Hỏi:
Mấy năm gần đầy, cứ vào mùa xuân, là tôi lại bị đau mắt đỏ. Năm ngoái, khi mắt bị đau, tôi được một bà lang ở gần nhà cho một nắm cỏ dùi trống, bảo đem về chia ra 3 phần, mỗi ngày dùng 1 phần, thêm 7 lá dâu tằm, cho vào nồi đất nấu lấy nước uống. Tôi đã sử dụng đúng theo chỉ dẫn của bà lang và kết quả thu đuợc rất tốt. Nay mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, cỏ dùi trống còn có những tác dụng gì, sử dụng như thế nào thì an toàn và có lợi nhất. Vì đó là một thứ "thuốc" sẵn có ở quanh nhà, không mất tiền mua.
Hoàng Đình Quân, Thái Nguyên
Đáp:
Cỏ dùi trống là loài cây mọc hoang ở những nơi ẩm thấp, gặp ở hầu hết các tỉnh miền Bắc nước ta. Đó là một loại cỏ nhỏ, sống hằng năm, rễ chùm, thân rất ngắn. Lá mọc vòng, dẹt, dài 4-35cm, rộng 0,2-1cm, nhẵn, nhiều gân dọc. Cán hoa dài 10-55cm. Hoa hình đầu hay hình trứng, đường kính 4-6mm, dài 4-7mm. Cây còn có tên là "cỏ đuôi công", "cây cốc tinh"; tên khoa học là Eriocaulon sexangulare L.; Đông y thường gọi là "cốc tinh thảo", vì thứ cỏ này thường mọc lên sau khi đã gặt lúa ("cốc tinh" có nghĩa là tinh khí của lúa gạo, "thảo" = cỏ); hay còn gọi là "di tinh thảo", "di tinh" ở đây không phải là hiện tượng "di tinh" ở nam giới, mà là "sao di chuyển" ("di" = di động; "tinh" = tinh tú, ngôi sao; "thảo" = cỏ), vì thứ cỏ này có hoa hình tròn, màu sáng, di động khi có gió.
Vị thuốc "cốc tinh thảo" (Scapus Eriocauli) trong Đông y là cán mang hoa (phơi hay sấy khô) của cỏ dùi trống. Thường hái vào mùa Hạ và mùa Thu: Hái cán mang hoa, rửa sạch đất, bùn, phơi khô, bó thành từng bó. Nếu chỉ dùng hoa và bỏ cán đi thì Đông y gọi là "cốc tinh châu".
Trong Đông y, cốc tinh thảo được xếp vào loại thuốc "thanh nhiệt tả hỏa", thường dùng để chữa trị các bệnh về mắt do chức năng của tạng can bị rối loạn gây nên.
Theo Đông y:
- Cốc tinh thảo có vị ngọt, tính bình; vào hai kinh Túc quyết âm Can và Túc dương minh Vị. Có tác dụng thanh can minh mục (mát gan, sáng mắt), tán nhiệt thoái ế (giải nhiệt, tiêu màng mộng). Dùng chữa các chứng mắt đau, đầu nhức, răng đau, cổ họng đau do phong nhiệt. Trong dân gian thường dùng cốc tinh thảo để chữa những trường hợp đau mắt, nhức mắt, nhức đầu, sốt và bí tiểu tiện.
- Liều dùng: 6-10g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
- Theo sách thuốc cổ, người bị bệnh mắt do huyết hư không được dùng độc vị (cần phối hợp với các vị thuốc khác). Ngoài ra cốc tinh thảo còn kỵ đồ sắt.
Một số bài thuốc có dùng cốc tinh thảo:
(1) Chữa đau mắt đỏ (viêm kết mạc): Dùng cốc tinh thảo 10-12g, sắc nước uống thay nước trong ngày; có thể thêm tang diệp, cúc hoa - mỗi thứ 3-4g, tác dụng càng nhanh.
(2) Viêm kết mạc, viêm giác mạc: Cốc tinh thảo, phòng phong - 2 vị bằng nhau, tán nhỏ; ngày uống 3 lần mỗi lần uống 1-2g. Cũng có thể dùng cốc tinh thảo 10g, phòng phong 10g, sắc với nước, chia 3 phần uống trong ngày. Trường hợp bệnh nặng, màng mộng che lấp con ngươi, đầu đau dữ dội, có thể dùng "Cốc tinh thảo thang" (bài thuốc kinh điển của Đông y), gồm các vị thuốc: Cốc tinh thảo 9g, kinh giới tuệ (hoa kinh giới) 6g, huyền sâm 6g, ngưu bàng tử 6g, sắc nước uống trong ngày.
(3) Chữa quáng gà (nhìn không rõ lúc chập choạng tối): Cốc tinh thảo 16g, dạ minh sa 9g, thương truật 15g, cho thêm 200g gan lợn vào đun cho chín kỹ; chia thành 2 phần ăn vào lúc đói bụng (ăn gan và uốc nước thuốc).
(4) Chữa mắt có màng mộng, chiều tối nhìn không rõ: Cốc tinh thảo 30-40g, gan vịt 1-2 cái (nếu không có có thể thay bằng đậu phụ trắng); đổ ngập nước vào đun kỹ trong khoảng 1 giờ; ngày dùng 1 lần, ăn vào sau bữa cơm.
(5) Chữa nhức mắt: Cốc tinh thảo, hạt mã đề, mật mông hoa, hạt muồng - mỗi vị 20g; sắc nước, rồi lấy thạch quyết minh (vỏ ốc 9 lỗ) mài vào uống.
(6) Chữa nhức đầu, nhức lông mày: Cốc tinh thảo 8g, địa long (giun đất) 12g, nhũ hương 4g; các vị tán nhỏ mỗi lần lấy 4g đốt lấy khói hun vào lỗ mũi bên đau.
(7) Chữa đau nửa đầu: Cốc tinh thảo 10g, tán nhỏ, trộn với hồ, phết lên giấy bản rồi dán vào nơi đau; khi thuốc khô thì thay bằng miếng thuốc khác.
(8) Chữa trẻ nhỏ cam tích, nhìn không rõ, mắt đỏ, sợ ánh sáng: Cốc tinh thảo 30-50g, gan lợn 100g; cho vào chiếc bát lớn, đổ nước vào hấp cách thủy cho chín, thêm mắm muối, dùng làm thức ăn cho trẻ ăn hàng ngày.
(9) Chữa các chứng phong nhiệt gây nhức đầu, đau răng, đau họng: Cốc tinh thảo 20g, huyền sâm 16g, kinh giới 12g, dành dành 12g, mộc thông 12g, thanh ngâm 8g; sắc uống.
(10) Trẻ suy dinh dưỡng, lòng bàn chân bàn tay nóng: Cốc tinh thảo 30-50g, gan lợn 100g; cho vào nồi, đổ ngập nước, đun nhỏ lửa trong khoảng 1 giờ; ngày ăn 1-2 lần.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.