Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cây râm bụt có thể chữa được những chứng bệnh gì?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 13/06/2013 12:40 SA

Hỏi:

Tôi nghe nhiều người nói, cây râm bụt có thể dùng làm thuốc chữa nhiều thứ bệnh. Tuy nhiên, tác dụng và cách dùng cụ thể thì chưa biết thật rõ. Vì vậy mong được "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho biết.

Văn Chính, Bắc Ninh

Đáp:

cây râm bụt, râm bụt, dâm bụt, hồng bụt, phù tang, mộc cẩn, bông bụt, bông bụp, co ngần, bioóc ngàn, phầy quấy phiằng, Hibiscus rosa-sinensis L., họ Bông (Malvaceae)

Râm bụt

Cây râm bụt còn có tên là "dâm bụt", "hồng bụt", "phù tang", "mộc cẩn", "bông bụt" (miền Trung), "bông bụp" (miền Nam), "co ngần" (dân tộc Thái), "bioóc ngàn" (Tày), "phầy quấy phiằng" (Dao), ... tên khoa học là Hibiscus rosa-sinensis L., thuộc họ Bông (Malvaceae).

Cây được trồng khắp nơi tại Việt Nam, để làm cảnh và làm hàng rào. Còn mọc ở Trung Quốc, Malaixia, Philipin, Iđônêxya, ...

Râm bụt là một loại cây nhỡ, cao từ 1-2m. Lá đơn, mọc cách, có lá kèm, phiến lá khía răng cưa. Hoa to, mọc đơn độc, đều, lưỡng tính, màu đỏ. Tiểu đài 6-10. Đài gồm 5 lá đài, màu lục dính vào nhau. Tràng 5, rời nhau, phiến rộng, mỏng hẹp. Bộ nhị đơn thể gồm nhiều nhị dính liền nhau bởi chỉ nhị thành 1 ống dài mang những bao phấn chỉ có 1 ổ phấn; 5 lá noãn dính nhau thành 1 bầu thượng 5 ô, mỗi ô chứa 2 dây noãn theo kiểu đính noãn trưng trụ. Vòi dài nằm trong ống nhị, đầu nhụy có 5 núm. Quả là 1 nang.

Từ xưa, toàn bộ cây râm bụt (hoa, lá, vỏ và rễ) đều có thể dùng làm thuốc.

Theo Đông y: Râm bụt có tính mát, vị ngọt đắng; vào các kinh Đại tràng, Can và Tỳ. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, tiêu sưng, thu liễm, sát trùng, lợi thấp, chống ngứa. Dùng chữa bạch đới, mộng tinh, mất ngủ, khô khát, ngứa da, trĩ lở loét, viêm ruột, đại tiện ra máu, lỵ, thoát giang (lòi rom, trĩ ngoại), giã đắp mụn nhọt sưng tấy, ... Uống trong dùng liều 3-9g; dùng ngoài ngâm rượu bôi vào chỗ có bệnh.

Dân gian rất hay dùng lá và hoa tươi giã nhỏ với một ít muối đắp lên những mụn nhọt đang nung mủ, khô thuốc lại thay. Mụn nhọt sẽ đỡ nhức và chóng vỡ mủ. Vỏ rễ dâm bụt sắc với nước dùng uống để chữa xích và bạch lỵ, bạch đới khí và để rửa mụn nhọt. Tại Trung Quốc, người ta dùng vỏ rễ làm thuốc điều kinh, tẩy máu. Tại Malaixia, người ta dùng cây này pha nước uống như pha chè để thông tiểu tiện và chữa mẩn ngứa.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số cách sử dụng râm bụt cụ thể:

    (1) Chữa bồn chồn, hồi hộp, khó ngủ: Chỉ cần dùng một vị hoa râm bụt, hái về phơi trong bóng mát cho khô; hàng ngày dùng 3-5g, hãm nước sôi uống thay trà trong ngày.

    (2) Chữa lỵ lâu ngày không khỏi, đại tiện ra máu, mủ: Vỏ thân hoặc vỏ rễ cây râm bụt (bỏ vỏ ngoài, chỉ lấy lớp vỏ trắng) 50g tươi hoặc 20g khô, lá và búp táo chua (táo ta) 50g tươi hoặc 20g khô, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) 8g, gừng tươi 8g; vỏ râm bụt và lá táo sao vàng, hạ thổ, sau đó cùng trần bì và gừng sắc kỹ với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.

    (3) Chữa chứng đái buốt, đái đỏ: Lá râm bụt, thài lài tía, cỏ mã đề - mỗi vị 1 nắm; giã nhỏ, chế nước đun sôi để nguội vào, vắt lấy nước cốt, uống 2-3 lần trong ngày.

    (4) Tiêu độc, chữa mẩn ngứa: Lá và hoa râm bụt, hãm nưới sôi như pha trà uống trong ngày.

    (5) Chữa đơn độc, ung nhọt sưng đau:

        - Lá râm bụt, lá trầu không, lá thồm lồm - mỗi thứ 1 nắm; giã nát đắp lên chỗ mụn nhọt đang mưng mủ, sưng đau (kinh nghiệm dân gian).

        - Dùng lá và hoa râm bụt giã nát, trộn với mật ong đắp vào chỗ đau (Bản thảo cương mục).

        - Lá và hoa râm bụt, giã cùng với một ít vôi ăn trầu, đắp lên chỗ nhọt đang sưng tấy, nhọt sẽ chóng vỡ mủ.

    (6) Chữa quai bị sưng đau: Lá râm bụt 1 nắm to (khoảng 30-40g), hành củ 5-10 củ; giã nhỏ, chế nưới sôi để nguội vào gạn lấy nước cốt uống, bã đắp lên chỗ sưng rồi dùng băng cố định lại.

    (7) Chữa kinh nguyệt không đều, sớm kỳ, huyết ra nhiều: Vỏ cây râm bụt 20g, lá huyết dụ 20g; sắc nước uống.

    (8) Chữa phụ nữ khí hư (bạch đới) ra nhiều: Lá râm bụt, lá bấn (bạch đồng nữ) - mỗi thứ 1 nắm; sắc nước, uống thay trà trong ngày.

    (9) Chữa phụ nữ sau khi sinh đẻ máu xấu nghịch lên gây nhức đầu, chóng mặt: Hoa râm bụt khô 8g, gỗ vang (tô mộc) 10-12g, gừng tươi 5-7 lát; sắc nước uống trong ngày.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]