Hỏi:
Gần đây tôi được người bạn cho một đơn thuốc chữa đái buốt, trong đó có vị thuốc tên là "đạm trúc diệp". Rất mong "Thuốc vườn nhà" trả lời cho biết vị thuốc đó có phải là lá tre (hoặc lá trúc) hay không? Nếu không phải như vậy, xin cho biết cây đạm trúc diệp có hình dạng như thế nào, mọc ở đâu, có tác dụng gì?
Ngô Thanh Sơn, Quảng Nam
Đáp:
Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Đỗ Tất Lợi: "Đạm trúc diệp" tuy còn có các tên gọi khác là "trúc diệp" (có nghĩa là lá tre, lá trúc), "toái cốt tử", "trúc diệp mạch đông", "mễ thân thảo", "sơn kê mễ", nhưng trên thực tế đó là một cây khác với tên khoa học là Lophatherum gracile Brongn., thuộc họ Lúa. Vị thuốc "đạm trúc diệp" trong đơn thuốc của bạn chính là cây này.
Cũng cần lưu ý thêm là đôi khi tên "đạm trúc diệp" còn dùng để chỉ lá của một loại tre được sử dụng để chữa sốt, khát nước, thổ huyết, cảm cúm. Ngoài ra tại một số tỉnh ở Trung Quốc còn dùng một loài "thài lài trắng" tên khoa học là Commelina communis L. với tên "đạm trúc diệp".
Đạm trúc diệp là một loại cỏ sống lâu năm, có rễ phình thành củ, nhiều nhánh, cứng. Thân cao 0,6-1,5m, mọc thẳng đứng, đốt dài. Lá mềm, hình mác dài nhọn, dài 10-15cm, rộng 2-3cm; những lá phía trên lơ thơ, ở mặt trên có ít lông, mặt dưới nhẵn; cuống lá gầy tiếp liền với bẹ dài, ôm lấy thân. Hoa mọc thành chùy thưa, dài 15-45cm, bông nhỏ dài 7-12mm. Quả hình thoi dài chừng 4mm, nằm tự do trong mày nhỏ.
Đạm trúc diệp mọc hoang ở khắp nơi tại nước ta, nhiều nhất ở những rừng thưa và đồi cỏ. Vào tháng 5-6 cuối mùa hoa, người ta hái toàn bộ cây mang về cắt bỏ rễ con, bó thành từng bó nhỏ, phơi hay sấy khô. Vị thuốc nhiều khi còn có cả rễ con và đôi khi cả cụm hoa.
Theo Đông y, đạm trúc diệp có vị ngọt, nhạt, tính hàn, vào 2 kinh Tâm và Tiểu trường. Có tác dụng lợi tiểu tiện, thanh tâm hỏa, trừ phiền nhiệt. Dùng chữa tâm phiến, tiểu tiện đỏ, tiểu tiện khó khăn. Trong dân gian thường dùng làm thuốc chữa sốt, thông tiểu.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.