Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Củ nâu dùng để nhuộm vải là một vị thuốc chữa bệnh?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 18/06/2013 12:12 SA

Hỏi:

Quanh chỗ tôi ở có nhiều cây củ nâu mọc hoang. Hiện nay tuy không còn sử dụng của nâu để nhuộm vải nữa, nhưng tôi nghe một số người nói, củ nâu có thể sử dụng làm thuốc. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Có thể sử dụng củ nâu để chữa những bệnh gì?

Lê Thanh Minh, Yên Hưng, Quảng Ninh

Đáp:

củ nâu, khoai leng, má bau, thự lương, giả khôi, Dioscorea cirrhosa Lour., họ Củ nâu (Dioscoreaceae)

Củ nâu

Củ nâu còn có tên là "khoai leng", "má bau" (Thái), "thự lương", "giả khôi", ... tên khoa học là Dioscorea cirrhosa Lour., thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae).

Loài cây này mọc hoang ở hầu hết các vùng rừng núi nước ta, nhiều nhất là các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, ... Trước đây, ở nước ta củ nâu được sử dụng rất nhiều, vì hầu hết nông dân đều mặc quần áo nhuộm màu nâu. Nhưng những năm gần đây, quần áo thường nhuộm bằng thuốc nhuộm tổng hợp. Hiện tại, dân gian chỉ còn sử dụng nhuộm lưới, thuộc da, ...

Củ nây là loại dây leo sống lâu năm. Thân tròn, nhẵn, có nhiều gai ở gốc. Lá đơn, mọc so le ở dưới, mọc đối ở gần ngọn. Phiến lá hình trứng hoặc bầu dục, nhẵn bóng, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, dài khoảng 20cm, rộng khoảng 15cm, gân hình cung rất rõ. Hoa mọc thành bông. Cụm hoa đực gồm nhiều bông, trục bông nhẵn, có cạnh, hoa 15-25 cái, cánh hoa ngắn và hẹp, nhị 6. Hoa cái xếp thành bông cong. Quả nang có cuống thẳng, có cánh, hạt cũng có cánh ở xung quanh, màu nâu. Rễ củ không phân nhánh, hình cầu hoặc trụ tròn, vỏ ngoài sần sùi, màu xám nâu; ruột màu nâu đỏ hay hơi trắng, có nhựa.

Củ nâu có nhiều loại:

    1. Loại củ có dọc đỏ: Màu củ xám vàng nhạt, vỏ không sần sùi, nhựa màu đỏ nhạt. Loại này nhuộm vải cho màu bóng.

    2. Loại củ nâu dọc trai hay củ nâu dọc dưa: Vỏ thường bị nứt, màu nâu xám nhạt, nhựa đỏ hơn loại trên.

    3. Củ nâu trắng hay củ nâu tẻ: Vỏ củ có rãnh, màu nâu đỏ nhạt, nhựa màu vàng nhạt hơi hồng. Thường dùng để nhuộm những nước đầu tiên, rồi mới nhuộm những loại củ nâu đỏ nói trên, vì cho rằng loại củ nâu này làm cho vải thêm dày và bền hơn.

Ngoài dùng để nhuộn vải, cũng có thể dùng để ăn, nhưng cần chế biến cẩn thận: Gọt bỏ vỏ ngoài, ngâm nhiều nước và thay nước nhiều lần cho hết hoặc giảm chất chát rồi mới luộc ăn; thời trước thường đem ngâm dưới suối, để nước chảy qua nhiều ngày đêm cho hết chất chát, rối mới luộc ăn.

Củ nâu còn được dùng làm thuốc từ thời xa xưa.

Theo Đông y: Củ nâu có vị ngọt chát, hơi chua; tính bình, không độc. Có tác dụng hoạt huyết, chỉ huyết, lý khí, chỉ thống. Dùng chữa sản hậu đau bụng, kinh nguyệt bất điều, băng lậu, nội thương thổ huyết, phong thấp xương khớp đau nhức, kiết lỵ, mụn nhọt, ngoại thương xuất huyết, ...

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy: Củ nâu có tác dụng cầm máu, tăng co bóp tử cung và sát khuẩn.

Ngày dùng từ 3-9g; sắc lấy nước, nghiền mịn hoặc mài uống; dùng ngoài nghiền mịn hoặc mài lấy nước bôi.

Một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Chữa đi lỵ ra máu: Dùng bã củ nâu đốt tồn tính, tán nhỏ, uống với nước cơm; ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 3g.

    (2) Chữa tiêu chảy, kiết  lỵ:

        - Dùng củ nâu thái mỏng, phơi hoặc sấu khô, ngày dùng 10-20g; sắc chia 2-3 lần uống trong ngày. Có thể tán bột, uống mỗi lần 2-3g, ngày 2-4 lần.

        - Hoặc dùng lá củ nâu, lá lấu, lá sim - mỗi thứ 20g; sắc uống.

    (3) Chữa liệt nửa người: Dùng 60g củ nâu, ngâm trong 500ml rượu trắng trong 5 ngày; chiết lấy rượu, ngày uống 15-30ml trước khi đi ngủ.

    (4) Chữa đau xương khớp: Dùng 15g củ nâu, sắc lấy nước, hòa thêm rượu vào uống.

    (5) Chữa sản hậu đau bụng: Dùng củ nâu 9g; sắc với rượu trắng uống.

    (6) Chữa bị thương gãy xương:

        - Dùng củ nâu giã nhỏ để bó và băng nẹp lại, sau khi đã sửa xương lại như cũ.

        - Dân gian còn dùng củ nâu tươi 50g, gà con (1 con, bỏ lông và lòng), cơm nếp 30g; giã nát, đắp bó.

    (7) Chữa ngoại thương xuất huyết: Dùng củ nâu phơi khô, nghiền mịn; rắc vào vết thương.

    (8) Chữa khí hư: Dùng củ nâu 20g sao đen, mẫu lệ 12g, ích trí nhân 12g, bạch đồng nữ 20g, đảng sâm 40g, kim anh 12g, thán khương 8g; sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]