Hỏi:
Tôi năm nay 50 tuổi, làm công việc bàn giấy. Tôi bị thần kinh suy nhược đã nhiều năm nay, rất mong "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho một số loại thảo dược có thể sử dụng để chữa bệnh thần kinh suy nhược, vì tôi đã dùng nhiều tân dược mà bệnh chỉ cải thiện rất ít.
Trịnh Đình Bảng, TP. Huế
Đáp:
Bệnh thần kinh suy nhược thuộc phạm vi các chứng "thất nhãn", "hư lao" và "uất chứng" trong Đông y. Để chữa trị, trên lâm sàng Đông y thường chia thành 3 thể: "Can hỏa thượng viêm", "Tâm huyết bất túc" và "Âm hư hỏa vượng".
Thể "Can hỏa thượng viêm" thường có những biểu hiện như người bồn chồn, nôn nóng, dễ nổi giận, đầu choáng váng, mắt hoa, tai ù, tiểu tiện vàng sẻn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít.
Thể "Tâm huyết bất túc" thường khó ngủ hoặc đêm ngủ dễ tỉnh giấc, ngủ mê nhiều, trong lòng thường lo lắng, bất an, ăn uống kém, bụng trướng đầy, người mệt mỏi, trí nhớ giảm, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế (chìm nhỏ).
Thể "Âm hư hỏa vượng" thường có biểu hiện như đêm nằm hay giật mình tỉnh giấc, chiều tối có cảm giác như bị sốt nhẹ, ra mồ hôi trộm khi nằm ngủ, đuối sức, hay quên, tóc rụng nhiều, ...
Tốt nhất bác nên đi khám Đông y để được các thầy thuốc hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, bác có thể dùng thử một số "Món ăn - Bài thuốc" (Đông gọi là "Dược thiện") tương đối đơn giản và an toàn sau đây:
(1) Cháo táo nhân:
- Táo nhân 60g, gạo tẻ 400g.
- Cách chế: Táo nhân sao thật kỹ, cho vào nồi, thêm nước đun trong 15-20 phút sau đó vớt táo nhân ra, chỉ giữ lại nước cốt. Gạo đã vo sạch đem nấu cháo với nước sắc táo nhân cho đến khi chín. Chia ra 3 lần ăn trong ngày.
- Tác dụng: Dưỡng Can, bổ Tâm, an thần. Chữa thần kinh suy nhược thuộc các thể "Can hỏa thượng viêm" và "Tâm huyết bất túc".
(2) Mộc nhĩ hầm thịt nạc:
- Mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) 15g, thịt lợn nạc 500g, đại táo (táo tầu) 10 quả, đường phèn vừa đủ ngọt.
- Cách chế: Mộc nhĩ ngâm nước ấm đến khi nở to, loại bỏ tạp chất, dùng tay tách ra từng cánh; thịt lợn thái thành miếng nhỏ; đường phèn đập nhỏ. Cho tất cả vào nồi, thêm nước, đun to lửa đến khi sôi, sau đó đun nhỏ lửa đến khi mộc nhĩ chín là được. Chia 3 lần ăn trong ngày.
- Tác dụng: Bổ Tâm, tăng cường tiêu hoá, chống mệt mỏi, chóng mặt, tăng cường trí nhớ, dùng chữa thần kinh suy nhược thể "Tâm huyết bất túc".
(3) Cháo hạt sen long nhãn:
- Long nhãn 15g, hạt sen 15g, hồng táo (táo tàu) 5g, gạo nếp 50g; đường trắng vừa đủ.
- Cách chế: Hạt sen sau khi ngâm kỹ trong nước ấm cạo bỏ vỏ lụa và lấy tim ra; gạo sau khi vo sạch cho vào nồi, thêm hồng táo (đã bỏ hạt), hạt sen, long nhãn, đường và nước; nấu lửa to cho sôi. Sau khi sôi, đun lửa nhỏ cho đến khi cháo chín. Hàng ngày dùng cháo này làm món ăn sáng.
- Tác dụng: Ích tâm an thần, chữa mệt mỏi kém ăn, thiếu máu, tim hồi hộp, bồn chồn, hay quên, thần kinh suy nhược thể "Tâm huyết bất túc".
(4) Trà long nhãn táo nhân:
- Long nhãn 10g, táo nhân 10g (đã sao đen), khiếm thực 12g, đường trắng vừa đủ ngọt.
- Cách chế: Cho tất cả vào nồi, thêm 300ml nước lã; đun to lửa đến khi sôi, sau đun nhỏ lửa thêm 20 phút; bỏ bã, cho đường vào khuấy đều là được. Ăn 1 tiếng trước khi đi ngủ.
- Tác dụng: Chữa tinh thần mệt mỏi, di tinh, trống ngực, tim loạn nhịp, hay quên, thần kinh suy nhược thuộc thuộc các thể "Tâm huyết bất túc" và "Âm hư hỏa vượng".
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.