Hỏi:
Gần
đây, khi đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ phát hiện tôi hơi bị thừa cân
và tăng mỡ máu. Có người mách, dùng chè đắng có thể cải thiện được
những bệnh kể trên. Tuy nhiên, trước khi áp dụng tôi rất mong được
"Thuốc vườn nhà" cho biết, với những trường hợp nào, thì không nên sử
dụng chè đắng?
Trần Thị Mai, Đống Đa, Hà Nội
Đáp:
Trà
đắng mới xuất hiện trên thị trường nước ta khoảng 20 năm trước, nhưng
đã nhanh chóng trở thành một loại nước uống "thời thượng", nhờ tác dụng
phòng trị nhất định đối với các loại "bệnh thời đại", như mỡ máu cao,
béo phì, tăng huyết áp, ... Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên một số
phương tiện truyền thông, có người đã cảnh báo, nếu sử dụng trà đắng làm
nước uống hàng ngày, giống tập quán dùng chè xanh, nước vối, ... thì có
thể dẫn đến những tác dụng phụ có hại, như dị ứng, nhiễm độc gan, viêm
gan, vô sinh, thậm chí tử vong, ...
Vậy thì, trên thực tế thực hư thế nào?
Trà
đắng sử dụng ở nước ta, chủ yếu được chế biến từ lá non của cây chè
đắng Cao Bằng, đồng bào địa phương gọi đó là "ché khôm". Trà đắng còn có
tên là "trà đinh", vì lá chè hái về, thường được cuộn nhỏ lại như cái
đinh. Tại Trung Quốc, trà đắng được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước, gọi
là "khổ đinh trà" ("khổ" = đắng, "đinh" = cái đinh). Tác dụng trị liệu
của khổ đinh trà được ghi chép đầu tiên trong sách "Bản thảo phùng nguyên"
do Trương Lộ biên soạn, ấn hành năm 1695. Khổ đinh trà ở Trung Quốc
được chế biến từ lá và búp của nhiều loài cây khác nhau, nguồn gốc khá
phức tạp, chủ yếu từ hai loài cây: Thứ nhất là cây "câu cốt", tên khoa
học là Ilex cornuta Lindl. ex Paxt; thứ hai là cây "đại diệp đông
thanh", tên khoa học là Ilex latifolia Thunb.
Chè đắng Cao Bằng cũng là một loài thuộc chi Ilex, tên khoa học là là Ilex kaushue S.Y. Hu, thuộc họ Trâm bùi (Aquifoliaceae).
Chi
Ilex trên thế giới có khoảng 400 loài, ở Việt Nam có 40 loài, phân bố
từ Nam ra Bắc. Tại Cao Bằng, chè đắng phân bố ở các huyện Hạ Lang, Thạch
An, Quảng Hòa, Nguyên Bình, ... Ngoài ra, chè đắng Cao Bằng (Ilex
kaushue S.Y. Hu) còn phát hiện ở Sa Pa (Lào Cai), Lạt Thủy (Hòa Bình ),
Vườn Quốc Gia Cúc Phương (Ninh Bình), ...
Chè đắng Cao Bằng là
loài cây bản địa, thuộc loại cây gỗ to, cao 10-15m; có những cây cổ
thụ, đã trên trăm tuổi, cao hơn 20m, đường kinh thân gốc tới 120cm. Hiện
nay, trà đắng đang được phát triển trồng và khai thác mạnh, tiêu thụ
chủ yếu ở trong nước, còn xuất khẩu bán ở nhiều nơi. Riêng Công ty chè
đắng Cao Bằng, cũng đã sản xuất ra nhiều loại sản phẩm như chè búp xoắn,
chè tan, chè túi lọc, cốm trà đắng, ...
Theo Đông y:
Trà đắng có vị khổ cam (đắng ngọt), tính đại hàn (rất lạnh); vào 3 kinh
Can, Phế và Vị. Có tác dụng tán phong nhiệt (giải nhiệt), thanh đầu mục
(tỉnh táo đầu óc), trừ phiền khát. Dùng chữa đau đầu, đau răng, đau mắt
đỏ, ù tai, nặng tai, kiết lỵ, ...
Kết quả nghiên cứu tại một số cơ quan ở nước ta như Viện dược liệu, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Y Thái Nguyên, ... cho thấy:
Trà đắng Cao Bằng có tác dụng phòng ngừa cao huyết áp, hạ mỡ máu, trợ
tim, an thần, sát khuẩn, chống viêm, bảo vệ gan, giải độc, lợi mật, lợi
tiểu, kích thích tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, ...
Tuy
nhiên, trà đắng vẫn là một vị thuốc. Mà đã là thuốc, ắt có phần độc
(dược hữu tam phân độc), nên khi sử dụng cũng có những nghi kỵ nhất
định.
Như trên đã nói, theo quan điểm về dược lý của
Đông y, trà đắng là loại thuốc có vị đắng và rất lạnh (đại hàn); thuộc
nhóm thuốc "thanh nhiệt tả hỏa", nên dễ gây tổn thương dương khí và ảnh
hưởng xấu đến chức năng tiêu hóa của tỳ vị. Do đó, một số trường hợp và
đối tượng sau đây, nói chung không nên dùng chè đắng:
1. Bị cảm lạnh:
Mùa Đông là giai đoạn dễ bị cảm lạnh. Người bị cảm lạnh nên sử dụng
những loại thức ăn và đồ uống có tính ôn nhiệt (ấm nóng) như gừng, quế,
tía tô, kinh giới, ... để có thể trừ khử khí lạnh trong cơ thể. Nếu bị
cảm lạnh, mà lại uống trà đắng, ắt sẽ cản trở quá trình phát tán phong
hàn; sẽ khiến bệnh kéo dài, hoặc có thể dẫn đến những biến chứng ngoài
sự mong muốn.
2. Người tạng hàn (thể chất hư hàn): "Hư
hàn" còn gọi là "dương hư". Đó là tình trạng dương khí của cơ thể bị
thiếu hụt, quá trình chuyển hóa, sưởi ấm, hóa sinh, phòng vệ, ... đều bị
giảm sút ở mức độ nhất định. Đặc điểm nổi bật nhất của người tạng hàn
(thể chất hư hàn) là rất sợ lạnh; mùa đông là chân tay lạnh ngắt. Ngoài
ra còn thường có những biểu hiện như tinh thần uể oải, người mệt mỏi,
sắc diện nhợt nhạt, vã mồ hôi (tự hãn), tiểu tiện trong dài, đại tiện
lỏng nhão, đau bụng ỉa chảy; chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng nhớt, ...
Người tạng hàn nên sử dụng nhiều những loại thứ ăn ấm nóng, như thịt dê,
thịt chó, ... cũng vẫn không sợ bị "bốc hỏa". Thế nhưng, sau khi uống
trà đắng vào, thì cảm giác sợ lạnh sẽ tăng lên nhiều; nói chung không có
lợi đối với việc cải thiện thể chất. Thậm chí, mỗi khi uống vào, là sẽ
bị đau bụng ỉa chảy.
3. Viêm dạ dày, người già và trẻ nhỏ: Nói
chung, ở những người bị viêm dạ dày - ruột mạn tính, thường có những
biểu hiện mà Đông y gọi là "tỳ vị hư hàn", khi bụng bị nhiễn lạnh hoặc
ăn loại thức có tính hàn lương, rất dễ bị đau bụng ỉa chảy. Uống trà
đắng, sẽ khiến các chứng trạng hư hàn càng thêm trầm trọng. Người cao
tuổi dương khí đã suy, hoặc trẻ nhỏ dương khí vẫn còn non nớt, nói chung
không nên uống trà đắng; vì uống trà đắng vào, dễ dẫn đến những tác
dụng phụ bất lợi, như rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng ỉa chảy.
4. Phụ nữ đang hành kinh:
Cơ thể phụ nữ trong thời gian hành kinh, đang ở trong trạng thái mất
máu, sức đề kháng của cơ thể những ngày này nói chung giảm xuống. Nếu
uống trà đắng, một loại nước uống có tính đại hàn, dễ dấn tới tình trạng
khí huyết ngưng kết, kinh huyết khó bài xuất ra ngoài, gây nên thống
kinh (đau bụng khi hành kinh), thậm chí có thể gây rối loạn kinh nguyệt.
Còn những phụ nữ bị mắc bệnh thống kinh, ngay cả trong những ngày bình
thường, khi không có kinh, nói chung cũng không nên sử dụng trà đắng.
5. Sản phụ mới sinh đẻ:
Phụ nữ vừa mới sinh con, cơ thể còn đang suy nhược, nói chung nên dùng
nhiều thức ăn hoặc vị thuốc có tính ôn bổ. Trà đắng có tính đại hàn,
không những không có lợi đối với sự phục hồi của tử cung, mà còn có thể
gây tổn thương tỳ vị (chức năng tiêu hóa). Rất dễ dẫn đến tình trạng
bụng lạnh đau triền miên, rất khó chữa khỏi.
Cuối cùng, cũng nên lưu ý thêm một điều, theo "Trung Dược đại từ điển",
thực nghiệm trên động vật cho thấy, khổ đinh trà (trà đắng) có tác dụng
chống thụ thai ở chuột, với hiệu suất lên tới 80-90%. Do đó chị em phụ
nữ đang có thai hoặc chuẩn bị có con, tốt nhất là không nên sử dụng.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
2 Ý kiến bạn đọcHiện tại Tôi đang sử dụng cây Trà đắng trong vườn nhà để làm nước uống hàng ngày. Nhưng sau khi đọc bài viết trên tôi thấy lo lắng liệu mình có nên sử dụng nó hàng ngày không. Qua sử dụng tôi thấy ngủ tốt hơn, giấc ngủ sâu hơn,tiêu hóa tốt, trong người thấy sảng khoái, không thấy có biểu hiện đau bụng hoặc ỉa chảy.Đối với chị em phụ nữ trọng độ tuổi sinh đẻ thì không nên sử dụng. Đọc bài viết của Lương y Huyên Thảo tôi thấy rất bổ ích và cũng là tư liệu để tham khảo, cảm ơn tác giả.
Hiện nay tôi đang sử dụng lá chè đắng(trồng ở vườn nhà) để giảm cân, giảm mỡ trong máu và để chữa gan nhiễm mỡ. Tôi dùng từ 10 đến 15 lá tươi mỗi ngày. Tôi đun sôi khoảng 8 đến 10 phút rồi uống trong ngày. Khi uống tôi cũng rất băn khoăn không biết có lợi hay hại?Lúc đầu tôi thấy ngủ được, tiêu hóa tốt, trong người thoải mái, còn việc đi thử máu để kiểm tra mỡ máu và mỡ gan thì tôi chưa đi. Có người nói chè đắng chữa tiểu đường rất tốt, không biết có đúng không? Ai đã uống mách tôi cách sử dụng và hiệu quả của việc sử dụng mách giùm với,xin cảm ơn. Còn bài viết trên tôi xin cảm ơn nha. Tôi lấy đó là tư liệu để tham khảo.