Hỏi đáp

Tác dụng chữa bệnh của cây dướng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/04/2012 09:13 SA

Hỏi:

Cách đây không lâu, tôi được một người quen mách cho cách chữa trĩ sưng đau rất hay: Dùng lá cây dướng giã nát, nắm ép lại như cái bánh giầy, tối trước khi nằm ngủ đắp kín hậu môn, băng cố định lại, sáng dậy gỡ ra. Tôi áp dụng thử, kết quả rất tốt: Sáng hôm sau đã thấy đỡ đau, khoảng 3-4 hôm hết sưng và sau khoảng một tuần thì khỏi hẳn. Tôi rất muốn biết, cây dướng còn có thể sử dụng để chữa những bệnh gì khác? Mong được "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết.

Lê Công Tính, Nghĩa Hưng, Nam Định

Đáp:

cây dướng, chử thụ, chử đào thụ, giác thụ tử, dã dương mai tử, xa, Broussonetia papyrifera Vent.

cây dướng, chử thụ, chử đào thụ, giác thụ tử, dã dương mai tử, xa, Broussonetia papyrifera Vent.

Dướng là loài cây mọc hoang rất quý, vì vỏ cây có thể dùng làm thừng hay làm giấy, lá có thể dùng làm thức ăn cho lợn, và tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc.

Cây dướng còn có tên là "chử thụ", "chử đào thụ", "giác thụ tử", "dã dương mai tử", "xa" (Thổ), ... tên khoa học là Broussonetia papyrifera Vent., thuộc họ Dâu tằm.

Đướng là loài cây to, có thể cao tới 16m, vỏ thân nhẵn, màu tro. Thân và lá đều có nhũ dịch, cành non có ít lông nhỏ. Lá mọc so le, cuống lá dài 3-10cm, có lông tơ, phiến lá hình trứng, dài 6-20cm, rộng 3-8cm, đầu lá hơi nhọn, phía cuống tròn hoặc hình tim, có khi không đối xứng, mép có răng cưa rõ, đôi khi xẻ 3 thùy, đặc biệt có khi xẻ 5 thùy, nhưng độ nông sâu của vết cắt không nhất định. Có khi phiến lá không chia thùy. Mặt trên lá có lông ngắn, mặt dưới có lông mềm màu xám trắng. Hoa đơn tính, đực cái khác gốc; hoa đực mọc thành bông ở ngọn cành, hoa cái mọc thành cụm hình cầu; hoa đực có 4 lá đài và 4 nhị, hoa cái có đài hợp 3-4 răng và 1 vòi nhụỵ. Quả hạch, tụ thành hình cầu, màu vàng hay đỏ, đường kính chừng 2cm. Mùa hoa vào các tháng 5-6, mùa quả vào các tháng 8-11.

Lưu ý: Ngoài cây dướng nói trên, trong các rừng thứ sinh ở nước ta còn thường gặp một loài dướng khác, chỉ cao khoảng 2-4 m, gọi là "dướng nhỏ" hoặc "dướng leo" (Broussonetia Kazinoki Sieb. et Zucc, cũng thuộc họ Dâu tằm). Lá và rễ cũng được dùng làm thuốc, nhưng sẽ đề cập trong dịp khác.

Dướng là vị thuốc đã được sử dụng từ rất lâu đời trong dân gian.

Theo Đông y:

    - Lá dướng: Có vị ngọt, tính mát. Có tác dụng lương huyết, lợi thủy. Dùng chữa thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), huyết băng, ngoại thương xuất huyết, thủy thũng, sán khí, kiết lỵ, lở ngứa ngoài da.

    - Cành dướng: Dùng chữa trị mề đay, mắt đỏ sưng đau, tiểu tiện khó khăn, ...

    - Quả dướng: Có vị ngọt, tính hàn; vào 3 kinh Can, Tỳ và Thận. Có tác dụng bổ thận, thanh can, minh mục, mạnh gân cốt, trợ dương khí, bổ hư lao, ích nhan sắc. Dùng chữa cơ thể suy nhược, thuỷ thũng, mắt mờ sinh màng mộng, ...

Một số đơn thuốc có sử dụng cây dướng:

    (1) Thuốc bổ âm: Quả dướng 1kg, đậu đen 1kg, kỷ tử 300g; đậu đen hầm nhừ, chắt lấy nước, cho quả dướng vào tẩm 1 ngày, lấy ra, phơi khô; lại tẩm và phơi cho đến khi nước đậu đen thấm hết vào thì thôi; sau đó đem trộn với kỷ tử, sao vàng thẫm, tán thành bột mịn; mỗi sáng uống 15g với nước trắng. Có tác dụng bổ âm, dùng chữa trong xương nóng hâm hấp, đêm ngủ hay vã mồ hôi trộm, ra gió mắt chảy nước, nam giới di tinh hoặc mộng tinh.

    (2) Chữa phụ nữ rong huyết: Dùng vỏ cây dướng (lấy lớp vỏ trắng, cạo bỏ vỏ thô bên ngoài), kinh giới sao vàng - mỗi thứ 12g; sắc nước uống trong ngày (Đơn thuốc của Tuệ Tĩnh).

    (3) Chữa chứng hay buồn ngủ: Dùng lá dướng 1 nắm; sắc nước uống (Kinh nghiệm của Lãn Ông).

    (4) Chữa hội chứng lỵ: Lá dướng tươi 50-100g; giã nát vắt lấy nước uống (Kinh nghiệm dân gian ở Lai Châu).

    (5) Chữa đi lỵ ra máu, băng huyết: Dùng vỏ cây dướng, kinh giới - 2 thứ dùng lượng bằng nhau; tán thành bột mịn; mỗi lần uống 3g, chiêu bằng nước dấm đã pha loãng.

    (6) Chữa hoa mắt: Dùng quả dướng, kinh giới tuệ, địa cốt bì - 3 thứ liều lượng bằng nhau; tán thành bột mịn, luyện với mật làm thành viên bằng hạt đậu xanh; mỗi lần uống 20 viên, chiêu bằng nước cơm hoặc cháo loãng.

    (7) Chữa thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam): Dùng lá dướng tươi giã vắt lấy nước cốt; uống dần trong ngày, cứ 2-3 giờ lại uống 1 chén con (khoảng 20ml).

    (8) Chữa toàn thân phù thũng:

        1. Dùng lá dướng tươi nấu với nước, cô đặc thành cao mềm; ngày uống 3 lần lúc đói bụng; mỗi lần uống 1 thìa con (khoản 2,5-3ml).

        2. Dùng vỏ cây dướng (cạo bỏ lớp vỏ thô ở ngoài) 12g, mộc thông 12g, ý dĩ 16g, vỏ rễ dâu 8g, vỏ quít 4g, gừng tươi 3 lát; sắc uống.

    (9) Chữa sán khí (âm nang - bìu dái sưng đau): Dùng lá dướng, tốt nhất là hái vào tháng 5 âm lịch, phơi khô trong bóng râm, tán thành bột mịn; ngày uống 3 lần vào lúc đói; mỗi lần 3-6g, chiêu thuốc bằng rượu ấm.

    (10) Chữa đau thần kinh tọa: Dùng lá dướng tươi 120g, lá ngải cứu tươi 60g; nấu nước xông rửa.

    (11) Chữa da lở ngứa kịch liệt: Dùng lá dướng tươi thái nhỏ, giã thật nhuyễn, đắp lên chỗ da bị ngứa.

    (12) Chữa ngoại thương xuất huyết: Dùng lá dướng tươi giã nát, đắp lên chỗ vết thương.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
Trần Thị Thúy (04/04/2016 09:59 CH)

Dear chị Thảo Em bên công ty Nông Sản, chuyên các mặt hàng nông sản. Hiện nay bên em đang có nhu cầu tìm mua vỏ cây dướng nhỏ, tuy nhiên do chưa biết tới công dụng của loại cây này nhiều nên nhiều người k biết tới cây dướng nhỏ khi được hỏi đên cho lắm. Qua bài viết của chị, được biết chị là người am hiểu và nghiên cứu sâu về loại cây này. Nên em xin phép gửi email để nhờ chị giới thiệu cho em một số nơi trồng nhiều loại dướng nhỏ ở nước ta. Chị vui lòng liên hệ vs em qua sđt: 096757xxxx hoặc email: annevietland@gmail.com. Em xin chân thành cảm ơn.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]