Hỏi:
Thủy đậu là loại bệnh do nhiễm vi-rút, đến nay y học phương tây chưa có thuốc đặc trị. Thế mà tôi lại nghe một số cụ cao tuổi nói, thời trước trẻ nhỏ bị thủy đậu người ta thường lấy cái rơm để chữa. Tôi không rõ hư thực ra sao và rất muốn biết thêm về tác dụng chữa bệnh của rơm rạ. Mong "Thuốc vườn nhà" cung cấp thông tin liên quan, để mở mang tri thức và áp dụng khi cần thiết.
Nguyễn Đình Lưu, Thái Bình
Đáp:
Lúa nếp
Đối với nhiều người, chuyện dùng rơm rạ để chữa bệnh, đúng là còn mới
lạ, nhất là những người lớn lên ở các thành phố lớn. Trên thực tế, rơm
rạ có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Không những thế, vị thuốc rơm rạ còn
có một lịch sử lâu đời, từ hàng ngàn năm.
Trước hết cần nói thêm. Trong các bộ phận của cây lúa, hạt gạo (và cám gạo) được sử dụng làm thuốc sớm hơn rơm rạ. Tác dụng làm thuốc của hạt gạo được phát hiện và ghi lại sớm nhất trong "Bản thảo kinh tập chú" của Đào Hoằng Cảnh, thời nhà Lương (Trung Quốc). Trong sách thuốc các thời đại sau, ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, ... đều có những ghi chép liên quan đến tác dụng chữa bệnh của hạt gạo.
Thí dụ, sách "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh ở nước ta có viết về tác dụng của gạo tẻ, gạo nếp và cám gạo như sau:
"Ngạnh mễ: Gạo tẻ mùi thơm ngon tính mát lành, dưỡng vệ điều
kinh, đại bổ trong người, nhờ đó làm nguồn sống, một tên gọi là "cương
mễ", trong trắng ngon thơm, gạo biếu cho nhà vua gọi là "ngự mễ".
Đạo mễ: Gạo nếp, vị ngọt, tính ấm, thơm mềm, dẻo, bổ trung
ích thận, trị đi tiểu ra chất nhờn (cao lâm), trị các chứng ẩu thổ đau
bụng, tỳ vị hư yếu; một tên gọi là "nhu mễ", một tên gọi là "dư mễ".
Khang tỳ: Cám, vị ngọt nhạt, tính hòa bình, hạ khí thông ruột, phá tan hòn cục, trị chứng nghẹn."
So với hạt gạo, tác dụng làm thuốc của rơm rạ được phát hiện và ghi chép trong sách thuốc muộn hơn.
Trong Đông y, rơm - phần thân lá của cây lúa tẻ (Oryza sativa L.) cũng như cây lúa nếp (Oryza sativa L. var. glutinosa Tanaka), thuộc họ Lúa (Poaceae), gọi là "đạo thảo", còn có tên là "đạo nhương", "đạo cản", "hòa cản".
Trong các tư liệu còn lưu giữ được đến nay, trong sách "Trửu hậu phương" của Cát Hồng, đời nhà Tấn (Trung Quốc), có thể tìm thấy những ghi chép sớm nhất về tác dụng chữa bệnh của rơm: "... Chữa chân tay bị nhiễm độc sưng đau không chịu nổi, ... dùng rơm đốt thành tro, hòa với nước đắp lên chân, ... (trị độc công thủ túc thũng, đông thống dục đoạn phương, ... dĩ đạo nhương khôi trấp trách túc, ...)“.
Tiếp sau, tác dụng chữa bệnh của rơm còn được ghi chép rải rác trong một số sách khác, như sách "Thôi thị soạn yếu phương" (dùng rơm chữa trĩ), "Truyền tín phương" (dùng rơm chữa ngã ngựa bị thương), ... Nhưng phải tới sách "Bản thảo thập di" của Trần Tàng Khí, thời Đường, rơm lúa mới được coi như một vị thuốc độc lập và được ghi chép thành một mục riêng, gọi là "đạo nhương".
Lúa tẻ
Theo "Bản thảo thập di": "Đạo nhương chủ hoàng bệnh. Thân tác kim hoàng sắc, chử chấp tẩm chi" - nghĩa là "Rơm lúa chủ trị hoàng bệnh, màu da như vàng, dùng rơm lúa nấu lấy nước ngâm". "Hoàng bệnh" có những triệu chứng tương tự bệnh viêm gan vàng da, theo cách nói ngày nay.
Trong các sách thuốc thời sau đó, như "Bản thảo đồ kinh", "Chứng loại bản thảo" thời Tống, "Bản thảo phẩm hối tinh yếu", "Bản thảo mông thuyên" thời Minh, ... tác dụng chữa bệnh của rơm thường được ghi chép phụ thêm sau vị thuốc hạt gạo. Nội dung tuy chủ yếu sao lục từ thư tịch các thời trước đó, nhưng cũng có một số cải tiến, phát huy nhất định, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tế lâm sàng.
Thí dụ, trong "Bản thảo mông thuyên", nói về cách dùng rơm lúa chữa hoàng đản (viêm gan vàng da), màu da như vàng, không dùng rơm lúa nấu nước ngâm (như sách cổ nói), mà dùng rơm lúa sắc đặc uống dần từng ít một. Việc thay cách dùng ngoài bằng cách uống trong là một tiến bộ và có tác dụng nâng hiệu quả chữa bệnh rõ rệt.
Trong "Điền Nam bảo thảo” do Lan Mậu, người Vân Nam (Trung Quốc) biên soạn, rơm (đào thảo) được lập thành một mục riêng. Đồng thời, đây là lần đầu tiên, tác dụng chữa bệnh của rơm được ghi chép một cách tương đối toàn diện và có hệ thống.
Theo "Điền Nam bảo thảo": "Đạo thảo, vị cam, bình, tính ôn, vô độc. Chủ trị khoan trung, khoan tràng vị, hạ khí, ôn trung chỉ tả, tiêu ngưu mã nhục tích, tiêu tiểu nhi nhũ thực kết trệ, đỗ phúc đông thống. Thảo tiết, tẩu chu thân kinh lạc, trị cân cốt đàm hỏa đông thống". Nghĩa là có tác dụng cải thiện chức năng hấp thụ và tiêu hóa (khoang trung, khoan tràng vị, tiêu ngưu mã nhục tích trệ, nhũ thực kết trên) và chữa trị các bệnh đường tiêu hóa. Đốt rơm (thảo tiết) thì còn có tác dụng giảm đau. Chứng "cân cốt đàm hỏa đông thống" đề cập ở đây có những triệu chứng giống như bệnh "thống phong" (bệnh gút) ngày nay. Theo "Điền Nam bảo thảo", cách sử dụng cụ thể như sau: Dùng đốt rơm lúa tẻ hoặc lúa nếp 40-50g, sắc uống, có tác dụng giảm đau kỳ lạ.
Muộn hơn "Điền Nam bảo thảo" một vài năm, trong sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân, tác dụng chữa bệnh của rơm lúa còn được trình bày đầy đủ hơn. Ngoài ra, Lý Thời Trân còn ghi lại hai bệnh án cụ thể, dùng rơm chữa có kết quả tốt.
Tác dụng chữa bệnh của rạ được ghi chép lần đầu trong sách "Bản thảo tái tân" của danh y Diệp Thiên Sĩ (1736-1820), đời Thanh (Trung Quốc). Muộn hơn những ghi chép về tác dụng chữa bệnh của rơm rất nhiều.
Trong Đông y, rạ - phần gốc và rễ của cây lúa (nói chung, không phân biệt nếp tẻ) sau khi gặt, gọi là "đạo thảo căn", "đạo căn tu", "đạo thảo căn tu", ... Trên thực tế, rạ lúa nếp được cho là tốt hơn, thường hay dùng hơn; để phân biệt rạ lúa nếp có tên riêng, gọi là "nọa đạo căn", "nọa đạo căn tu", ...
Theo Đông y: Rạ lúa nếp có vị ngọt, tính bình, không
độc; vào 3 kinh Can, Phế và Thận. Có tác dụng ích vị sinh tân, thoái hư
nhiệt, chỉ đạo hãn, tự hãn. Rạ lúa nếp có vị ngọt bổ tỳ, cầm mồ hôi tốt
(chỉ hãn), lại có thể đi vào Phế, Thận, trừ hư nhiệt, nên thường dùng
chữa "tự hãn" (mồ hôi ra nhiều) do cơ thể suy yếu sau khi ốm dậy, ăn
không ngon miệng; cũng như chữa "đạo hãn" (mồ hôi trộm) trong bệnh lao;
còn dùng chữa sốt nhẹ dai dẳng, ...
Ở Việt Nam ta, y thư cũng
như các loại thư tịch quý khác đã bị quân xâm lược phương Bắc cướp và
mang đi gần hết, nên các ghi chép về tác dụng làm thuốc chữa bệnh của
rơm rạ còn lại rất ít, chỉ tìm thấy rải rác trong một số sách thuốc còn
được bảo tồn. Tuy nhiên, rất nhiều kinh nghiệm sử dụng rơm rạ để chữa
bệnh, vẫn còn được lưu truyền trong dân gian cho tới tận ngày nay.
Dùng rơm rạ để chữa bệnh thủy đậu là một ví dụ rất tiêu biểu: Thời
trước, do môi trường trong sạch và sức chống bệnh của cơ thể con người
cao hơn ngày nay, nên bệnh thủy đậu thường chỉ phát tác nhẹ, ít gây nên
những biến chứng nguy hiểm như là thời nay. Mỗi khi trong nhà có người
bị lên thủy đậu, nói chung chỉ cần ra đồng nhổ lấy mấy gốc rạ, đem về bỏ
những lá rơm ở bên ngoài, nấu nước uống trong ngày là khỏi. Do đó, bệnh
thủy đậu trong dân gian mới có tên là "bệnh rạ", "phỏng rạ", "trái rạ";
trẻ nhỏ thời xưa bị thủy đậu các cụ nói là "trẻ lên rạ", ...
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng rơm rạ:
(1) Chữa thương thực do ăn nhiều thịt, bụng ấm ách, lợm giọng buồn nôn, không muốn ăn uống: Dùng rơm 15g, đường cát 3g; sắc nước uống.
(2) Chữa nghẹn, thức ăn nuốt không xuống:
Dùng ngọn rơm (lượng vừa đủ), đốt thành tro, lấy một nhúm (khoảng 15g)
trộn với 1 bát nước sạch, lọc bỏ cặn, thêm đinh hương 1 cái, bạch đậu
khấu nửa trái, gạo 1 bát; nấu cháo ăn.
(3) Chữa kém ăn, tự hãn (mồ hôi ra nhiều) sau khi ốm dậy: Dùng rạ lúa nếp 60g, hạt sen 30g; sắc với nước cho đến khi hạt sen chín nhừ; ăn hạt sen và uống nước thuốc.
(4) Chữa đái đục:
Dùng rơm lúa nếp, sắc đặc lấy một bát, phơi sương một đêm, sáng sớm cho
uống rất hay. Bài thuốc kinh trị đái ra chất đục, trắng, còn được bảo
lưu trong sách "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh. "Kinh trị" là bài thuốc được nhiều người sử dụng đạt kết quả tốt.
(5) Chữa viêm gan truyền nhiễm cấp tính:
Mỗi ngày dùng rơm nếp (nọa đạo thảo) 90g, sắc với 1000ml nước, nấu còn
200ml; chia 2 lần uống trong ngày, uống liên tục 25-30 ngày, một số
trường hợp cần kéo dài hơn.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.