Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Bạch truật chữa kém ăn, tiêu chảy

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 19/12/2011 08:51 CH

Hỏi:

Trong các đơn thuốc Đông y, tôi thấy các thầy thuốc rất hay sử dụng vị thuốc "bạch truật". Xin cho biết, bạch truật là vị thuốc Nam hay thuốc Bắc, có những tác dụng gì? Gần đây tôi ăn uống giảm sút và hay bị đầy bụng, ỉa lỏng, có sử dụng bạch truật được không?

Phạm Đình Bân, q. Tân Bình, TP. HCM

Đáp:

IMG

Bạch truật là một vị thuốc bổ kinh điển, đồng thời là một trong số các vị thuốc thường hay được sử dụng nhất trong các bài thuốc Đông y. Tác dụng chữa bệnh của bạch truật được ghi lại sớm nhất trong "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y học, viết cách nay đã 2000 năm.

Cây bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.) mọc hoang và được trồng làm thuốc ở Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, ... Vị thuốc "bạch truật" là thân rễ phơi hay sấy khô của cây bạch truật.

Như vậy, nói bạch truật là thuốc Nam hay thuốc Bắc đều đúng.

Trong Đông y, bạch truật được xếp vào nhóm thuốc "bổ khí" cùng với những vị thuốc bổ quen thuộc khác như "nhân sâm", "đảng sâm", "hoàng kỳ", "sơn dược" (củ mài), "đại táo" (táo tầu), "cam thảo", ...

Theo Đông y: Bạch truật có vị đắng ngọt (khổ, cam), tính ấm (ôn), vào hai kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng bổ khí kiện tỳ (tăng lực và chức năng tiêu hoá), táo thấp lợi thủy (trừ thấp lợi niệu), chỉ hãn (cầm mồ hôi), an thai. Dùng chữa tỳ hư trướng mãn (bụng căng đầy do tiêu hóa yếu), tiết tả, thủy thũng, thai khí không yên, ...

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, bạch truật có những tác dụng chính như sau:

    1. Bổ ích cường tráng: Tăng thể trọng và sức chịu đựng của cơ thể, xúc tiến quá trình tổng hợp protein ở ruột non, làm tăng cao IgG trong huyết thanh, tăng cường hoạt tính thực bào của hệ thống tế bào lưới, tăng cường chức năng miễn dịch của tế bào, tăng lượng bạch cầu;

    2. Nước sắc bạch truật có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa sự giảm sút glycogen ở gan, tăng tiết mật;

    3. Hạ đường huyết, chống đông máu, giãn mạch, hạ huyết áp;

    4. Lợi niệu, do bạch truật có tác dụng ức chế tiểu quản thận tái hấp thu nước, tăng bài tiết natri (Na);

    5. Chống loét;

    6. Chống ung thư.

Nghị kỵ: Bạch truật là vị thuốc có tính ôn táo (khô, ấm), nên đối với những bệnh nhân "âm hư nội nhiệt" (nóng trong do âm dịch hư tổn) cần thận trọng trong khi sử dụng. Trường hợp đầy bụng do khí trệ, ngực bụng đầy tức, nếu dùng bạch truật cần cho thêm những vị thuốc hành khí như "mộc hương", "trần bì", "sa nhân", ...

Một số bài thuốc có sử dụng bạch truật:

    (1) Cao bạch truật: Bạch truật 6kg, cho vào nồi đất hay đồ sành, sắt tráng men, đổ ngập nước, nấu cho cạn còn một nửa, gạn lấy nước, thay nước mới, làm như vậy 3 lần rồi hợp cả 3 nước cô đặc thành cao. Ngày uống 2-3 thìa. Tác dụng: Bổ dưỡng, tăng cường chức năng tiêu hóa, chữa đi ỉa lỏng.

    (2) Lý trung thang: Đảng sâm 12g (hoặc nhân sâm 6g), bạch truật 12g, can khương 8g, cam thảo 6g, nấu với 1500ml nước, sắc còn 600ml, chia ra 3 lần uống trong ngày, uống ấm. Tác dụng: Chữa tiêu chảy kéo dài, người mệt mỏi, kém ăn.

    (3) Bạch truật ẩm: Bạch truật 12g, phòng phong 10g, mẫu lệ 24g. Nấu với 1500ml nước, sắc còn 600ml, chia ra 3 lần uống trong ngày. Tác dụng: Chữa mồ hôi ra nhiều do khí hư (chứng "tự hãn").

    (4) Chữa trẻ nhỏ nước rãi ra nhiều: Dùng bạch truật 10g, thái nhỏ, cho vào chén nhỏ, đổ ngập nước, chưng lên, thêm chút đường cho đủ ngọt, chắt lấy nước uống dần trong ngày. Hoặc dùng bạch truật 6g, đập vụn, cho vào chén nhỏ, thêm nước và mật ong, đặt vào nồi cơm hấp chín, chia ra 3 lần ăn trong ngày.

    (5) Phòng sảy thai do khí huyết bất túc: Dùng bạch truật 12g, đảng sâm 10g, hoàng kỳ 15g, hồng táo (táo tầu) 15g, gạo nếp 50g. Sắc 4 vị thuốc, bỏ bã chắt lấy nước, để riêng. Gạo nếp vo sạch đem nấu cháo, khi cháo chín cho nước thuốc vào trộn đều, đun sôi lại là được. Chia ra ăn trong ngày.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]