Hỏi:
Năm ngoái tôi thường bị đau bụng và bế kinh. Một bà cụ người dân tộc Tày cho tôi một thứ một thứ củ gọi là "mằn tảo láy", bảo mỗi ngày dùng 2-3 củ đem giã nát, nấu với cháo gạo nếp ăn. Tôi dùng thử thấy tác dụng rất tốt, chỉ một hai tuần sau hết đau bụng và kinh nguyệt cũng dần dần điều hòa trở lại. Nay tôi rất mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết thêm về tác dụng của thứ cây kỳ lạ đó.
Hoàng Thị Ngát, Lạng Sơn
Đáp:
Thứ cây mà chị hỏi còn gọi là "cỏ vùi đầu", "hồi đầu", "vạn bốc", người dân tộc Thái gọi là "hơ pỉa mến", còn "mằn tảo láy" như chị viết là cách gọi tên của người Tày. Đông y thường gọi là "thủy điền thất". Tên khoa học là Schizocapsa plantaginea Hance, thuộc họ Râu hùm (Taccaceae). Cây này mọc hoang khắp các vùng rừng núi, thường thấy ở những nơi ẩm thấp, ven bờ suối, ... có thể trồng bằng thân rễ như trồng nghệ, vào các mùa xuân, thu.
Cỏ vùi đầu cao khoảng 15-25cm. Lá mọc từ thân rễ, dài 10-25cm, rộng 2-8cm, cuống lá dài 5-7cm, phiến lá nguyên, lượn sóng men theo cuống đến tận gốc, xanh mượt, mặt trên nhẵn bóng. Cụm hoa hình tán với 6-10 hoa màu tím có cuống, trên một cán mập dẹt, cong dần xuống, dài tới 10cm, bao chung gồm 4 lá bắc màu tím. Quả nang với những hạt nhỏ hình thoi, màu nâu. Thân rễ phình to thành củ tròn hoặc hình trứng. Thân rễ mọc cong lên như ngóc đầu lên nên có tên là "hồi đầu" hoặc "vùi đầu". Củ tươi có ruột màu vàng nhạt, mùi hăng như nghệ. Củ khô có màu be nhạt, hết hăng, mùi thơm như tam thất. Để dùng làm thuốc, đào lấy củ (thân rễ) cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch, phơi hay sất khô. Khi dùng ủ cho mềm rồi thái lát, sao vàng, tán bột hoặc sắc uống.
Theo Đông y: Cỏ vùi đầu có vị đắng, tính bình. Có tác dụng bổ huyết, làm tan huyết ứ, thông kinh bế, tiêu sưng viêm, điều hòa kinh nguyệt, giúp tiêu hóa, lợi mật, nhuậng tràng. Thường dùng chữa tiêu hóa kém, đau bụng, vàng da do viêm gan siêu vi trùng, ỉa chảy, thần kinh suy nhược, huyết áp cao, đau thần kinh tọa, thấp khớp, trẻ em sốt bại liệt, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Ngày dùng 2-4g dạng thuốc viên, thuốc bột; hoặc dùng 6-12 dược liệu khô sắc uống.
Một số bài thuốc có sử dụng Cỏ vùi đầu:
(1) Chữa huyết áp cao ở phụ nữ: Hồi đầu thảo 12g, hương phụ (củ gấu) 16g; nước 600ml, sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày.
(2) Chữa phụ nữ hành kinh đau bụng: Dùng hồi đầu tán bột, mỗi ngày uống 10g, liên tục 10 ngày từ sau khi thấy kinh 2 tuần. Uống vài ba đợt thì kinh nguyệt sẽ đều, máu tốt, người béo đỏ.
(3) Chữa phụ nữ kinh bế: Dùng hồi đầu 20g bột, uống với 1 chén rượu; Hoặc dùng bột hồi đầu ngâm rượu (100g hồi đầu ngâm với 300ml rượu 36-40 độ), ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml.
(4) Chữa đau dạ dày, ăn kém tiêu, đau tức vùng thượng vị: Ngày uống 6-10g bột hồi đầu; kiêng giấm, rượu.
(5) Chữa bị thương sưng tấy, mụn nhọt: Dùng toàn bộ cây hồi đầu (cả củ và lá) chế thêm nước hoặc giấm, giã nát, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp vào chỗ đau.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.