Hỏi:
Mấy năm trước, tôi được một người bạn cho một cây trắc bách diệp để trồng ở trước sân làm cảnh. Nay cây đã lớn, cành lá xum xuê và bắt đầu ra quả. Có người đến chơi nói, cây này có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Vậy, rất mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, cây trắc bách diệp có thể sử dụng để chữa những bệnh gì, cách sử dụng cụ thể ra sao? Tôi xin cảm ơn trước và hy vọng sớm được hồi âm.
Nguyễn Đình Minh, Hội Người cao tuổi, Hà Nội
Đáp:
Trắc bách diệp là loài cây rất đẹp, xanh tốt quanh năm; thường được trồng để làm cảnh và làm thuốc; lá trắc bách diệp và hạt trắc bách diệp (bá tử nhân) đã được sử dụng làm thuốc trong Đông y từ thời xa xưa.
Lá trắc bách diệp có thể hái quanh năm, nhưng tốt nhất từ tháng 9 đến tháng 11 (hái cả cành, cắt bỏ cành to, phơi khô trong bóng mát, cất đi dùng dần). Còn hạt trắc bách diệp (bá tử nhân) thu hái vào mùa thu, mùa đông (phơi khô, xát bỏ vẩy ngoài, rồi lấy hạt phơi khô).
Theo Đông y:
- Lá trắc bách diệp: Có vị đắng, chát, hơi lạnh; vào 3 kinh Phế, Can và Đại tràng. Có tác dụng lương huyết, sát trùng, cầm máu, thanh thấp nhiệt, làm đen râu tóc, ... Thường được sử dụng chữa thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi, máu cam), khái huyết (ho ra máu), tiện huyết (đại tiện ra máu), băng lậu hạ huyết, tóc rụng và tóc bạc sớm do huyết nhiệt.
- Hạt trắc bách diệp (bá tử nhân): Có vị ngọt, tính bình; vào 3 kinh Tâm, Thận và Đại tràng. Có tác dụng dưỡng tâm an thần, nhuận tràng thông tiện, giải độc trừ ban. Dùng chữa hồi hộp mất ngủ, hay quên, da khô tóc rụng, mồ hôi ra nhiều, đại tiện táo bón.
"Thuốc vườn nhà" xin giới một số ứng dụng cụ thể:
(1) Chữa xuất huyết: Lá trắc bách diệp, tẩm giấm gạo, sao đen, tán thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 8-12g bột thuốc, chiêu thuốc bằng nước sôi. Có tác dụng chữa các chứng xuất huyết, như thổ huyết, đổ máu mũi, đại tiện xuất huyết, tiểu tiện xuất huyết, ...
(2) Rượu bổ (Tứ bổ tửu): Hạt trắc bách diệp (bá tử nhân) 60g, hà thủ ô (thái nhỏ) 60g, nhục thung dung (thái nhỏ) 60g, ngưu tất (thái nhỏ) 60g, ngâm với 2 lít rượu trắng (loại tốt); mùa xuân và mùa hạ ngâm 10 ngày, mùa thu và mùa đông ngâm 20 ngày; mỗi lần uống 1 chén con, ngày 2 lần. Có tác dụng bổ ích khí huyết, điều hòa tạng phủ; chữa chứng táo bón do huyết táo ở người già.
(3) An thần, chữa mất ngủ: Bá tử nhân (hạt trắc bách diệp) 15g, tim lợn 1 quả; tim lợn rửa sạch, dùng miếng tre mổ ra, nhồi hạt trắc bách diệp vào, để vào một cái bát, thêm chút nước, hấp cách thủy cho đến khi tim lợn chín nhừ là được; khi ăn thêm gia vị cho hợp khẩu vị. Có tác dụng bổ huyết, an thần và chữa mất ngủ.
(4) Dưỡng tâm đan (thuốc bổ tim): Lá trắc bách diệp (sấy khô) 400g, đương quy 200g; tất cả tán thành bột mịn, trộn đều, làm thành viên cỡ hạt đỗ xanh; mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 50 viên, chiêu thuốc bằng nước muối nhạt. Có tác dụng dưỡng huyết, lương huyết (mát máu), bổ tâm, an thần; chữa người bồn chồn, mất ngủ, tim đập dồn loạn nhịp từng cơn (tâm quý), râu tóc sớm bạc.
(5) Chữa rụng tóc do viêm da tiết bã: Lá trắc bách tươi 60g, thêm lượng thích hợp cồn 60% (hoặc rượu trắng), ngâm 7 ngày; dùng rượu thuốc bôi xát lên da đầu. Có tác dụng chống ngứa, lại có tác dụng giảm rụng tóc, còn kích thích tóc mọc đen mượt.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.