Hỏi:
Tôi nay 50 tuổi. Cách đây mấy năm, tôi bắt đầu bị khó ngủ, rồi dần dần trở thành mất ngủ, ngày hôm sau ngủ dậy như người mất hồn. Tôi đã đi khám và được kết luận là thần kinh suy nhược, bác sĩ cho sử dụng nhiều loại tân dược nhưng bệnh chỉ đỡ, tuy ngủ được nhưng hôm sau người vẫn rất mệt. Từ năm ngoái, tôi bắt đầu chuyển sang chữa bằng thuốc Nam, đã sử dụng một số bài thuốc gia truyền mà bạn bè mách bảo, nhưng vẫn thấy rất ít hiệu quả. Vì vậy, mong được "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho cách chữa có hiệu quả nhất.
Trần Thị Ngà, Yên Hưng, Quảng Ninh
Đáp:
Nhãn
Quan niệm của Tây y và Đông y về chứng bệnh mất ngủ (hoặc khó ngủ) không hoàn toàn giống nhau.
Tây y thường coi mất ngủ là một biểu hiện của trạng thái bệnh lý thần kinh suy nhược. Còn Đông y thì quan niệm rằng, chứng mất ngủ có nhiều hình trạng và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.
Theo Đông y: Mọi rối loạn hoặc mất cân bằng của cơ thể (trong đó bao gồm cả suy yếu thần kinh) đều có thể dẫn tới mất ngủ. Vì vậy, để chữa trị chứng bệnh mất ngủ, Đông y học thường chữa một cách toàn diện.
Bạn đã dùng thử một số bài thuốc Nam, nhưng chưa có kết quả, có thể do những thuốc đó không hợp với bệnh tình và đặc điểm thể chất của bạn. Để chữa trị một cách có hiệu quả, cần căn cứ vào những biểu hiện cụ thể của bản thân (triệu chứng) để xác định đúng loại hình bệnh (thể bệnh), trên cơ sở đó áp dụng phép chữa và bài thuốc thích hợp, theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y.
Cụ thể như sau:
(1) Thể tâm tỳ lưỡng hư: Đây là loại hình thường gặp nhất.
- Nguyên nhân: Do làm việc quá mệt nhọc hoặc lo buồn, suy nghĩ quá căng thẳng, khiến cho tạng Tâm và tạng Tỳ bị hư tổn mà sinh ra mất ngủ.
- Biểu hiện (triệu chứng): Mất ngủ hoặc khó ngủ, hay ngủ mê, dễ tỉnh giấc; kèm theo những biểu hiện khác, như sắc mặt không tươi hoặc đen sạm, tinh thần uể oải, hay quên, hồi hộp, tim đập dồn loạn nhịp từng cơn, ăn uống không ngon miệng, người mệt mỏi, cơ bắp đau nhức, chất lưỡi nhợt, mạch nhỏ yếu.
- Phép chữa: Bổ dưỡng Tâm Tỳ.
- Bài thuốc thường dùng: Bá tử nhân (sao) 6g, hoài sơn (củ mài, sao vàng) 12g, hạt sen (để cả tim, sao vàng) 12g, long nhãn 8g, lá dâu non 10g, lá vông 10g, táo nhân (sao đen) 6g; sắc nước uống trong ngày.
(2) Thể âm hư hỏa vượng:
- Nguyên nhân: Do Thận âm hư tổn, Tâm hỏa quá thịnh, khiến cho âm dương trong cơ thể bị mất cân bằng mà dẫn tới mất ngủ.
- Biểu hiện: Khó ngủ, hay ngủ mê; kèm theo các chứng trạng, như buồn bực, dễ cáu giận, sợ sệt vô cớ, đầu nặng, chóng mặt hoa mắt, tai ù, lưng gối đau mỏi, lòng bàn chân bàn tay nóng, miệng khô khát, chất lưỡi đỏ, mạch nhỏ nhanh (tế sác).
- Phép chữa: Thanh tâm giáng hỏa.
- Bài thuốc thường dùng: Đậu đen 20g, vừng đen 20g, lá vông bánh tẻ 12g, lá dâu non 12g, lạc tiên (dây và lá) 12g, thảo quyết minh (hạt muồng, sao cháy đen); sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
(3) Thể đàm tích:
- Nguyên nhân: Do chức năng của Tỳ Vị (chức năng tiêu hóa) bị suy yếu, các chất cặn bã ứ đọng lại (đàm tích) lâu ngày hóa thành Hỏa, gây nhiễu động thanh khiếu mà gây nên mất ngủ.
- Biểu hiện: Mất ngủ hoặc khó ngủ, kèm theo các chứng trạng như dễ hoang mang, ngủ hay mộng, dễ tỉnh giấc, đầu nặng, mắt hoa, vùng thượng vị khó chịu, đau tức hai bên sườn, miệng đắng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác (trơn, nhanh).
- Phép chữa: Thanh nhiệt hóa đàm.
- Bài thuốc thường dùng: Hạt sen (để cả tim) 20g, táo nhân (sao đen) 8g, trần bì 8g, hương phụ (củ gấu) 12g, la bạc tử (hạt củ cải) 8g, chi tử 10g, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) 10g, cam thảo 6g; sắc nước uống trong ngày.
Các bài thuốc nói trên nên uống theo từng liệu trình (10-15 ngày), sau đó nghỉ 3-5 ngày, rồi lại dùng tiếp liệu trình khác.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.