Hỏi:
Gần đây tôi có nghe một số người nói ăn đào thường xuyên có thể làm suy yếu khả năng sinh lý của đàn ông và làm giảm hoạt tính của tinh trùng. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết thực tế có đúng như vậy không?
ĐG, Đường Lê Duẩn, TP. Hà Nội
Đáp:
Đào là thứ trái cây rất quen thuộc và cũng là một vị thuốc được sử dụng trong Đông y từ lâu đời.
Theo Đông y: Quả đào (đào tử) có vị chua, ngọt, tính ấm. Có tác dụng tiêu thử (trừ nóng), chỉ khát (chống khát), hoạt huyết (thúc đẩy sự tuần hoàn của huyết dịch), tiêu tích (làm tan các khối u). Thường dùng để chữa chứng "huyết táo tiện bí" (táo bón do huyết táo), phụ nữ bế kinh, can tỳ thũng đại (xơ gan cổ trướng), cao huyết áp, ... Ngoài ra, y gia thời xưa còn cho rằng đào là loại quả có tác dụng nhuận Phế (tưới nhuần tạng Phế) rất tốt, người mắc các chứng bệnh ở tạng Phế nên sử dụng nhiều, do đó đào còn được gọi là "thứ quả của tạng Phế" (phế chi quả).
Theo các nghiên cứu hiện đại: Thành phần các chất dinh dưỡng trong quả đào rất phong phú và đa dạng. Ngoài hàm lượng lớn các loại đường như saccharose, glucose và fructose, còn chứa nhiều loại chất khoáng, vitamin và các acid hữu cơ. Hàm lượng sắt trong thịt quả đào tương đối cao nên đào là thứ trái cây lý tưởng đối với những người bị bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ra trái đào còn là một loại "thuốc lợi tiểu thiên nhiên" tuyệt diệu do có hàm lượng Kali cao còn hàm lượng Natri lại thấp, người bị mắc các chứng phù thũng nên dùng thường xuyên.
Với những tính năng và tác dụng như trên, trái đào khó có thể gây tổn hại đối với chức năng sinh dục ở nam giới. Trong các tài liệu về thuốc và dinh dưỡng của Đông y, với mỗi vị thuốc và mỗi loại thức ăn đều có đề cập tới vấn đề kiêng kỵ. Trong những tài liệu mới nhất mà chúng tôi cập nhật cũng không thấy nói tới vấn đề khiến bạn băn khoăn.
Với quả đào, hiện tại chỉ thấy giới chuyên môn nói tới 4 vấn đề kiêng kỵ như sau:
(1) Không nên ăn những quả đào có 2 hạt. Quả đào có 2 hạt theo quyển thứ 7 trong sách "Thực kinh": Quả đào có 2 hạt có độc, không được ăn; ăn vào có thể gây nên những triệu chứng trúng độc như đau bụng, ỉa chảy.
(2) Khi ăn ba ba và uống những loại thuốc Đông y có vị bạch truật, không nên ăn đào. Sách "Nhật dụng bản thảo" viết: "Đào dữ miết nhục đồng thực hoạn tâm thống, phục truật nhân kỵ chi" - nghĩa là khi ăn thịt ba ba và sử dụng vị thuốc bạch truật, không nên ăn đào.
(3) Khi sử dụng các vị thuốc hạ nhiệt như aspirin, brufen không nên ăn đào. Khi dùng các loại thuốc hạ nhiệt như aspirin, brufen không nên sử dụng những thức ăn chứa nhiều chất đường vì thuốc hạ nhiệt cùng với những thức ăn nhiều đường sẽ kết hợp thành những hợp thể làm giảm tốc độ hấp thụ thuốc trong giai đoạn đầu. Đào là loại trái cây có hàm lượng đường cao vì vậy không nên ăn khi đang sử dụng các loại thuốc hạ nhiệt nói trên.
(4) Khi sử dụng loại thuốc glucocorticoid không nên ăn đào. Thuốc glucocorticoid có tác dụng ức chế sự phân giải đường. Khi đang sử dụng glucocorticoid nếu ăn những thức ăn nhiều đường, có thể làm cho đường huyết tăng nhanh chóng, rất dễ dẫn đến đái tháo đường. Đào là loại trái cây có lượng đường cao nên khi đang uống glucocorticoid thì không nên ăn.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcchung toi nghe hop ly va co the chung toi muon biet them thong tin va cam on nha dong y