Hỏi:
Cách đây không lâu, đầu ngón tay trỏ của tôi bị sưng vù, đau không sao chịu nổi. Tôi đang chuẩn bị vào bệnh viện, thì một cụ già hàng xóm sang chơi, bảo hái nắm lá cây hoa bóng nước, giã đắp sẽ đỡ. Tôi làm thử, thấy rất kỳ diệu: Sau một lúc đã thấy đỡ đau, đắp thêm vài lần thì ngón tay hết sưng. Tôi viết thư này tới "Thuốc vườn nhà" mong được chia sẻ kinh nghiệm quý này cùng các bạn đọc khác, đồng thời mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu thêm về tác dụng của cây hoa bóng nước.
Nguyễn Văn Bình, Hà Nội
Đáp:
Cây hoa bóng nước mọc hoang và được trồng làm cảnh tại nhiều vườn ở khắp nước ta. Cây còn có tên là "bông móng tay", "nắc nẻ", "móng tay lồi", "phượng tiên hoa", "cấp tính tử", ... tên khoa học là Impatiens balsamina L..
Cây bóng nước là loài cỏ mọc hàng năm, có thể cao tới khoảng 0,5m. Lá mọc so le, có cuống, hình mác, đầu nhọn, mép có răng cưa rất rõ, dài 7-8cm, rộng 2-2,5cm. Hoa mọc ở nách lá, lưỡng tính, màu đỏ, hồng, hay trắng, tùy loài. Lá đài dưới có cánh dài, không đều. Lá đài trước hình cựa. Hoa có 5 cánh to, dính nhau ở gốc; 5 nhị; chỉ nhị ngắn, bao phấn dính sát nhau chung quanh nhụy; 5 lá noãn họp thành bầu thượng 5 ô, mỗi ô đựng nhiều noãn. Quả nang, có lông, đụng vào là vỡ thành nhiều mảnh và tung hạt ra mạnh.
Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc. Dân gian thường dùng thân, cành, lá và hoa. Còn Đông y sử dụng thêm cả rễ và hạt. Cây bóng nước được ghi trong "Bản thảo cương mục" với tên "phượng tiên". Hạt bóng nước được ghi trong "Cứu hoang bản thảo" với tên "cấp tính tử".
Theo Đông y:
- Toàn cây (thân, cành, lá, hoa): Có vị cay, tính ôn, hơi có độc; có tác dụng khử phong thấp, hoạt huyết, chỉ thống; thường dùng chữa phong thấp, bị thương sưng đau, rắn rết cắn. Ngày uống 4-12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng. Sách cổ nói phụ nữ có thai không dùng được.
- Hạt (cấp tính tử): Có vị hơi dắng, tính ôn, hơi có độc; vào 2 kinh Can và Tỳ; có tác dụng giáng khí, hành ứ, thường dùng chữa kinh nguyệt bế tắc, đẻ khó, nấc nghẹn, hóc xương. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 4-6g dưới dạng thuốc bột hay viên.
Do cây hơi có độc, nên khi dùng uống trong, nhất thiết cần có sự hướng dẫn và theo dõi của thầy thuốc. Vì vậy, chúng tôi chỉ giới thiệu thêm với bạn một số cách sử dụng bên ngoài:
(1) Chữa phong thấp khớp xương đau nhức: Dùng cành lá bóng nước tươi; sắc nước ngâm rửa hoặc giã nát đắp vào chỗ đau.
(2) Chữa tràng nhạc, phát bối: Dùng lá bóng nước tươi, giã đắp, ngày thay thuốc 2-3 lần.
(3) Chữa viêm móng tay, sưng đau: Dùng lá bóng nước tươi 1 nắm, rửa sạch, giã nát đắp, băng cố định, ngày thay thuốc 2 lần. Một số người còn trộn với đường đỏ cùng giã nát đắp.
(4) Chữa nga trưởng phong: Dùng lá hoặc hoa bóng nước tươi, xát vào chỗ bị bệnh, ngày xát 4-5 lần.
(5) Chữa thối móng tay (khôi chỉ giáp): Dùng hoa bóng nước tươi, giã đắp.
(6) Chữa đòn ngã tổn thương, sưng đau, vết thương lở loét: Dùng rễ bóng nước, giã đắp.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.