Hỏi:
Trong sân nhà tôi có một khóm kiếng cò do ông nội trồng từ nhiều năm trước. Cây có dáng rất đẹp, lại có nhiều hoa trắng nhỏ, nhìn tựa như những con cò trắng. Tôi nghe một số người nói, kiếng cò không chỉ là cây cảnh, mà còn là vị thuốc chữa các bệnh ngoài da rất tốt. Tôi rất muốn được biết cụ thể hơn về tác dụng của loài cây này. Vì vậy đã mạnh dạn cầm bút viết thư, kính mong được "Thuốc vườn nhà" quan tâm và hồi âm càng sớm càng tốt.
Trần Trung Thành, Chương Mỹ, Hà Nội
Đáp:
"Kiếng cò" là tên cây ở địa phương bạn. Tên thông dụng hơn là "bạch hạc", còn có những tên khác như "cánh cò", "kiến cò", "nam uy linh tiên", "chòm phòn" (dân tộc Nùng), "cây lác" (miền Trung), "bạch hạc linh chi" (Hương Cảng, Trung Quốc); cây có tên khoa học là Rhinacanthus nasuta (L.) Kurz (Justicia nasuta L., Rhinacanthus communis Nees, Dianthera paniculata Lour.), thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
Bạch hạc vốn là loài cây mọc hoang dã. Hiện nay được nhiều người trồng để lấy bóng mát hay làm cảnh, từ thành phố đến thôn quê đều có thể trồng. Cây rất dễ trồng, mùa xuân hoặc mùa thu, chỉ cần giâm một cành bánh tẻ xuống nơi đất ẩm, chẳng bao lâu sẽ mọc thành cây. Thân cây mềm, phân nhiều nhánh, lá mọc đối, xum xuê; có thể bắc giàn cho leo trước nhà để lấy bóng mát, hoặc cắt tỉa, tạo dáng thành cây thế. Cây có rất nhiều hoa nhỏ, màu trắng hơi điểm hồng, nhìn xa như đàn hạc trắng đang bay hoặc như đàn cò đang dang cánh, cho nên mới gọi là "bạch hạc" (hạc trắng) hoặc là "kiến cò" ("cánh cò" lâu ngày gọi chệch là "kiến cò", "kiếng cò", ...). Quả nang, phía dưới dẹt không chứa hạt, phía trên chứa 4 hạt, có khi chỉ có 2 hạt; hạt hình trứng hai mặt lồi.
Cành, lá và rễ bạch hạc đều có thể dùng làm thuốc. Lá hái quanh năm. Rễ thường đào vào mùa đông, có thể dùng tươi hay dùng khô. Rễ tươi mới đào, bẻ đôi để một lúc lâu sẽ có màu đỏ, mùi hắc nhẹ, vị ngọt tựa mùi sắn rừng.
Theo Đông y: Bạch hạc có vị ngọt, hơi đắng, tính
hơi hàn; vào kinh Phế. Có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế, sát trùng, chỉ
dương (làm hết ngứa). Chủ trị lao thấu (ho do cơ thể suy nhược), giới
tiên (lở ngứa), thấp chẩn (eczema).
Ở nước ta, tại nhiều địa
phương người ta thường dùng rễ và lá cây bạch hạc chữa bệnh hắc lào và
một số bệnh ngoài da như bệnh chốc lở (impetigo), bệnh mụn rộp loang
vòng (herpes circiné), eczema mãn tính. Một số thầy thuốc Đông y có kinh
nghiệm sử dụng rễ bạch hạc để thay thế cho vị "uy linh tiên", do đó cây
còn có tên là "Nam uy linh tiên".
Tại Trung Quốc, ở một số
địa phương cây được tôn vinh là "thánh dược" chữa đao thương (chữa vết
thương do bị đâm chém). Còn thường sắc uống, để một số bệnh hô hấp, tim
mạch và tiêu hóa.
Xin giới thiệu một số cách sử dụng tương đối đơn giản, có thể áp dụng trong điều kiện gia đình:
(1) Chữa hắc lào:
Dùng rễ tươi hay khô giã nhỏ, ngâm rượu hoặc ngâm giấm trong 7-10 ngày;
rửa sạch vết hắc lào rồi bôi thuốc này lên. Từ nhiều năm trước, chúng
tôi đã thử dùng lá và cành non giã nát, ngâm rượu khoảng 10 ngày, đưa
cho nhiều người dùng, có kết quả rất tốt.
(2) Chữa các chứng lở ngứa ngoài da: Dùng lá bạch hạc tươi, giã nát, trộn với dầu hỏa hoặc cồn 75 độ; xát và đắp vào chỗ có bệnh.
(3) Chữa viêm phổi, lao sơ nhiễm:
Tại Trung Quốc, một số nơi người ta dùng cành và lá bạch hạc tươi 30g;
sắc với nước, chia 3 lần uống trong ngày để chữa ho, ho ra máu do viêm
phổi, lao sơ nhiễm (Thường dụng trung thảo dược thủ sách).
* Chỉ nên tham khảo; nếu muốn sử dụng cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
(4) Chữa tê thấp, đau nhức xương:
Rễ bạch hạc, thiên niên kiện, thổ phục linh, tỳ giải, cỏ xước, cẩu tích
- mỗi thứ 10-12g; sắc nước uống trong ngày; liên tục 5-7 ngày (Kinh nghiệm dân gian Việt Nam).
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.