Hỏi:
Cứ vào mùa xuân và mùa hè, gia đình tôi thường hay có người bị đau mắt đỏ. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, chứng bệnh này có thể dùng thuốc Nam để chữa trị hay không? Nếu được, xin hướng dẫn cho cách chữa cụ thể.
Lê Mai, Sóc Sơn, Hà Nội
Đáp:
"Viêm kết mạc" dân gian thường gọi "đau mắt đỏ", là một bệnh có thể xuất hiện quanh năm, nhưng thường hay gặp nhất vào mùa xuân và mùa hè, nhất là mùa xuân.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là cảm giác ngứa, cộm, như có cát bụi bay vào mắt, mắt sưng đỏ do bị sung huyết, đau nhức, sợ ánh sáng. Bệnh thường phát một bên trước, hoặc cả hai mắt đồng thời. Có trường hợp mi mắt sưng tấy, dử mắt ra nhiều như mủ, hai mi mắt dính với nhau rất khó mở mắt.
Do có các triệu chứng trên, nên dân gian thường gọi là bệnh "đau mắt đỏ" hoặc là "toét mắt".
Trường hợp nhẹ, khoảng một tuần thì mắt hết sung huyết, trường hợp nghiêm trọng có thể kéo dài 2-3 tuần. Nếu không điều trị triệt để, có thể biến thành viêm kết mạc mạn tính; có thể xâm phạm đến giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực, ...
Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây. Lây nhiễm chủ yếu qua dử mắt, nước mắt, thường do dùng chung khăn hoặc chậu rửa mặt. Ngoài ra, ruồi nhặng, bụi bậm và một số vật dụng dùng chung, cũng có thể trở thành những trung gian truyền bệnh. Khi trong nhà có người bị đau mắt đỏ, thì người khác có thể bị lây bệnh. Vì vậy cần kịp thời thực hiện những biện pháp cách ly.
Đông y gọi đau mắt đỏ là "Thiên hành xích nhãn" (mắc đỏ do thời khí - thời tiết) hoặc "Bạo phát hỏa nhãn" (mắt bị hỏa độc tấn công mạnh). Nguyên nhân chủ yếu là do "phong nhiệt" và "hỏa độc" xâm phạm vào cơ thể gây nên. Đông y cho rằng, những người thể chất vốn "nhiệt thịnh" (chủ yếu là tạng Phế và tạng Can nhiệt thịnh) khi bị ngoại tà phong nhiệt xâm phạm vào thì rất dễ bị mắc bệnh này.
Để chữa trị, đối với phần lớn các trường hợp bệnh phát nặng, có thể sử dụng bài thuốc cơ bản, với các thành phần sau:
• Bài thuốc cơ bản:
- Dùng kinh giới 12g, phòng phong 12g, bạc hà 12g, kim ngân 10g, chi tử (dành dành) 10g, cát cánh 10g, tang bạch bì (vỏ rễ cây dâu tằm) 10g, xuyên khung 8g, cạch chỉ 8g, cam thảo 4g; các vị thuốc nói trên cho vào nồi, đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3cm, đun sôi, sau đó đun nhỏ lửa khoảng 20 phút là được; riêng vị bạc hà, trước khi bắc nồi xuống 3-5 phút, mới cho vào sắc; chia thành 2-3 lần uống, hoặc uống thay nước trong ngày.
- Bài thuốc có tác dụng "trừ phong", "thanh nhiệt", trên lâm sàng thường sử dụng chữa đau mắt đỏ đạt kết quả tốt.
• Gia giảm:
- Nếu nhức đầu nhiều, thêm mạn kinh tử 8g.
- Nếu mắt đỏ nhiều, thêm thạch cao 15g.
- Nếu ăn uống giảm xút, thêm bạch truật 12g.
- Nếu đại tiện táo bón, thêm đại hoàng 6g.
• Thuốc bôi, rửa:
Để hỗ trợ, tăng cường tác dụng của thuốc uống trong, còn có thể sử dụng thêm một số bài thuốc bôi, rửa dưới đây.
- Bài thuốc 1: Dùng tang diệp (lá dâu tằm) 15g, cúc hoa 15g; sắc lấy nước, bỏ bã, dùng để rửa mắt; mỗi ngày rửa 2-3 lần, liên tục 5-7 ngày.
- Bài thuốc 2: Dùng tang diệp (lá dâu tằm) 15g, rau sam 15g; sắc lấy nước, bỏ bã, dùng để rửa mắt; mỗi ngày rửa 2-3 lần, liên tục 5-7 ngày.
Nếu không có cúc hoa và rau sam, chỉ dùng riêng tang diệp (lá dâu tằm) nấu nước rửa cũng có tác dụng khá tốt.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.