Hỏi:
Quê tôi trồng rất nhiều cây thanh hao, lá gần giống cây ngải cứu và mùi cũng tương tự. Người dân quê tôi trồng loại cây này theo một dự án, và thấy nói rằng, để lấy ngọn chế thuốc chống bệnh sốt rét, không biết có phải hay không? Mong "Thuốc vườn nhà" giải đáp hộ thắc mắc và cho biết về những tác dụng chữa bệnh của cây thanh hao. Tôi xin trân thành cảm ơn.
N.T., Thái Nguyên
Đáp:
Cây thanh hao bạn hỏi, còn có tên là "thanh cao", "thảo cao", "hoàng hoa hao", "ngải hoa vàng", "thanh hao hoa vàng", ... tên khoa học là Artemissia annua L., thuộc họ Cúc Asteriaceae.
Hiện tại, cây thường được gọi là "thanh hao hoa vàng", để phân biệt với những loài "thanh hao" khác. Vì cây này vốn mọc hoang dại ở nước ta từ lâu đời, nhưng trước đây thường bị lẫn lộn với một số loài thanh hao khác.
Thanh hao hoa vàng là loài cây sống lâu năm. Thường mọc hoang thành từng đám, ở vùng đồi núi ven suối, ven sông. Cây cao từ 1,5-2m. Lá xẻ lông chim 2 lần, thành phiến hẹp, phủ lông mềm. Có mùi thơm. Cụm hoa hình cầu hợp thành một chùy kép. Lá bắc tổng bao, hình trứng hoặc hình bầu dục. Hoa màu vàng nhạt, mỗi cụm hoa gồm 6 hoa, giữa là hoa lưỡng tính, xung quanh là hoa cái. Quả bế hình trứng, dài 1mm. Mặt vỏ có tuyến chứa tinh dầu.
Trên thị trường tại Trung Quốc, thường bị trộn một cây khác gọi là hoàng cao hay xú cao cũng họ Cúc nhưng lá quanh năm màu vàng lục, và có mùi hôi, còn cây thanh hao hoa vàng thật thì chỉ về mùa thu lá mới vàng, còn trước đó có màu lục.
Thanh hao đã được sử dụng làm thuốc trong dân gian và trong Đông y từ hàng ngàn năm trước. Tại những địa phương có thanh hao hoa vàng mọc hoang dại, một số nơi dân chúng thường hái lá non của cây non về luộc hoặc nấu canh ăn thay rau. Còn dùng lá, hoa và toàn bộ phận trên mặt đất phơi hay sấy khô làm thuốc chữa sốt cao, sốt, giải độc, cảm mạo, rối loạn tiêu hóa.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, cây bắt đầu được chú ý đặc biệt, do các nhà khoa học đã chiết được từ phần trên mặt đất của cây thanh hao hoa vàng một chất đặc biệt, có tên là artemisinin, có tác dụng đặc trị bệnh sốt rét. Hiện nay, thanh hao hoa vàng được dùng làm nguyên liệu chiết artemisinin để chữa sốt, sốt rét dưới dạng thuốc viên.
Theo y thư cổ: Thanh hao có vị đắng cay, tính lạnh; vào 2 kinh Can và Đởm. Có tác dụng lương huyết (mát máu), giải thử (giải nắng nóng), thanh "hư nhiệt" (sốt do âm hư) và tiệt ngược (trừ sốt rét). Dùng chữa những trường hợp "cốt chưng lao nhiệt" (nóng trong xương, sốt trong bệnh lao, do cơ thể suy nhược), đạo hãn (mồ hôi trộm), ngược tật (sốt rét), lở ngứa. Còn dùng chữa cảm nắng, giúp sự tiêu hóa, lợi gan mật. Dùng riêng hay phối hợp với một số vị thuốc khác. Ngày dùng từ 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc viên.
Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng thanh hao hoa vàng theo một số cách như sau:
(1) Chữa sốt rét: Dùng thanh hao tươi một nắm (khoảng 20g) giã vắt lấy nước, chia ra uống trong ngày hoặc trước khi lên cơn. Hoặc dùng thanh hao khô 12g, tán thành bột, chia ra 2-3 lần uống. Chú ý: Chất artemisinin (có tác dụng chữa sốt rét) bị phá hoại trong nước đun sôi, nên cần dùng dưới dạng nước cốt hoặc thuốc bột như trên.
(2) Chữa sốt âm trong bệnh lao, mồ hôi trộm, tiêu hóa kém: Dùng thanh hao 6-12g khô, sắc nước uống trong ngày.
(3) Chữa trẻ nhỏ ỉa chảy, phát sốt: Dùng thanh hao, cỏ phượng vĩ, rau sam - mỗi thứ 6-8g, sắc nước uống trong ngày.
(4) Chảy máu cam: Dùng thanh hao tươi, giã vắt lấy một chén con nước cốt, chia ra uống dần, bã nhét vào lỗ mũi đang chảy máu.
(5) Răng sưng đau: Dùng thanh hao 1 nắm, nấu lấy nước ngậm.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.