Hỏi đáp

Cách dùng thuốc Nam chữa táo bón

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 17/07/2012 12:55 SA

Hỏi:

Mấy tháng gần đây, cháu rất thường hay bị táo bón. Cháu đã ăn nhiều rau, hoa quả tươi và uống nhiều nước, nhưng không thấy đỡ. Nay cháu mạnh dạn viết thư này, rất mong được "Thuốc vườn nhà" đáp ứng yêu cầu, hướng dẫn cho cháu phương pháp sử dụng những vị thuốc Nam sẵn có ở quanh nhà để chữa trị chứng bệnh táo bón.

Trần Kim Giao, Yên Mô, Ninh Bình

Đáp:

 khoai lang

Muốn sử dụng thuốc Nam một cách có hiệu quả, cần tuân thủ nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y học, nghĩa là: Căn cứ vào những chứng trạng, biểu hiện cụ thể của bản thân, để nhận biết chính xác "loại hình bệnh" (thường gọi là "thể bệnh"), trên cơ sở đó mà lựa chọn phép chữa, cũng như các vị thuốc, bài thuốc thích hợp.

Chứng đại tiện táo bón, Đông y học gọi là "tiện bí". Trên thực tế, bệnh thường chia thành một số loại hình - thể bệnh dưới đây, để tiến hành "Biện chứng luận trị:

1. Thể nhiệt kết ở đại tràng:

    - Biểu hiện (triệu chứng): Bụng đầy tức khó chịu, hơi thở hôi và nóng, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch hoạt thực (trơn, mạnh). Dạng này thường gặp ở những người khỏe mạnh, thể chất thiên nhiệt hoặc thường ngày ăn nhiều thứ cay nóng, khiến tân dịch bị khô cạn mà gây nên táo bón.

    - Phép chữa: Thanh nhiệt và nhuận tràng.

    - Bài thuốc Nam thường dùng: Vỏ đại 40g, phèn chua 8g, nước mía 300ml.

    - Cách chế và dùng: Vỏ đại cạo bỏ vỏ ngoài, thái nhỏ, sao vàng, tán thành bột mịn; phèn chua để sống, nghiền thành bột mịn; nước mía cô đặc; tất cả trộn đều, hoàn thành viên nặng 0,5g; ngày uống 1 lần, mỗi lần 3-4 viên, uống vào lúc sáng sớm hoặc tối trước khi đi ngủ; thấy đi đại tiện đã bình thường thì ngừng.

    - Hoặc còn có thể dùng vỏ đại 12g, sao vàng, sắc lấy nước đặc, chia ra 2-3 lần uống trong ngày.

2. Thể khí trệ:

    - Biểu hiện (triệu chứng): Đại tiện bí kết, muốn đi mà phân không ra được, bụng dưới đau tức, ăn ít, ợ hơi liên tục, nôn oẹ; lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền (căng như dây đàn).

    - Phép chữa: Thuận khí hành trệ (Thuận khí, tiêu tích trệ).

    - Bài thuốc Nam thường dùng: Lá muồng trâu 200g, hạt cau 40g, vỏ rụt 40g, chỉ thực 30g, ô dược 30g, vừng 100g, đường kính 200g.

    - Cách chế và dùng: Lá muồng trâu giã vắt lấy nước cốt, đun sôi, cho đường vào cô lại thành cao lỏng; các vị thuốc còn lại đem tán thành bột mịn, trộn với cao, làm thành viên bằng hạt đậu xanh; mỗi ngày uống 6-10g, vào sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ; uống liên tục cho đến khi đại tiện hết táo bón thì ngừng.

    - Còn có thể dùng lá muồng trâu 20g, hạt cau 4g, vỏ rụt 4g, ô dược 3g, chỉ thực 3g, vừng 10g; sắc nước uống trong ngày.

3. Thể khí hư:

    - Biểu hiện (triệu chứng): Đại tiện phải rặn nhiều đến vã mồ hôi, sau khi đi đại tiện người mệt lả, mặt nhợt, hơi thở yếu, vã mồ hôi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi nhờn mỏng, mạch hư nhuyễn (nhỏ, căng). Dạng này thường do Tỳ khí và Phế khí suy yếu, dẫn đến sự bài tiết phân khó khăn.

    - Phép chữa: Ích khí nhuận tràng.

    - Bài thuốc Nam thường dùng: Rễ cây vú bò (tẩm mật sao vàng), vừng đen (sao chín) 40g, trần bì (sao) 20g, hạt tía tô (sao) 20g, đường vừa đủ.

    - Cách chế và dùng: Tất cả các vị thuốc tán thành bột mịn, trộn đều với đường (hoặc vê thành viên); ngày uống 1 lần, mỗi lần 8-12g, vào lúc sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

    - Còn có thể giảm bớt lượng thuốc (còn 1/10), sắc nước uống trong ngày.

4. Thể huyết hư:

    - Biểu hiện (triệu chứng): Đại tiện bí kết, người gầy, môi trắng nhợt, chóng mặt, hoa mắt, tim hồi hộp, miệng khô ráo, lưỡi rạn, chất lưỡi đỏ nhạt, mạch vi tế (nhỏ yếu).

    - Phép chữa: Dưỡng huyết nhuận táo.

    - Bài thuốc Nam thường dùng: Sinh địa 100g, đào nhân (nhân hạt đào) 50g, vừng 50g, trần bì 30g, rau sam 200g, đường vừa đủ.

    - Cách chế và dùng: Sinh địa và rau sam giã nhuyễn, thêm chút nước vào vắt lấy nước cốt, thêm đường vào cô lại thành cao lỏng; các vị thuốc còn lại tán thành bột mịn, trộn với cao hoàn thành viên 0,5g; uống ngày 1 lần, mỗi lần 8-12g, vào lúc sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

    - Còn có thể giảm bớt lượng thuốc (còn 1/10), sắc nước uống trong ngày.

5. Món ăn - Bài thuốc: Ngoài việc sử dụng các bài thuốc, đối với tất cả các loại hình trên, có thể sử dụng thêm các món ăn có tác dụng hỗ trợ điều trị như sau:

    (1) Khoai lang: Củ khoai lang đem rửa sạch, luộc chín, ăn củ và uống cả nước luộc khoai; hoặc dùng lá khoai lang luộc hoặc xào chín, ăn với cơm hàng ngày.

    (2) Khoai tây: Củ khoai tây rửa sạch, thái nhỏ, thêm chút nước đã đun sôi vào giã nát, vắt lấy nước cốt, sau đó thêm mật ong vào trộn đều (lượng mật ong bằng lượng nước khoai tây); mỗi ngày uống 2 lần (buổi sáng và buổi tối lúc đói bụng), mỗi lần một chén con (khoảng 20ml).

    (3) Chuối tiêu: Hàng ngày trước bữa cơm ăn 1-2 quả chuối tiêu; hoặc dùng 500g chuối tiêu, bóc vỏ, thêm đường vào nấu thành chè, ăn ngày 1-2 lần.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]