Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

"Đại táo" là "táo tàu" hay "táo tây"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 07/10/2012 08:50 CH

Hỏi:

Gần đây tôi được mách một đơn thuốc Đông y gia truyền, trong đó có vị thuốc tên là "đại táo".  Tôi đã hỏi một số người "đại táo" là gì, nhưng câu trả lời lại khác nhau: Có người nói đó là loại "táo tàu" - quả nhỏ cỡ đốt ngón tay cái, màu đen, thường bán ở các hàng mứt; có người lại bảo đã gọi là "đại táo" nghĩa là quả phải to ("đại" = to), nên đó là loại táo to cỡ nắm tay, màu đỏ hoặc xanh, thường bày bán ở các siêu thị và các quầy rau quả. Vậy đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin có biết, "đại táo" thực chất là loại quả nào, và tác dụng chữa bệnh ra sao?

Lê Trần Hiều Minh, Hải Phòng

Đáp:

Tình trạng lẫn lộn bạn đề cập trong thư hiện rất phổ biến. Thậm chí có khi xuất hiện cả ở trong một số sách, báo chuyên môn.

Trong sinh hoạt hàng ngày, từ "táo tàu" thường được dùng để chỉ chung tất cả những loại táo nhập từ Trung Quốc. Đó có thể là thứ "táo tàu" có kích thước bằng quả táo chua của ta, thường dùng làm mứt; và cũng có thể là loại "táo tàu" quả to cỡ bằng nắm tay, màu đỏ hoặc xanh, thường dùng để ăn sống.

Thực ra, sự nhầm lẫn này chỉ xuất hiện khi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Trong tiếng Anh, hai loại táo kể trên có tên tương ứng là "Jujube" và "Apple", còn trong tiếng Trung Quốc tương ứng là "đại táo" (hồng táo) và "bình quả". Vì "Apple" (bình quả) là loại trái cây phổ biến ở các nước Âu, Mỹ nên ở đây xin tạm gọi tên là "táo tây", còn loại táo quả nhỏ, thường gặp trong các hiệu thuốc Bắc, trong món ăn ở nhà hàng Trung Quốc, nên xin tạm gọi là "táo tàu". Sau khi tạm gọi như vậy, dưới đây xin giới thiệu tỉ mỉ hơn về các loại táo trên.

• Táo tàu:

táo tàu, đại táo, táo đen, táo đỏ, can táo, mỹ táo, lương táo, hồng táo, đại hồng táo, can xích táo, giao táo, nam táo, thích táo, táo gai

    Táo tàu, tuy quả không to, nhưng trong các đơn thuốc Bắc thường được các thầy thuốc từ xưa ghi là "đại táo", nên mới gây nhầm lẫn như bạn đề cập. Loại táo này còn có rất nhiều tên gọi khác, như "táo đen", "táo đỏ", "can táo", "mỹ táo", "lương táo", "hồng táo", "đại hồng táo", "can xích táo", "giao táo", "nam táo", "thích táo" (táo gai).

    Đại táo là một cây nhỡ hay cây to, có thể cao tới 10m. Lá mọc so le, lá kèm thường có dạng thành gai. Cuống lá ngắn 0,5-1cm, phiến lá hình trứng, đầu hẹp lại, dài 3-7cm, rộng 2-3,5cm, mép có răng cưa thô, trên mặt rõ 3 gân chính, gân phụ cũng nổi rõ. Hoa nhỏ, mọc thành tán ở kẽ lá, mỗi tán gồm 7-8 hoa. Cánh hoa màu vàng xanh nhạt. Đài, tràng và nhị đều 5. Quả hạch hình cầu hay hình trứng, khi non có màu nâu hoặc xanh nhạt, khi chín có màu đỏ sẫm. Vỏ quả mẫm vị ngọt. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 7-9.

    Vị thuốc "đại táo" (Fructus Ziziphi) là quả chín phơi hay sấy khô của cây đại táo - có tên khoa học là Ziziphus jujuba Mill. var. inermis (Bge.) Rehd. Cây đại táo trông gần giống cây táo ta, và đó là một loài cây cùng chi Ziziphus với cây táo trồng phổ biến ở nước ta (tên khoa học của "táo ta" là Ziziphus mauritiana Rhamnaceae). Tại Trung Quốc, đại táo mọc nhiều nhất ở Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Phúc Kiến, Thiềm Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam. Vị thuốc này, cho tới nay vẫn còn phải phải nhập.

    Quả đại táo, sau khi phơi sấy khô, tùy theo cách chế biến, có thể có màu đen hoặc màu đỏ; loại màu đỏ thường dùng làm thuốc, cho nên trong Đông y, đại táo còn thường được gọi là "hồng táo".

    Đại táo là một vị thuốc rất phổ biến, được xếp trong nhóm thuốc "bổ khí", có mặt trong hầu hết các đơn thuốc bổ tỳ vị, nhuận phế, chữa ho, điều hòa khí huyết.

    Theo Đông y: Đại táo vị ngọt, tính ôn; vào 2 kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng vị sinh tân dịch, điều hòa doanh vệ, hòa giải các vị thuốc khác. Thường dùng chữa tỳ hư sinh tiết tả, các bệnh do doanh vệ không điều hòa.

    Kiêng kỵ: Phàm đau răng, đờm nhiệt, trung mãn (bụng đầy) không nên dùng.

    Một số đơn thuốc có đại táo:

        (1) Chữa sau khi sốt khỏi, miệng khô, cổ đau, hay ngủ: Đại táo 20 quả, ô mai 10 quả; 2 thứ giã nát, nhào mật; ngậm trong nhiều ngày.

        (2) Chữa phụ nữ có thai hay đau bụng: Đại táo 14 quả đốt ra than cho uống.

        (3) Chữa trẻ nhỏ cam tẩu mã: Đại táo 1 quả, hoàng bá 6g; 2 vị đốt ra than, tán nhỏ; sát vào răng.

• Táo tây:

táo tây, bình quả, nại, nại tử, tần bà, thiên nhiên tử, Malus pumila Mill.

    Còn có tên là "bình quả", "nại", "nại tử", "tần bà", "thiên nhiên tử", ... tên khoa học là Malus pumila Mill.

    Táo tây (apple, bình quả) cũng đã được sử dụng là thuốc trong Đông y từ nhiều thế kỷ trước.

    Theo Đông y: Bình quả có vị ngọt, tính mát, không độc; vào 3 kinh Tỳ, Vị và Tâm. Có tác dụng bổ tâm ích khí, sinh tân chỉ khát, kiện tỳ hòa vị, giải thử (chống nắng), tỉnh tửu (giải rượu). Chủ trị tỳ hư tiêu hóa bất lương (chức năng tiêu hóa suy yếu), tiết tả, miệng khô họng háo, cao huyết áp.

    Liều dùng: Sắc nước uống dùng 1-2 quả tươi, gọt bỏ vỏ ăn; hoặc ép lấy nước cốt; còn có thể chế thành mứt, rượu thuốc. Nếu là "rau sạch" nên ăn cả vỏ, tác dụng tốt hơn vì trong vỏ quả có chứa nhiều vitamin C, pectine và một số hoạt chất khác.

    Lưu ý: Táo tây có vị ngọt, tính mát, không nên ăn quá nhiều, vì có thể dẫn tới đầy bụng; người tỳ hư vị hàn, viêm loét dạ dày ruột không nên dùng nhiều. Hàm lượng đường trong trái táo tây tương đối cao, nên người mắc bệnh tiểu đường sử dụng phải thận trọng.

    Một số bài thuốc có sử dụng táo tây:

        (1) Chữa phụ nữ hành kinh ỉa chảy: Táo tây 250g, đường trắng 20g; táo thái lát, thêm nước, nấu chín lấy nước, thêm đường trắng, đun sôi lại là được; chia ra uống sau bữa ăn; liên tục 1 tuần.

        (2) Cháo táo tây: Táo tây bỏ hạt, gọt vỏ, phơi khô, tán bột 30g, gạo tẻ 50g; gạo nấu cháo, khi cháo chín trộn đều bột táo; ăn khi cháo còn ấm. Có tác dụng sinh tân chỉ khát, thông đại tiện, giải thử trừ phiền, hòa tỳ chỉ tả. Có tác dụng chữa thủy thũng, ỉa chảy, giải trừ các triệu chứng ốm nghén ở phụ nữ mới mang thai.

        (3) Chữa ho lâu ngày: Táo tây 5 quả, xuyên bối mẫu 5g; táo cắt phần đầu quả, khoét bỏ lõi, cho bối mẫu vào, thêm mật đường, nấu chín; uống nước thuốc ăn táo. Có tác dụng ôn phế chỉ khái hóa đàm, dùng chữa ho lâu ngày không khỏi.

        (4) Bổ tỳ (tăng cường tiêu hóa): Táo tây và sơn dược (củ mài) - 2 thứ liều lượng bằng nhau, nghiền mịn, trộn đều; mỗi lần uống 15-20g, thêm lượng đường trắng thích hợp, chiêu thuốc bằng nước đun sôi. Có tác dụng bổ ích tỳ vị, trợ tiêu hóa; chủ trị tiêu hóa bất lương, kém ăn ỉa chảy hoặc ỉa chảy lâu ngày do tỳ âm bất túc.

        (5) Cao táo tây: Táo tây bỏ hạt, cắt nhỏ, nấu với nước, cô thành cao. Được người xưa coi là một loại thuốc bổ; có tác dụng thông ngũ tạng lục phủ, đi vào tất cả 12 kinh lạc, điều hòa doanh vệ và phòng ngừa các bệnh ôn dịch.

        (6) Bột táo: Táo tây 1 quả, rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín, giã nhuyễn; chia ra ăn dần trong ngày; liên tục 5 ngày. Có tác dụng bổ ích tâm khí, sinh tân chỉ khát, kiện tỳ hòa vị; dùng chữa trẻ nhỏ bị ỉa chảy, miệng khát, chán ăn.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]