Hỏi:
Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, tác dụng chữa bệnh của cây ớt. Ớt có nhiều loại, tác dụng của các loại ớt đó có gống nhau hay không?
Nguyễn Vạn Bảo, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Đáp:
Cây ớt có nguồn gốc ở Brazil, Nam Mỹ, đã được di thực khắp thế giới và du nhập vào nước ta từ lâu. Hiện tại, ở nước ta dùng nhiều loài ớt làm thức ăn.
Thông dụng nhất là ớt quả dài, mọng, hình trụ. Tên khoa học của loài ớt này là Capsicum frutescens L. (C. annuum L.), thuộc họ Cà (Solanaceae). Ớt quả dài là một loại cây bụi nhỏ, cao từ 0,5-1m, phân cành nhiều. Lá nguyên, mọc đối, hình trái xoan nhọn. Hoa ở nách lá, thường mọc đơn độc, ít khi thành đôi. Đài hợp hình cái chuông; tràng hoa hình bánh xe hay hình chuông, chia 6 thùy, màu trắng hay vàng nhạt; có 5 nhị, bầu 2-3 ô. Quả mọng, thường có hình trụ tròn, đầu nhọn, nhưng cũng có thể có hình dạng, kích thước, màu sắc khác nhau, tùy theo từng thứ (biến loài), như thuôn, mảnh hẹp, tròn; màu đỏ, vàng, tím, xanh, ... Hạt hình thận dẹt.
Loài thức hai, cũng thông dụng là “ớt chỉ thiên”, có tên khoa học là Capsicum frutescens L. var. fasciculatum (Sturt.) Bail, cũng thuộc họ Cà, cũng là cây bụi, nhưng nhỏ hơn cây ớt quả dài; lá hẹp, tán lá mịn. Quả mỏng, mọc đứng thành từng chùm ở đầu các cành; màu đỏ tươi, rất cay.
Một loài ớt khác, cũng rất cay, đó là "ớt cà", còn có tên là "ớt xơ-ri"; tên khoa học là Capsicum frutescens L. var. cerasiforme (Mill.), cũng thuộc họ Cà (Solanaceae). Quả dài, to bằng quả xơ-ri, đường kính 2cm, màu đỏ chói.
Những năm gần đây, bắt đầu sử dụng nhiều loại ớt không cay, thường gọi là "ớt ngọt", "ớt bị", "ớt tây", "ớt cà chua", "ớt Đà Lạt", ... tên khoa học là Capsicum frutescens L. var. grossum (L.) Bail., cũng là cây thuộc họ Cà (Solanaceae). Loài ớt này có quả to, tròn hay hình túi, nhăn nheo, khi còn non màu xanh lục, khi chín màu vàng hay đỏ cam, vỏ quả dày, rất thơm, nhưng không cay.
Trong Đông y, các loài ớt nói trên, nói chung được sử dụng với cùng công dụng. Bộ phận dùng làm thuốc là quả, rễ và cành, lá. Quả dùng tươi hay phơi khô. Lá thu hái quanh năm, chủ yếu dùng tươi.
Theo Đông y:
• Quả ớt: Có vị cay, tính nóng (nhiệt), vào 2 kinh Tâm và Tỳ. Có tác dụng ôn trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực. Dùng chữa ỉa chảy hoắc loạn, tích trệ, sốt rét. Uống trong sử dụng liều nhỏ: Dùng 1-2g sắc uống hoặc dưới dạng hoàn, tán. Dùng ngoài: Nấu nước rửa hoặc giã đắp.
Theo y thư cổ: Những người có thể tạng "âm hư hỏa vượng" (phần âm suy tổn, nóng trong), đang bị ho, mắc bệnh mắt kỵ dùng.
Theo sách "Dược tính khảo": Ăn nhiều ớt có thể "động hỏa" (kích phát các chứng bệnh hỏa nhiệt), gây chóng mặt. Dùng quá lâu có thể sinh bệnh trĩ, khiến răng đau, họng sưng.
• Rễ ớt: Còn gọi "la tiêu đầu", tính vị và công dụng tương tự quả. Thường dùng chữa thủ túc vô lực (chân tay bải hoải), thận nang thũng thống (tinh hoàn sưng đau), tử cung xuất huyết cơ năng.
• Cành ớt: Còn gọi "hải tiêu ngạnh"; tính vị tân nhiệt (cay nóng), có tác dụng trừ hàn thấp, tán ứ trệ. Dùng chữa phong thấp lãnh tý (đau xương khớp do lạnh), đông sang (tổn thương phần mềm do lạnh). Nói chung đều dùng ngoài: Nấu nước rửa.
Một số phương pháp sử dụng để chữa bệnh cụ thể:
(1) Chữa ỉa chảy ra toàn nước do bệnh lỵ: Sáng sớm, lấy 1 trái ớt, bọc vào váng đậu phụ (đậu hủ bì, đậu hủ y) và nuốt.
(2) Chữa sốt rét: Dùng hạt ớt, mỗi tuổi dùng 1 hạt, tối đa 20 hạt: ngày uống 2 lần, chiêu bằng nước sôi; liên tục từ 3-5 ngày.
(3) Chữa chân tay bải hoải, gần như liệt: Rễ ớt 2 cái, chân gà 15 đôi (cắt từ trên đầu gối), lạc nhân 60g, hồng táo (táo tàu) 6 trái; nấu với nửa nước nửa rượu, chia ra ăn hết trong ngày.
(4) Rượu ớt: Dùng ớt 12g, ngâm trong 500ml rượu; sau nửa tháng có thể sử dụng. Thường dùng để chữa trị:
-Chữa khớp xương đau nhức do nhiễm lạnh hoặc đòn ngã tổn thương: Mỗi lần uống 15ml, hoặc lúc đầu uống 5ml, sau tăng dần lên 15ml, ngày uống 2 lần.
- Chữa rụng tóc: Ngày dùng bông thấm rượu ớt, bôi lên chỗ tóc rụng vài lần; có tác dụng kích thích cục bộ, xúc tiến tóc mọc.
(5) Viêm tấy mô liên kết (phlegmona), dẫn đến loét: Cho ớt vào chảo sao khô, nghiền mịn, rắc vào vết thương, ngày 1 lần.
(6) Chữa tổn thương do lạnh giá (đông sang): Dùng ớt sắc lấy nước rửa, hoặc nấu trong dầu thực vật (thành "dầu ớt"), bôi vào chỗ da bị bệnh.
(7) Chữa cá trê đâm: Dùng quả ớt chín, bẻ ra, rồi xát (chất cay) vào vết bị cá đâm, sẽ thấy giảm đau ngay (Kinh nghiêm dân gian ở An Giang).
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.