Hỏi:
Tôi nghe nhiều người nói, nấm hương là món ăn rất có lợi đối với hệ tim mạch, nhưng không biết cụ thể là nó tốt về những phương diện nào, và cần sử dụng nấm hương như thế nào để dự phòng, hỗ trợ trong điều trị các bệnh tim mạch. Vì vậy, rất mong "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho biết.
Nguyễn Huy Dương, Phú Lương, Thái Nguyên
Đáp:
Nấm hương còn có tên là "hương cô", "hương tín", "hương tẩm", "bioc hom", "lét lang", ... tên khoa học là Lentunus edodes (Berk) Sing.
Nấm hương vốn là loài mọc tự nhiên, trên các thân cây gỗ mục, ở các khu rừng thuộc các tỉnh phía Bắc nước ta, như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình, ... Ngoài ra, đồng bào các dân tộc miền núi còn gây trồng nấm hương trong điều kiện tự nhiên, ở những khu rừng thoáng gió và ẩm ướt.
Trong điều kiện tự nhiên, bào tử nấm bay rất xa, bám vào các loại "cây chủ" thích hợp, như cây côm (Elaocarpus dubius), giẻ đỏ, giẻ sồi, sồi bộp, đỏ ngọn, re đỏ, ... Với độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, ánh sáng khuếch tán trong rừng, bào tử nấm sinh sôi, nẩy nở và phát triển rất nhanh. Trong các loài cây chủ, côm là loài cây nấm hương ưa chuộng nhất và nấm hương mọc trên thân cây côm có mùi thơm đặc biệt, mặc dầu gỗ côm mục lại không có mùi vị gì.
Nấm hương có hình dạng như cái ô (gồm mũ nấm và cuống nấm). Cuống nấm hình trụ nhưng hơi dẹt, phía trên hơi rộng, có phủ lớp vẩy dạng lông. Mũ nấm hình bán cầu dẹt, đường kính có thể lên tới 10cm; màu nâu đen và phủ mụn trắng khi còn non, sau đó có màu nâu vàng, rồi chuyển sang màu vàng mật ong; thường nấm càng già thì màu càng nhạt. Khi khô, nấm có mùi thơm nên gọi là "nấm hương".
Thời trước, nấm hương chỉ được thu hoạch từ nguồn cây hoang dại. Còn hiện tại, nấm hương trên thị trường chủ yếu được cung ứng từ các trang trại, nuôi trồng trong điều kiện nhân tạo.
Những năm gần đây, trên thị trường có bán một loại nấm gọi là "đông cô", nói rằng xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, ... Trên thực tế, về mặt thực vật, nấm "đông cô" và "nấm hương" cùng là một loài (tên khoa học hoàn toàn giống nhau). Tại các tỉnh vùng biển ở Trung Quốc, người ta gọi "nấm hương" là "dung gu". Khi nhập vào nước ta, "dung gu" được gọi tên theo âm Hán - Việt thành ra "đông cô". Tại một số nước, hiện tại, nấm hương (đông cô) thường được trồng trong các trang trại. Những thứ nấm đông cô bán trên thị trường, phần lớn được trồng trong điều kiện nhân tạo, nên hình dạng và mùi vị không hoàn toàn giống nấm hương mọc hoang trong rừng ở nước ta. Tuy nhiên, về mặt tác dụng, nấm đông cô về cơ bản giống như nấm hương.
Nấm hương là một trong số những loại nấm nổi tiếng nhất thế giới. Y thư kinh điển xưa nay đều coi nấm hương là một loại thực phẩm cao cấp, có tác dụng tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Hiện tại, nhiều người ta thích ăn nấm hương, chủ yếu vì đó là một loại thức ăn có tác dụng chữa bệnh đặc biệt.
Các kết quả nghiên cứu hiện tại cho thấy: Nấm hương có tác dụng điều tiết chuyển hóa, tăng cường năng lực miễn dịch của cơ thể, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, phòng ngừa sỏi mật và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hóa, ... Là loại thức ăn lý tưởng đối với những người thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, trẻ em suy dinh dưỡng.
Xin nói chi tiết hơn về tác dụng đối với hệ tim mạch:
- Trong nấm hương có một loại nucleic acid (chất dẫn xuất của adenine), có tác dụng đặc thù làm giảm mỡ máu; chất này còn có tác dụng ức chế không cho cholestrol trong huyết thanh và trong gan tăng cao, lại có khả năng chống xơ cứng động mạch, còn có tác dụng giảm huyết áp.
- Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy, người bị tăng lipid máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường và cao huyết áp, liên tục sử dụng chất lentysin chiết xuất từ nấm hương, với liều 300mg/ngày, sau 15 tuần lượng triglyceride, phosphoric acid, tổng lượng lipid, cũng như lượng chất béo tự do đều giảm. Sau khi dừng thuốc, lượng chất béo trong máu hơi tăng lên, nếu tiếp tục sử dụng lentysin thì lại giảm xuống. Và điều quan trọng nhất là có thể sử dụng lâu dài mà không ảnh hưởng tới chức năng của gan.
Đối với những người mắc bệnh tim mạch, để hỗ trợ trong điều trị và phòng ngừa tai biến, có thể sử dụng nấm hương theo một số phương pháp như sau:
(1) Rượu nấm hương: Nấm hương 50g, chanh 3 quả (để cả vỏ, rửa sạch, thái lát), mật ong 1 bát con (khoảng 100ml); ngâm trong 1,8 lít rượu trắng, sau 1 tháng có thể sử dụng. Loại rượu này có tác dụng hỗ trợ trị liệu rõ ràng đối với chứng bệnh tăng mỡ máu và cao huyết áp.
(2) Trà nấm hương: Nấm hương khô 9g, dùng nước sôi hãm trà uống trong ngày. Thường xuyên sử dụng có tác dụng giảm lượng mỡ trong máu.
(3) Canh nấm hương: Nấm hương tươi 100g, dùng dầu thực vật và muối xào gần chín, thêm nước vào nấu thành canh ăn. Món canh này có tác dụng hạ mỡ máu.
(4) Nấm hương xào măng tre: Nấm hương 100g, măng tre 100g, dầu thực vật 15g, mắm muối gia vị lượng thích hợp; măng tre bóc vỏ ngoài, luộc chín, vớt ra thái lát; nấm hương rửa sạch, thái miếng, cùng măng tre cho vào chảo, xào gần chín, thêm mắm muối gia vị, ... Có tác dụng hạ mỡ máu và có lợi với hệ tim mạch.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.