (chữa từ bên ngoài) đã có từ lâu đời. Đông y gọi đó là "Dược dục liệu pháp" (dược = thuốc, dục = tắm, ngâm).

Theo Đông y, tác động của "Dược dục" bao gồm 2 phương diện chính:

    1. Tác dụng trực tiếp lên da: Thường áp dụng chữa trị những bệnh ngoài da, bệnh ở hậu môn, cơ quan sinh dục ngoài, tổn thương phần mềm, ... Các dược chất diệt nấm, sát khuẩn, tiêu viêm, tiêu thũng, giảm đau, chống ngứa, ... hòa tan trong hơi nước, có thể tác động trực tiếp lên ổ bệnh, nên hiệu quả điều trị rất rõ ràng, nhanh chóng và không có những tác dụng phụ.

    2. Ngấm vào trong cơ thể: Thường được áp dụng để chữa trị các bệnh nội khoa và bệnh toàn thân. Cơ thể con người là một chỉnh thể thống nhất, nên tác dụng bên trong và bên ngoài có liên quan chặt chẽ với nhau. Chất thuốc tác động lên da, các huyệt vị, ... rồi theo các đường Kinh lạc đi vào Tạng phủ và phát huy tác dụng bên trong.

Theo quan điểm y học hiện đại:

    - Hoạt chất hòa tan trong nước và hơi nước có thể ngấm vào trong cơ thể theo một số con đường như: Qua niêm mạc mũi và miệng, các tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn và nang lông trên da.

    - Một số loại hoạt chất có tính thẩm thấu mạnh còn có thể thấm qua lớp sừng ở biểu bì nhờ tác dụng thủy hợp của lớp sừng, đi vào trung bì, hạ bì và gian chất của một số tổ chức bên trong, ... theo đường tuần hoàn máu và phân bố khắp cơ thể.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]