Hỏi:
Từ nhiều năm nay, hai chân tôi có hai nốt chai, gây đau nhức và vô cùng
khó chịu. Mấy năm trước, tôi đã vào bệnh viện phẫu thuật. Cuối năm
ngoái, bệnh lại tái phát, tôi đã đi đốt la-de, nhưng một thời gian sau
chai lại tái phát. Tôi thấy bệnh này chữa Tây y tốn kém mà hiệu quả lại
không ổn định, nên muốn thử chuyển sang chữa bằng Đông y. Vì vậy, rất
mong "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn giúp phương pháp chữa trị bệnh này, bằng
những vị thuốc Nam có sẵn quanh nhà.
Nguyễn Thị Vân Anh, Quảng Ninh
Đáp:
Chai
chân, là trạng thái tăng sinh, dầy lớp bì và thượng bì, nhất là lớp
sừng, do chấn thương, tì ép, hoặc cọ xát lâu ngày tạo thành. Bệnh hay
gặp ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, lưng đốt ngón chân, ngón tay, mắt cá
chân, ... Vùng da bị chai có màu vàng sẫm, to nhỏ dày mỏng tùy thuộc
thời gian và tiến triển của bệnh. Bình thường vùng chai không gây đau.
Nhưng nếu chai mọc ở gót chân và bàn chân, khi đi bộ nhiều có thể bị
sưng tấy, viêm nhiễm thành túi mủ, ở dưới lớp sừng dầy, gây đau, thậm
chí có thể phát sốt.
Bệnh kéo dài lâu ngày, vùng da tổn thương
bị biến dạng thành đám sừng dày, màu vàng thẫm, ở giữa có nhân, ấn vào
đau nhói, nhìn vào thấy hình thù tựa như mắt cá hay mắt gà, nên dân gian
nước ta gọi đó là bị lên "mắt cá", còn dân gian Trung Quốc gọi đó là
"mắt gà" (kê nhãn). Mắt cá (mắt gà) hay mọc ở bàn chân, nhất là những vị
trí thường bị tì ép.
Thông thường, khi bệnh còn nhẹ (da mới
bị dày lên thành chai, chưa thành mắt cá), Tây y thường chữa trị bằng
cách ngâm chân bằng nước xà phòng nóng, làm cho lớp sừng bở ra, sau đó
gọt mỏng lớp chai, rồi băng bằng mỡ salixilic 5-20%. Còn trường hợp bệnh
nặng, đã thành "mắt cá", thì đốt điện (hay laser) hoặc khoét bỏ bằng
phẫu thuật. Nhưng do khoét sâu, vết thương lâu liền, lại dễ tái phát
hoặc để lại sẹo xơ hóa to, phát triển nhanh và gây nên đau đớn, khó
chịu.
Đông y và dân gian có rất nhiều kinh nghiệm sử dụng những cây cỏ quanh nhà để làm mỏng lớp chai hoặc làm tiêu mắt cá:
(1) Dùng vỏ củ hành:
Trước khi đi ngủ, bóc phần lá trắng bao ngoài củ hành, cắt lấy một
miếng, có kích thước thích hợp, đắp lên chỗ da bị mắt cá, sau đó dùng
băng cố định lại. Thông thường, chỉ cần đắp như vậy, sau một đêm ấn vào
chỗ mắt cá đã cảm thấy giảm đau rõ rệt; sau vài lần vùng da bị bệnh sẽ
biến dần thành màu trắng, mềm đi, cuối cùng sẽ rụng và khỏi bệnh.
(2) Dùng hạt gấc:
Hạt gấc 15 hạt, ô mai 5 quả, nhựa đu đủ 10g, nhựa cây đại 5g, muối
2,5g; hạt gấc bóc bỏ vỏ gỗ, lấy nhân (cả vỏ lụa), giã nát; ô mai bỏ hạt
giã nhuyễn; tất cả trộn đều, chia 5 lần dùng dần; cho vào túi ni-lông,
khoét 1 lỗ nhỏ bằng kích thước của mắt cá, băng ép lại; khi thuốc khô,
cho nước đun sôi để nguội vào cho vừa ẩm; ngày thay thuốc 1 lần. Khoảng
5-7 ngày sau, chai sẽ "chết", quắt đen lại, có thể rút cả "chân" ra;
sau đó ngừng đắp thuốc; rửa sạch bằng nước muối để tránh nhiễm trùng; có
thể giã lá vông nem với muối, đắp lên vết thương cho chóng liền miệng.
(3) Dùng cây cóc mẳn:
Trước hết cắt bỏ lớp da dầy ở trên mắt cá, sau đó dùng cây cóc mẳn giã
nát, đắp lên mắt cá, sau đó dùng băng cố định lại, cách 3 ngày thay
thuốc 1 lần.
(4) Dùng nha đảm tử: Nha đảm
tử 20 hạt, lấy nhân, sao vàng, ép thành phiến; cắt lớp chai bên ngoài
mắt cá, đắp thuốc lên rồi băng cố định lại; ngày thay 1 lần, liên tục
khoảng 15- 20 ngày.
(5) Dùng hạt thầu dầu:
Hạt thầu dầu 1 hạt, để nguyên vỏ đem nướng, khi thấy dầu tiết ra thì
đem đắp lên mắt cá, dùng băng cố định; sau 5-6 ngày mắt cá có thể mềm và
rụng.
Chai (mắt cá) tuy là bệnh ngoài da, nhưng có quan hệ
mật thiết với trạng thái bên trong cơ thể. Để tránh tái phát, bạn nên
tìm đến phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc chẩn mạch,
cho uống thêm những loại thuốc có tác dụng lập lại cân bằng âm dương,
điều hòa khí huyết và hoạt động của các tạng phủ.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.