Hỏi:
Tôi nay đã ngoài 60 tuổi, cứ tới mùa Đông là lại bị ho nhiều và rất sợ lạnh. Mới đây có ông bạn đi Quảng Châu (Trung Quốc) về mang cho thứ thuốc bổ, nói là có thể cải thiện bệnh của tôi. Thuốc có tên là "Kim thủy bảo giao nang". Tôi đọc bản giới thiệu thuốc thấy nói có tác dụng tốt đối với bệnh của mình, nhưng có một điều khiến tôi rất thắc mắc là thuốc được chế từ "Đông trùng hạ thảo nuôi trồng nhân tạo". Rất mong "Thuốc vườn nhà" tìm hiểu và thông tin biết, vì sao dược liệu đó lại có tên là "Đông trùng hạ thảo" và loại nuôi trồng nhân tạo có gì khác với loại mọc hoang dã.
Lê Minh, Ba Đình - Hà Nội
Đáp:
"Đông trùng hạ thảo" là vị thuốc Đông y rất quý và hiếm. Thuốc còn có tên là "trùng thảo" hoặc "hạ thảo đông trùng", tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sace.
Vị thuốc có tên là "đông trùng hạ thảo" là vì: Mùa đông đó là một con "sâu" (đông trùng), tới mùa hạ thì biến thành thứ "cỏ" (hạ thảo), cho nên người ta mới đặt ra cái tên lạ lùng như vậy.
Vị thuốc kỳ lạ này được nói tới sớm nhất trong sách "Bản thảo bị yếu" của Uông Ngang từ khoảng cuối thế kỷ 17. Tới cuối thể kỷ 18 được mô tả tỉ mỉ hơn trong sách "Bản thảo cương mục thập di" của Triệu Học Mẫn, nhưng chưa thể giải thích rõ vì sao con sâu lại có thể biến thành thứ cỏ. Mãi tới thế kỷ 20, bí mật này mới được khám phá. Nguyên do là đông trùng hạ thảo được tạo thành do nấm và sâu hợp sinh với nhau. Vào mùa đông, tại một số vùng núi cao (3000m trên mặt biển), loài sâu non họ Cánh bướm phải chui xuống đất để tránh rét. Sâu bị một loài nấm chui vào "ở nhờ" và hút các chất dinh dinh dưỡng trong thân sâu để sống. Sâu bị mất dần chất dinh dưỡng và chết, cuối cùng chỉ còn lại cái xác bọc ngoài. Đến mùa hạ, nấm sinh cơ chất (stroma) mọc chồi, nhô khỏi mặt đất – nhìn giống như một thứ cỏ (thảo), nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu của sâu.
Như vậy, đông trùng hạ thảo thực chất là một loài nấm mọc ra từ đầu một loài sâu. Sau tiết Hạ chí, người ta đào cả nấm và xác sâu mang về rửa sạch, phơi khô, được vị thuốc đông trùng hạ thảo.
Điều cần lưu ý để tránh nhầm lẫn là, ở nước ta tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, nhân dân hay sử dụng một loại sâu khác với cùng tên đông trùng hạ thảo. Loài sâu này sống trong thân "cây chít" (còn gọi là "cây đót", "cây le", "cây cỏng" một loại lau vẫn cho lá để gói bánh tro, bông dùng làm chổi quét bụi bàn ghế hay chổi quét vôi). Vào những tháng 11-12 ở những cây chít bị cụt ngọn, trong thân thường có những "con sâu" mà người ta gọi là đông trùng hạ thảo. Thực ra, đó chỉ mới là nhộng của loài sâu Brihaspa atrostigmella. Sâu này đẻ trứng ở vỏ cây, nhộng nở ra chui vào và sống trong thân cây qua mùa đông. Loài nhộng này có màu trắng vàng, dài khoảng 35mm. Khi khai thác người ta thả sâu vào chậu nước muối để rửa cho sạch, sau đó đem rang hay sấy khô. Tiếp theo lại tẩm mật ong rồi lại sấy khô. Cuối cùng mới ngâm sâu vào rượu để làm thuốc bổ. Trong rượu này có các chất béo nổi lên như mỡ, giống như trong nước luộc gà.
Đông trùng hạ thảo Việt Nam mặc dầu là loài khác nhưng trong dân gian cũng dùng như đông trùng hạ thảo nhập từ Trung Quốc, còn tác dụng trên thực tế ra sao chưa thấy ai nghiên cứu xác minh. Ngoài ra, đông trùng hạ thảo Việt Nam còn dùng để chế biến thức ăn, thường là xào với trứng để ăn cho bổ, có người lại mua về làm thức ăn nuôi chim họa mi.
Theo Đông y: Đông trùng hạ thảo (Trung Quốc) có vị ngọt, tính ấm (ôn), vào 2 kinh phế và thận. Có tác dụng ích phế, thận, bổ tinh tủy, cầm máu, hóa đàm (tiêu đờm), dùng chữa hư lao sinh ho, ho ra máu, liệt dương, lưng gối đau mỏi, di tinh.
Theo các nghiên cứu hiện đại: Thành phần hóa học và tác dụng dược lý của đông trùng hạ thảo nuôi cấy nhân tạo tương tự như đông trùng hạ thảo thiên nhiên, nên được khuyến cáo sử dụng để thay thế cho đông trùng hạ thảo thiên nhiên.
Thuốc "Kim thủy bảo giao nang" có trong danh mục thuốc của Dược điển Trung Quốc (Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc dược điển), được chế từ nấm đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong điều kiện nhân tạo, tán thành bột mịn đóng vào viên nang, mỗi viên có trọng lượng 0,33g. Tác dụng theo Đông y: Bổ ích phế thận, bết tinh ích khí. Dùng cho trường hợp phế thận lưỡng hư (hai tạng phế và thận đều suy hư), tinh khí bất túc, cửu khái hư suyễn (ho suyễn lâu ngày do cơ thể suy nhược), dương nuy tảo tiết (liệt dương, xuất tinh sớm), ... Kết quả nghiên cứu dược lý cho thấy "Kim thủy bảo giao nang" có tác dụng giảm mỡ máu và phòng ngừa xơ cứng động mạch, tăng lượng máu cung cấp cho cơ tim và các tổ chức trong não bộ, hạ huyết áp, ức chế sự tụ tập tiểu cầu, chống rối loạn nhịp tim, chống viêm, giảm ho, điều tiết chức năng miễn dịch, bảo vệ gan, xúc tiến hoạt động tuyến sinh dục.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.