Hỏi:
Tôi bị đau khớp gối đã nhiều năm, từng dùng nhiều loại thuốc mà bệnh chỉ chuyển biến rất ít. May mắn được một người bạn cho đơn thuốc, chủ yếu là dùng vị "mộc qua", uống vào thấy tác dụng rất tốt. Gần đây, có người bạn biết tiếng Trung Quốc nói rằng: "mộc qua" chính là "trái đu đủ". Vậy xin đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết: Có thể dùng trái đu đủ để chữa đau xương khớp được không?
Trần Hoàng Nam, Hưng Nguyên, Nghệ An
Đáp:
Theo nghĩa thông thường, trong tiếng Trung Quốc "mộc qua" chính là trái đu đủ mà chúng ta vẫn sử dụng làm thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên, vị thuốc "mộc qua" trong đơn thuốc của bạn, chắc chắn là quả của cây khác, cũng có tên là "mộc qua".
Cây đu đủ dùng làm thức ăn có tên khoa học là Carica papaya L., thuộc họ Đu đủ (Papayaceae). Còn cây mộc qua dùng làm thuốc trong Đông y có tên khoa học là Chaenomeles lagenaria (Lois.) Koidz, thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).
Mộc qua (thuốc) là một cây nhỡ, cao độ 2-3m, cành có gai, cành nhỏ không có lông, màu nâu. Lá có cuống dài 3-15mm, phiến lá hình trứng hay hình mác, dài 2,5-14cm, rộng 1,5-4cm, mép có răng cưa, mặt trên màu xanh, nhẵn, mặt dưới màu tím nhạt, men theo gân lá có lông ngắn. Lá kèm có hình dạng và kích thước thay đổi, dài từ 2-2,5cm, rộng từ 1-1,5cm, mép cũng có răng cưa. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, cuống ngắn. Cánh hoa màu hồng hay màu trắng. Quả thịt, hình cầu hay hình trứng, dài khoảng 8cm, màu vàng hay vàng xanh, khi chín có màu nâu, vỏ nhăn nheo; nhìn qua cũng có hình dạng như trái đu đủ, nhưng nhỏ hơn. Mùa hoa vào tháng 3-4, mùa quả vào tháng 9-10. Vị thuốc "mộc qua" trong Đông y, là quả gần chín, phơi hay sấy khô, của cây mộc qua này.
Trong sách thuốc Đông y: Mộc qua được xếp vào nhóm thuốc trừ phong thấp.
Theo Đông y: Mộc qua có vị chua, tính ấm; vào 2 kinh Can và Tỳ. Có tác dụng thư cân hoạt lạc, hòa vị hóa thấp, tiêu thực, sinh tân chỉ khát. Dùng chữa phong tê thấp khớp xương đau nhức, cẳng chân và cổ chân sưng to, tê bì, yếu mỏi, cử động khó khăn, thổ tả, miệng khô khát, ...
Thời xưa, khi hổ còn nhiều, mộc qua thường được dùng phối hợp với xương hổ, trong đơn thuốc chữa đau nhức, thấp khớp.
Thí dụ "Rượu hổ cốt mộc qua" gồm: Xương hổ chế 40g, mộc qua 120g, xuyên khung 40g, xuyên ngưu tất 40g, đương quy 40g, thiên ma 40g, ngũ gia bì 40g, hồng hoa 40g, tục đoạn 40g, ... ngâm với rượu trắng. Có tác dụng trừ thấp, tán hàn, đuổi phong, giảm đau. Dùng chữa phong tê thấp, tay chân co quắp, đau nhức, mắt méo xệch.
Hiện tại, một qua thường được dùng để chữa đau nhức như sau:
(1) Chữa tê thấp, chân, đầu gối đau nhức: Dùng mộc qua 16g, ngũ gia bì 10g, thổ phục linh 10g, ngưu tất 8g; sắc nước uống trong ngày.
(2) Chữa đau khớp vai: Dùng mộc qua 16g, tang chi (cành cây dâu tằm) 10g, quế chi 8g, đương quy 8g, xuyên khung 6g; sắc nước uống trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.