Hỏi:
Cháu là sinh viên Đại học bách khoa, nhưng rất thích đọc các sách về
thuốc Nam. Có điều, cháu thấy Đông y có những điều rất khó hiểu, có vẻ
vô lý. Ví dụ, nói về tính năng của sắn dây, sách thuốc viết: Sắn dây có
vị ngọt, cay, tính mát, ... Cháu rất thắc mắc, vì sao sắn dây lại có vị
"cay" được? Hay là sách viết hoặc in sai?
Vũ Mạnh Thắng, Hà Nội
Đáp:
Vấn đề bạn quan tâm, liên quan đến tính năng của thuốc, mà Đông y gọi là "Ngũ vị".
"Ngũ
vị" chỉ 5 loại vị khác; đó là "Tân" (cay), "Toan" (chua), "Cam" (ngọt),
"Khổ" (đắng) và "Hàm" (mặn). Trên thực tế, còn có vị "Đạm" (nhạt) và vị
"Sáp" (chát); nhưng "Đạm" (nhạt) có thể xếp vào cùng một loại với "Cam"
(ngọt), còn "Sáp" (chát) có thể xếp vào cùng một loại với "Toan"
(chua). Nên vị của thuốc, thường chỉ gọi là "Ngũ vị".
"Ngũ vị" của thuốc được xác định như thế nào?
"Ngũ
vị" trước hết được xác định bằng miệng - qua sự cảm nhận vị giác. Với
cách xác định này, có thể biết được mùi vị chân thực của vị thuốc. Trải
qua quá trình quan sát thực tế lâu dài, người xưa nhận thấy, thuốc có vị
khác nhau, thường tạo nên những phản ứng khác nhau đối với cơ thể và có
những tác dụng trị liệu khác nhau. Thí dụ, tía tô vị cay, có tác dụng
giải cảm; cam thảo vị ngọt, có tác dụng bổ dưỡng, giảm đau; chi tử (dành
dành) vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt, ...
Cùng với thời
gian, khái niệm về "vị" dần dần được mở rộng và khái quát hóa, trở thành
một thứ kí hiệu, biểu tượng, ... tượng trưng cho tính năng của một vị
thuốc. Thí dụ, vị "tân" (cay) được khái quát bởi những tính năng, như
"năng tán", "năng hành", ... "Năng tán" có nghĩa là có khả năng "tán tà"
- giả trừ "tà khí" (tác nhân gây bệnh từ bên ngoài); ví dụ như tía tô,
kinh giới, bạc hà, ... đều có vị cay, đều "năng tán" - có thể sử dụng để
làm thuốc giải cảm; "năng tán" còn có nghĩa là có thể "tán kết" - làm
tan các khối kết, u bướu, tràng nhạc; ví dụ như bán hạ, thiên nam tinh,
tạo giáp (bồ kết), ... Hay như vị "cam" (ngọt) được khái quát bằng các
tính năng như "năng bổ", "năng hoãn", "năng hòa"; vị "khổ” được khái
quát bằng các tính năng như "năng táo", "năng tiết", "năng kiên", ...
Như vậy, "vị" đã trở thành một khái niệm trừu tượng, mà Đông y sử dụng để khái quát tính tăng, tác dụng chữa bệnh của vị thuốc.
"Ngũ
vị" của thuốc, nói chung thường có thể xác định thông qua vị giác. Tuy
nhiên, trong một số trường hợp, không thể sử dụng vị chân thực (cảm nhận
vị giác) để giải thích tác dụng của thuốc. Khi đó, "vị" của thuốc sẽ
dược xác định theo tác dụng của thuốc, nghĩa là "ngũ vị trừu tượng". Ví
dụ, các vị thuốc "cát căn" (củ sắn dây) và "tạo giáp" (quả bồ kết), khi
dùng miệng nếm không thấy có vị cay, nhưng đều được xếp vào loại thuốc
có vị cay. Bởi vì cát căn có tác dụng "giải biểu tán tà" (giải ngoại
cảm), còn tạo giáp có tác dụng "tiêu ung tán kết" (tan ung nhọt).
Tóm lại, "ngũ vị" của vị thuốc Đông y có hai ý nghĩa:
Một là biểu thị mùi vị chân thực của vị thuốc (cảm nhận vị giác); hai
là biểu thị tác dụng chữa bệnh của vị thuốc. Do đó, "ngũ vị" của thuốc
cũng được xác định theo hai cách, đó là dựa và vị giác và tác dụng chữa
bệnh của thuốc.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.