Hỏi:
Tôi nghe nói, "lá lửa" giã nhỏ đắp lên "chín mé" hoặc "đinh độc" sẽ tan, hết đau và nếu thấy đau nóng rát quá thì bỏ ra ngay, nếu không da chỗ đắp sẽ bị bỏng. Có người nói ngâm rượu uống còn có thể làm thuốc bổ. Tôi phân vân không biết có đúng không. Xin phép gửi đến "Thuốc vườn nhà" 3 lá này, mong rằng quý báo có thể cho mấy lời chỉ dẫn.
Phùng Đoàn, Cẩm Sơn, Cẩm Phả
Đáp:
Theo mẫu cây có kèm theo cả hoa bạn gửi, chúng tôi nhận ra ngay được cây thuốc mà bạn quan tâm. Trong thư bạn nói, đó là "lá lửa", nhưng theo chúng tôi nghĩ, đó chỉ là tên "dân gian", do một số người tự đặt ra, vì thấy thứ lá đó có thể gây bỏng, làm cháy da, giống như ngọn lửa.
Thứ cây bạn quan tâm, trong các sách thuốc ở nước ta, có tên chính thức là "bạch hoa xà". Tại một số địa phương ở nước ta, cây còn có một số tên khác, như "cây đuôi công", "cây chiến" (Bắc Lệ, Lạng Sơn), ... Trong sách thuốc Trung Quốc, cây có tên chính thức là "bạch hoa đan", tùy theo địa phương, cây còn có thêm những tên khác nữa, thí dụ ở Quảng Châu cây có tên là "nhất kiến tiêu", "bạch tuyết hoa", ở Tứ Xuyên gọi là "dã mục lị", "cách bố thảo", ... Tên khoa học của cây là Plumbago zeylanica L., thuộc họ Đuôi công (Plumbaginaceae).
Bạch hoa xà là một loài cỏ sống dai, cao hàng mét, thân có đốt và nhẵn. Lá mọc so le, hình trứng đầu nhọn, phía cuống hơi như ôm vào thân, mép nguyên, không có lông, mặt dưới hơi nhạt màu. Hoa màu trắng, mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá; đài hoa có lông dài, nhớt; tràng hoa dài gấp 2 đài hoa. Mùa hoa gần như quanh năm, nhưng nhiều nhất vào các tháng 5-6.
Để làm thuốc, người ta thường dùng cành, lá hoặc rễ tươi; để lâu kém tác dụng. Rễ đào về khi khô có màu đỏ nhạt, mép ngoài sẫm, có những rãnh dọc, phần trong màu nâu, vị hắc, gây buồn nôn.
Theo Đông y:
- Bạch hoa xà có vị đắng chát, tính ấm, có độc. Có tác dụng trừ phong, tán ứ, giải độc, sát trùng. Dùng chữa phong thấp khớp xương đau nhức, huyết ứ bế kinh, đòn ngã tổn thương, ung nhọt lở ngứa.
- Cách dùng, liều dùng: Sắc uống từ 3-9g. Dùng ngoài, nấu nước rửa, giã nát đắp hay bôi.
- Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không sử dụng.
Hiện tại, cây bạch hoa xà chủ yếu được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian: Làm thuốc chữa những bệnh ngoài da, đinh nhọt sưng tấy đau nhức, chữa vết loét, vết thương, ... Thường dùng rễ hay lá giã nhỏ với cơm, thành một thứ bột nhão, đắp lên những nơi sưng đau. Có nơi sắc rễ, lấy nước bôi ghẻ. Lá bạch hoa xà giã nát, đắp lên chỗ da đầu bị chốc lở đã rửa sạch, hễ thấy nóng thì bỏ ra.
Theo các tài liệu nước ngoài: Do nhựa của cây bạch hoa xà làm chậm sự thành sẹo, cho nên một số dân châu Phi đã dùng nhựa cây này bôi lên các hình vẽ trên người bằng dao cạo, để cho hình nổi lên, do có tác dụng tăng sinh trưởng những tổ chức đã bị rạch. Tại một số nước châu Phi, nhân dân dùng bột rễ cây này trộn với chất nhầy của một loại dâm bụt (Hibiscus esculentus) có nơi gọi là cây mướp tây (có trồng ở Việt Nam, quả ăn được), để đắp lên các vết hủi, sau đó người ta đắp lên đó một loại lá khô của một cây có nhựa chưa xác định được tên khoa học, nhưng dân Nigiêria (châu Phi) đã gọi tên là cây Niêcca. Tại Ấn Độ và Nhật Bản, người ta dùng rễ cây này làm thuốc gây sẩy thai: Cho uống bột rễ cây này, hay tán một ít bột cho vào khoang tử cung, thai sẽ tự ra do bị kích thích, nhưng hay gây ra viêm tử cung, có khi chết người.
Thực tế cho thấy, bạch hoa xà có tác dụng tiêu viêm, giảm đau rất tốt, dùng chữa những trường hợp sưng tấy, đau nhức kịch liệt như chín mé, định độc có tác dụng rất nhanh. Có thể vì tác dụng nhanh, nên người Quảng Châu (Trung Quốc) đặt cho cây cái tên là "nhất kiến tiêu" (vừa thấy là tiêu) - nghĩa là đinh độc hễ gặp cây này là tiêu tan.
Trong lá và rễ cây chứa chất plumbagin, gây sưng đỏ và làm bong da, nên ở địa phương bạn, có người mới gọi đó là cây "lá lửa"; còn người Tứ Xuyên (Trung Quốc) gọi đó là cây "cách bố thảo" - nghĩa là thứ cây khi đắp cần lót vải (cách bố), chứ không đắp trực tiếp lên da. Trường hợp cần đắp trực tiếp, thì hễ thấy nóng là phải bỏ ra ngay.
Bạch hoa xà cũng có thể sắc lấy nước hoặc ngâm rượu uống, nhưng chỉ sử dụng với liều nhỏ, vì cây có độc. Thí dụ, theo sách "Vân Nam trung thảo dược", để chữa phong tê thấp khớp xương đau nhức, hay đau nhức do sái chân sái tay, có thể dùng 1,5-3g rễ sắc lấy nước hoặc ngâm rượu, chia ra 2 lần uống trong ngày.
Trong những tài liệu chúng tôi có trong tay, không thấy nói tới việc sử dụng bạch hoa xà ngâm rượu để làm thuốc bổ. Nói chung, khi sử dụng bạch hoa xà uống trong, cần rất thận trọng, không dùng quá liều, vì dễ trúng độc.
Theo sách "Nam phương chủ yếu hữu độc thực vật": Lá và rễ cây bạch hoa xà có chứa chất độc; tiếp xúc với da gây bỏng, sưng đỏ và bong da. Gia súc ăn phải bị ỉa chảy. Người ăn nhầm có thể bị trúng độc, tê liệt; phụ nữ có thai ăn nhầm bị sẩy thai.
Cách giải cứu:
- Da bị bỏng có thể dùng nước sạch, hoặc nước pha acid boric để rửa. Nếu da bị loét thì dùng cao mềm acid boric đắp lên chỗ bị bệnh.
- Trường hợp uống trong bị trúng độc, có thể uống lòng trắng trứng gà, hoặc nước đường, hay than hoạt tính để giải độc. Nếu bị tê liệt, cần mau chóng đưa tới bệnh viện để chữa trị.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.