Hỏi:
Con
gái tôi sau khi sinh cháu gần một năm thì hay có cảm giác vật gì đó mắc
bên trong cổ. Cháu đã đi bệnh viện, kiểm tra họng không phát hiện biến
đổi gì khác thường, nhưng bác sĩ cho uống rất nhiều loại tân dược mà
bệnh không giảm. Gần đây, tôi nghe một số người nói, đó là chứng bệnh
sản đuôi lươn, phải dùng thuốc Nam mới có thể chữa khỏi. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Và có thể dùng những thứ thuốc nào để chữa?
N.T.A, Hà Nội
Đáp:
Phật thủ
Một số ít người hay cảm thấy như có vật gì đó lờ lờ trong cổ họng, khạc
không ra mà nuốt cũng không xuống. Cảm giác này tựa hồ như có cái đuôi
con lươn vướng trong cổ họng, nên dân gian thường gọi chứng bệnh này là
"bệnh thập thò đuôi lươn". Loại bệnh này hay gặp nhất ở phụ nữ sau khi
sinh đẻ khoảng 5-7 tháng, nên ngày xưa các cụ còn đặt tên là "sản đuôi
lươn" ("sản" có nghĩa là bệnh sau khi sinh đẻ (sản hậu), còn "đuôi lươn"
chỉ cảm giác như đuôi lươn vướng trong cổ họng).
"Sản đuôi
lươn" trong Đông y có tên là "mai hạch khí". "Mai hạch" có nghĩa là "hạt
mơ", còn "khí" có nghĩa là vô hình: Họng không đỏ, không sưng, không có
gì khác thường; nhưng khi nuốt vào cảm thấy có vật gì đó giống như hạt
mơ, vướng mắc trong họng, khạc không ra mà nuốt cũng chẳng vào. Bệnh hay
gặp ở phụ nữ sau khi sinh đẻ, nên được Đông y xếp vào loại "Sản hậu tạp bệnh".
Theo Đông y:
"Mai hạch khí" chủ yếu do tình chí không thoải mái, khiến cho khí cơ bị
rối loạn, đàm hỏa hỗ kết, "nghịch" (bốc ngược) lên yết hầu mà gây thành
bệnh.
Trong Y học hiện đại: "Sản đuôi lươn" được coi là một bệnh lý "Loạn thần kinh cảm giác ở họng". "Mai hạch khí" thường được dịch ra tiếng Anh là "globus hystericus" và được xem như một chứng bệnh do nhân tố tâm lý gây nên.
Chứng
bệnh này tuy chẳng có tác hại gì lắm, nhưng lại gây vướng vất hết sức
khó chịu, nên từ xưa đã được các thầy thuốc Đông y chú ý và đã tìm ra
những phương pháp chữa trị hữu hiệu.
Để tự chữa chứng "sản
đuôi lươn", trước hết bạn có thể cho cháu uống thử một trong số các bài
thuốc kinh nghiệm (nghiệm phương); gọi là "nghiệm phương" vì một số
người đã sử dụng thấy có hiệu nghiệm. Nếu không có kết quả, thì chuyển
sang chữa trị theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị".
• Nghiệm phương:
(1) Bài thuốc kinh nghiệm 1: Dùng độc vị phật thủ (trái phật thủ hoặc trái thanh yên, thái nhỏ) 150g; sắc nước, uống dần từng hớp nhỏ.
(2) Bài thuốc kinh nghiệm 2:
Dùng tía tô 1 nắm (khoảng 15g), dọc khoai nước 15g, cả 2 thứ phơi khô,
rang vàng; gừng tươi 1 củ nhỏ bằng ngón tay cái (khoảng 10g); 3 thứ sắc
với 2 bát nước, đun cạn còn 1 bát, gạn lấy nước trong để gần nguội thì
uống; nên uống vào sau bữa ăn độ 1 giờ; mỗi ngày uống 1 lần, uống liên
tiếp 3-5 ngày. Một số người sau khi uống 3 ngày đã thấy trong họng không
còn cảm giác vướng mắc nữa.
• Chữa trị theo chứng trạng ("Biện chứng luận trị"):
Để chữa trị theo phương pháp "Biện chứng luận trị",
trên lâm sàng người ta căn cứ vào chứng trạng cụ thể biểu hiện ở bệnh
nhân mà chia ra những chứng hình (thể bệnh) khác nhau. Sau đó, tùy theo
chứng hình mà áp dụng phép chữa, bài thuốc thích hợp. Dưới đây là 2 loại
chứng hình (thể bệnh) hay gặp nhất.
(1) Thể can uất khí trệ:
-
Đây là thể bệnh hay gặp nhất. Người bệnh cảm giác có dị vật vướng trong
họng, khạc không ra mà nuốt không xuống. Thường kèm theo các chứng trạng
khác, như ợ hơi hoặc nấc, dưới sườn trướng đau, ợ hơi xong thấy ễ chịu
hơn. Rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, mạch huyền.
- Để chữa trị, có thể sử dụng bài thuốc có tác dụng "sơ can hành khí, khai uất giáng nghịch" để chữa:
Sài hồ 8g, hương phụ (củ gấu) 10g, nghệ vàng 10g, bán hạ 6g, thanh bì
6g, trần bì 6g, bạch thược 12g, bạc hà (cho vào sau) 6g; thêm 1000ml
nước, sắc lấy 450ml; chia ra uống 3 lần (sáng, trưa, chiều), uống vào
lúc đói bụng; ngày 1 thang, dùng liên tục 5-7 ngày.
(2) Thể âm tỳ khí hư:
- Cảm giác có dị vật trong họng. Ăn không ngon miệng, miệng nhạt. Mặt
trắng nhợt, người uể oải, đuối sức, thở yếu, ngại nói, ngủ không sâu,
hay giật mình tỉnh giấc hoặc cảm giác sợ hãi bất an. Tiểu tiện trong
dài, đại tiện lỏng loãng. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch nhược.
- Để chữa trị, có thể sử dụng bài thuốc có tác dụng "bổ ích tâm tỳ" để chữa:
Đảng sâm 10g, bạch truật (sao) 10g, viễn chí 6g, táo nhân (sao đen)
10g, sơn dược (củ mài, sao vàng) 10g, phục thần 10g, chích cam thảo 6g,
đại táo 6 trái; thêm 1000ml nước, sắc lấy 450ml; chia ra 3 lần uống
(sáng, trưa, chiều), uống vào lúc đói bụng; ngày 1 thang, uống liên tục
trong 7-9 ngày.
Ngoài hai thể thường gặp nói trên, trên thực tế còn có thể xuất hiện các thể bệnh khác như "đàm hỏa uất kết", "phế vị âm hư",
... Do đó tốt nhất bạn nên đưa cháu đến phòng khám Đông y có uy tín, để
được các thầy thuốc chẩn đoán và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcdọc khoai nước là gì ạ?