Hỏi:
Mấy năm trước, tôi kiếm được giống cây địa liền về trồng, nay đã mọc rất tốt. Tôi viết thư này, kính mong "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn cho biết, có thể dùng cây địa liền để chữa trị những thứ bệnh gì?
Lê Văn An, Sóc Sơn, Hà Nội
Đáp:
Địa liền còn gọi là "thiền liền", "tam nại", "sa khương", "sơn nại", ... tên khoa học là Kaempferia galanga L., họ Gừng.
Địa liền mọc rải rác ở vùng rừng núi thấp và trung du; mọc tương đối tập trung ở một số vùng rừng ở Tây Nguyên; còn được trồng ở nhiều nơi, để lấy củ làm gia vị và làm thuốc.
Địa liền là một loại cỏ nhỏ, sống lâu năm, quanh năm xanh tốt; có thân rễ hình củ nhỏ, bám vào nhau, hình trứng. Lá mọc sát mặt đất (nên có tên là "địa liền" - nghĩa là lá mọc sát mặt đất), hình trứng, phía cuống hẹp lại thành một cuống dài độ 1-2cm, mặt trên xanh lục và nhẵn, mặt dưới có lông mịn, hai mặt đều có những điểm nhỏ, dài rộng gần bằng nhau, chừng 8-15cm. Cụm hoa mọc ở giữa, không cuống, gồm 8-10 hoa màu trắng với những điểm tím ở giữa. Mùa hoa tháng 8-9. Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, người ta đào củ về (cần chọn những cây đã trên 2 năm tuổi) rửa sạch đất cát, thái thành miếng mỏng, xông diêm sinh 1 ngày rồi phơi khô. Tuyệt đối không sấy than, củ sẽ đen, mùi kém thơm. Có nơi chỉ đào củ về, rửa sạch phơi khô. Địa liền rất dễ bảo quản, hầu như không bị mốc mọt.
Theo Đông y: Địa liền có vị cay, tính ấm; vào các kinh Tâm, Tỳ và Thận. Có tác dụng ôn trung tán hàn, trừ thấp, tịch (tránh) uế. Chữa ngực bụng lạnh đau, đau răng. Thường được dùng làm thuốc giúp sự tiêu hóa, làm cho ăn ngon, chóng tiêu, và còn dùng làm thuốc xông; ngâm rượu dùng xoa bóp chữa tê phù, tê thấp nhức đầu, đau nhức. Liều dùng: Ngày dùng 2-4g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc viên, hay pha như pha trà uống. Kiêng kỵ: Người âm hư huyết suy và vị có uất hỏa kỵ dùng.
Một số phương pháp sử dụng địa liền cụ thể:
(1) Chè thuốc giải cảm: Địa liền 5g, cúc hoa 5g, lá tre 10g, cúc tần 10g, kinh giới 20g, bạc hà 20g, tía tô 20g, cát căn (củ sắn dây) 20g; sắc nước uống như trà trong ngày. Tác dụng: Chữa cảm sốt, nhức đầu.
(2) Thuốc bột giải cảm: Địa liền 20g, cát căn 50g, bạch chỉ 50g; tán riêng từng loại thành bột mịn, sau đó trộn đều các loại bột với nhau. Dùng làm thuốc giải cảm, hạ nhiệt, giảm đau, chống nhức đầu; còn có tác dụng kháng khuẩn chống bội nhiễm. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g bột thuốc. Uống vào lúc đói bụng trước bữa ăn. Có thể hòa bột thuốc vào nước đường cho dễ uống.
(3) Chữa ho gà: Dùng địa liền 3g, tía tô 5g, rau sam 10g, rau má 10g, vỏ rễ dâu 10g, lá chanh 3g; sắc nước uống trong ngày, khi uống pha thêm đường cho đủ ngọt.
(4) Chữa ăn uống không tiêu, đau dạ dày, đau thần kinh: Địa liền 2g, quế chi 1g; 2 vị tán nhỏ chia làm 3 lần uống trong một ngày, mỗi lần 0,5 hay 1g bột.
(5) Chữa ngực bụng lạnh đau, tiêu hóa kém: Dùng địa liền 4-8g; sắc nước hoặc tán bột uống trong ngày.
(6) Chữa ỉa chảy, nôn mửa: Dùng địa liền 4g, vỏ quít 4g, hoắc hương 10g, vỏ cây lá vối 10g, cam thảo 4g; sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.
(7) Chữa răng sâu đau nhức: Dùng địa liền tán thành bột mịn, lấy bông thấm bột thuốc nhét vào chỗ răng sâu. Hoặc dùng địa liền ngâm rượu, ngậm rượu trong miệng một lúc rồi nhổ đi.
(8) Chữa đau nhức: Dùng địa liền 4g, rễ cỏ xước 12g, cốt khí củ 12g, lá ngải cứu 10g; sắc nước uống. Dùng cho trường hợp bị cảm lạnh, toàn thân đau nhức.
(9) Bảo quản quần áo: Trong địa liền có tinh dầu thơm, ngoài tác dụng làm thuốc, còn dùng trong kỹ nghệ cất tinh dầu chế nước hoa và bảo vệ quần áo. Đặt mấy lát địa liền vào đáy tủ quần áo, quần áo sẽ có một mùi thơm đặc biệt, mặc vào còn có tác dụng phòng cảm cúm.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.