Hỏi:
Đề nghị "Thuốc vườn nhà"
cho biết, thuốc Nam có tác dụng tiêu diệt, hoặc kiềm chế sự phát triển
của vi-rút hay không? Nếu có, mong chuyên mục giới thiệu cho một số
phương pháp sử dụng những loại cỏ cây thông dụng, dễ kiếm, dễ mua, để
phòng trị một số bệnh thường gặp do vi-rút gây nên.
Trần Như Kim, Yên Thành, Nghệ An
Đáp:
Vi-rút (virus, siêu vi) là loại vi sinh vật, có kích thước nhỏ hơn vi
khuẩn rất nhiều. Cần sử dụng kính hiển vi điện tử, với độ phóng đại từ
vài nghìn tới vài vạn lần, mới có thể nhìn thấy.
Vi-rút có
cấu trúc đơn giản (gọi là "phi tế bào"), không thể tự mình tiến hành
trao đổi chất, nên buộc phải sống ký sinh, "ăn nhờ ở đậu" bên trong tế
bào khác (gọi là "tế bào ký chủ" hoặc "ký chủ") mà nó xâm nhiễm. Ví dụ:
HIV sống bên trong tế bào bạch cầu có tên lym-phô bào T (gọi tắt là
CD4). Còn vi-rút cúm A thì sống bên trong tế bào của hệ hô hấp.
Vi-rút phải lợi dụng nguyên liệu và năng lượng của tế bào ký chủ, để
sinh trưởng, phục chế, sinh sôi. Các vi-rút mới trưởng thành lại được
phóng thích khỏi tế bào ký chủ, để xâm nhập vào các tế bào mới. Các tế
bào bị nhiễm vi-rút (ký chủ), chính là "xưởng sản xuất" ra vi-rút mới và
cũng sẽ bị hủy diệt vì vi-rút.
Vi-rút rất khó trị, do khả
năng kháng thuốc rất cao. Nhiều vi-rút, đặc biệt là vi-rút cúm luôn thay
đổi hình dạng, để nâng cao khả năng thích ứng, chống lại những tác dụng
của thuốc. Nguyên nhân của sự thay đổi hình dạng này, là vì vi-rút (như
vi-rút cúm A) không có cơ chế chỉnh sửa các sai sót trong quá trình sao
chép, dẫn đến sự biến đổi cấu trúc gen ở những vi-rút mới mà nó nhân
lên. Điều này làm xuất hiện những loại (type) vi-rút mới, với những
kháng nguyên mới.
Người ta đã ghi nhận được là, vi-rút cúm A
đã thay đổi kháng nguyên hemagglutinine đến 15 lần (đánh số từ H1-H15),
kháng nguyên neuraminidase 9 lần (đánh số N1-N9). Thí dụ, vi-rút H5N1 là
do hemagglutinine 5 kết hợp với neuraminidase 1 tạo thành; còn H1N1 mới
"tái xuất giang hồ" gần đây là do hemagglutinine 1 kết hợp với
neuraminidase 1 tạo thành.
Trong Đông y cổ truyền, tất nhiên
không có loại tác nhân gây bệnh (tà khí) gọi là "vi-rút". Tuy nhiên,
những chứng bệnh do vi-rút gây nên đã được Đông y nhận biết từ rất sớm.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Đông y đã tích lũy được rất nhiều kinh
nghiệm, tìm ra nhiều phương pháp và vị thuốc, bài thuốc hữu hiệu, trong
điều trị các chứng bệnh do vi-rút gây nên.
Kết quả nghiên cứu
hiện đại đã chứng thực, nhiều vị thuốc Nam, Đông dược có khả năng tiêu
diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi-rút. Do giới hạn của bài viết, ở
đây tạm thời chỉ xin giới thiệu với bạn và Quý bạn đọc khác một số loại
thảo dược thông dụng, có tác dụng đối với vi-rút gây bệnh cúm.
Theo tài liệu chúng tôi có trong tay, kết quả nghiên cứu đã chứng thực:
Có tới vài chục loại thảo dược, có tác dụng kháng vi-rút cúm ở những
mức độ khác nhau. Trong số đó, có một số loại rất thông dụng, có ngay
sẵn quanh ta, như kim ngân hoa, ngải cứu, tỏi, hành, vỏ lựu (thạch lựu
bì), bọ mẩy (đại thanh diệp), quán chúng, cúc hoa, diếp cá (ngư tinh
thảo), bạch hoa xà thiệt thảo, xạ can (rẻ quạt), thanh cao, kinh giới,
lô hội, bách bộ, kha tử, ...
Trong điều kiện gia đình, để phòng trị cảm cúm, bạn có thể sử dụng một số bài thuốc Nam đơn giản dưới đây:
(1) Bài thuốc 1:
- Dùng kim ngân hoa 15g, đậu xanh (để cả vỏ) 30g; sắc nước uống trong ngày.
- Theo Đông y, kim ngân hoa có tác dụng phát tán phong nhiệt (trừ
gió nóng), thanh nhiệt giải độc; đậu xanh có tác dụng dưỡng âm và thanh
nhiệt giải độc. Hai vị kết hợp với nhau, có tác dụng phòng ngừa và chữa
trị bệnh cúm thể phong nhiệt (phát sinh trong điều kiện thời tiết nóng
bức) rất tốt.
- Nghiên cứu hiện đại cho thấy, kim ngân
hoa có tác dụng ức chế tương mạnh đối với vi-rút cúm, ngoài ra còn có
tác dụng làm giảm hoạt tính của nhiều loại vi-rút khác.
(2) Bài thuốc 2:
- Gừng tươi 20g, tỏi 5-6 nhánh; sắc nước uống.
-
Theo Đông y, gừng tươi có tác dụng phát hãn giải biểu (làm ra mồ hôi để
giải cảm), tỏi có tác dụng giải độc. Bài thuốc có tác dụng phòng ngừa và
chữa trị bệnh cúm thể phong hàn (phát sinh trong điều kiện thời tiết
giá lạnh) rất tốt.
- Nghiên cứu hiện đại cho thấy, tỏi
có tác dụng ức chế mạnh đối với vi-rút cúm, còn gừng có tác dụng làm
giảm hoạt tính của nhiều loại vi-rút.
Ngoài 2 bài thuốc tiêu biểu trên, còn có thể sử dụng:
(3) Bài thuốc3: Dùng quán chúng 15g, bạc hà 10g; sắc nước uống. Có tác dụng phòng ngừa cảm cúm thể phong nhiệt.
(4) Bài thuốc 4: Tô diệp (lá tía tô) 15g, gừng tươi 5 lát; sắc nước uống. Có tác dụng phòng ngừa cảm cúm thể phong hàn.
(5) Bài thuốc 5: Bạc hà 6g, kinh giới 15g, lô căn (rễ sậy) 12g; sắc nước uống. Có tác dụng phòng ngừa cảm cúm trong 4 mùa.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.