Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Rễ sậy và vị thuốc "lô căn"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 17/07/2012 11:32 CH

Hỏi:

Tôi là độc giả thường xuyên của website thuocvuonnha.com, vì website đăng tải nhiều thông tin bổ ích và thiết thực. Nhờ chuyên mục "Thuốc vườn nhà" tôi đã biết thêm về những tác dụng chữa bệnh, của nhiều thứ cây có ở ngay quanh nhà, mà trước kia tưởng là vô dụng. Nay tôi mong được chuyên mục giới thiệu cho biết về cây lau sậy, cũng là những thứ cây mọc hoang rất nhiều ở vùng quê tôi. Mong được chuyên mục quan tâm và hồi âm sớm.

Nông Văn Minh, Thái Nguyên

Đáp:

  cây sậy, sậy, lô căn,rễ của cây sậy, Phragmites communis Trin.

Câu hỏi của bạn rất lý thú. Ngoài cây cỏ tranh - một loại cỏ mọc hoang khắp nơi, cho ta vị thuốc "bạch mao căn", có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, thông tiểu tiện và tẩy độc cơ thể, còn có cây sậy, cây lau, cây đót, ... cũng là những cây thuộc họ Lúa, mọc hoang khắp nơi ở những chổ ẩm ướt, và cũng có thể cung cấp cho chúng những vị thuốc quý. Ngoài vị thuốc "bạch mao căn", trong Đông y còn có một vị thuốc thanh nhiệt khác, được khai thác từ loại cây họ Lúa, và cũng rất thông dụng, đó là "lô căn".

Vị thuốc "lô căn" là rễ của cây sậy. Có tên khoa học là Phragmites communis Trin., thuộc họ Lúa (Poaceae).

Sậy là cây sống lâu năm, rễ bò dài, rất khỏe. Thân cao 2-4m, thẳng đứng, đường kính 1,5-2cm, rỗng ở giữa. Lá dài 30-40cm, rộng 1-3,5cm, phẳng, nhẵn, hình dải hay hình mũi mác, có mỏ nhọn kéo dài, mép lá ráp; lá xếp xa nhau, ôm lấy thân ở phía gốc lá; lưỡi bẹ có dạng vòng lông ngắn; lá sậy thường khô vào mùa rét. Cụm hoa có dạng chùy, thường có màu tím hay màu nhạt, hơi cong rũ, dài 15-45cm; cuống chung thường có lông mềm, dày đặc ở gốc, nhánh rất mảnh. Bông nhỏ mang 3-6 hoa, mày xòe ra khi chín, rất nhọn.

Cây sậy thường mọc hoang ở những chỗ ẩm, bờ sông, bờ suối, bờ hồ, ... Để dùng làm thuốc, người ta đào những rễ béo mập, sắc trắng, mềm, nhấm thấy hơi ngọt; nếu cây mọc ở bờ sông hoặc suối, tốt nhất nên chọn những rễ mọc về phía nước chảy ngược. Mang về phơi khô, thấy sắc vàng nhạt, là loại rễ tốt. Không dùng những thứ rễ đã nát, xốp nhẹ.

Một vấn đề cần lưu ý thêm là, vị thuốc "lô căn" là rễ của cây sậy, chứ không phải là rễ cây lau. Trên thực tế, một số người hay nhầm lẫn giữ lau và sậy. Cây lau cũng là một cây họ Lúa (Poaceae), có tên khoa học là Saccharum arundinaceum Retz. Cây lau cũng mọc hoang ở những nơi đất ẩm, trông giống cây mía. Phiến lá to, rộng 2-5cm, bẹ lá không có lông. Cụm hoa dạng chùy kép, dài tới 1m, cuống và đỉnh mang nhiều lông trắng (ngắn hơn bông nhỏ); bông nhỏ có 2 hoa, mày có lông gai.

Sự khác biệt dễ nhận biết nhất giữa lau và sậy là, thân cây lau đặc, còn thân cây sậy rỗng. Cây lau trong Đông y gọi là "ban mao"; rễ lau cũng được dùng làm thuốc, vị thuốc tương ứng có tên là "ban mao căn", nhưng không thông dụng như rễ sậy (lô căn) hay rễ cỏ tranh (bạch mao căn).

Còn một cây nữa, cũng thuộc họ Lúa, cũng hay lẫn lộn với cây sậy, đó là cây đót; còn có tên là "cây chít", "cây le", "cây cỏng", ... tên khoa học là Thysanoloena maxima O. Kuntze họ Lúa (Poaceae). Cây chít cũng cao như cây lau. Lá cứng, hình giáo rộng, nhọn mũi, ôm lấy thân, có mép, hơi ráp, dài 30-60cm, rộng 5-10cm. Chùy hoa ở ngọn, mềm, lúc đầu dựng đứng rồi mọc tỏa ra, dài 30-60cm, có rất nhiều nhánh mịn, với rất nhiều bông nhỏ, hình dải thuôn, dài 1-1,5mm. Quả thóc nhỏ thuôn, gần hình cầu, nằm trong những mày nhỏ cứng.

Lá chít thường được dùng để gói bánh tro. Bông chít cứng và dài hơn bông lau, thường cắt về làm "chổi đót", để quét bụi bàn ghế hay chổi quét vôi. Trong thân cây chít, có một loài sâu, dân gian thường sử dụng như vị thuốc "Đông trùng hạ thảo" của Trung Quốc. Vào các tháng 11-12, vào rừng thấy những cây chít bị cụt, không có búp, thường có sâu chít ẩn trong thân. Sâu này có tên khoa học Brihaspa atrostigmella thuộc họ sâu Cánh bướm (Leprdopterae). Cắt ngang thân từ chỗ cành đến ngọn, dài 50-60cm, đem về xé đôi, thân sẽ thấy sâu chít ở trong. Thực ra đó chỉ mới là nhộng của con sâu Brihaspa atrostigmella. Sâu này đẻ trứng ở vỏ cây, nhộng nở ra chui vào và sống trong thân cây qua mùa đông. Nhộng màu trắng vàng, dài khoảng 35mm. Thả vào chậu nước muối để rửa cho sạch. Sau đó rang hay sấy cho khô. Tẩm mật ong rồi lại sấy khô. Cuối cùng ngâm sâu này vào rượu sẽ thấy các chất béo nổi lên như mỡ trong nước luộc gà.

"Thuốc vườn nhà" đã giới thiệu về sâu chít, khi giải đáp câu hỏi về "Đông trùng hạ thảo".

Trở lại với vị thuốc "lô căn", trong Đông y lô căn được xếp vào nhóm thuốc thanh nhiệt tả hỏa.

Theo Đông y: Lô căn có vị ngọt, tính lạnh; vào 2 kinh Phế và Vị. Có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, sinh tân chỉ khát (tăng tân dịch, chống khát), trừ phiền, chỉ ẩu (chống nôn), lợi niệu. Chủ yếu dùng để chữa các chứng bệnh có tính chất nhiệt, kèm theo phiền khát, vị nhiệt ẩu uế (dạ dày nóng gây nôn ọe), phế nhiệt khái thấu (phổi nóng gây ho), phế ung thổ nung (áp xe phổi, nôn ra máu mủ), nhiệt lâm sáp thống (tiểu tiện nhỏ giọt đau buốt).

Trên lâm sàng, hiện tại rễ sậy thường được sử dụng chữa viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phế quản, giãn phế quản, viêm phổi; một số bệnh về máu, bệnh nội tiết, viêm dạ dày, dạ dày co thắt, viêm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, ...

Ngoài rễ, dân gian còn dùng lá chữa thượng thổ hạ tả, thổ huyết, phế ung (áp xe phổi), hậu bối. Hoa đắp để cầm máu vết thương. Thân cũng có thể sử dụng chữa phế ung, phiền nhiệt.

Một vài bài thuốc có sử dụng lô căn (chỉ để tham khảo):

    (1) Chữa viêm phế quản mạn tính (thể nhiệt đàm): Dùng lô căn 20g, ngư tinh thảo (rau diếp cá) 15g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, bồ công anh 9g, trần bì 6g, sa sâm 9g, qua lâu 9g; sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.

    (2) Chữa viêm màng phổi mưng mủ: Dùng lô căn 40g, ngư tinh thảo 30g, ý dĩ nhân 12g, kim ngân hoa 10g, đông qua nhân (hạt bí đao) 10g, đào nhân 8g, hạnh nhân 8g, cam thảo 6g, cát cánh 10g; sắc nước uống trong ngày.

    (3) Chữa viêm thận cấp: Dùng lô căn 50g, ngư tinh thảo 30g, bạch mao căn 30g; sắc nước uống ngày 1 thang, chia 3 lần uống. Trong thời gian điều trị kiêng muối.

    (4) Chữa viêm ruột cấp: Dùng lô căn, ngư tinh thảo - mỗi vị đều 50g, cát căn (củ sắn dây) 20g, hậu phác 20g; sắc lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày. Nếu kèm theo nôn, thêm hoắc hương, hương nhu - mỗi thứ 10g.

    (5) Chữa viêm dạ dày: Dùng lô căn 50g, hậu phác 10g; sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày. Nếu kèm theo nôn ra nước chua, thêm bán hạ chế 6g; miệng khô, lưỡi háo thêm thạch hộc 10g, mạch môn đông 10g, trần bì 6g.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]