Hỏi:
Tôi đọc báo thấy nói về tác dụng chữa thiếu sữa của cây mít, nhưng chưa
nắm được cách sử dụng cụ thể thế nào. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới
thiệu cho biết cách sử dụng cây mít để chữa thiếu sữa và cho biết thêm
cây mít còn có thể dùng chữa những bệnh gì khác?
Lê Thị Minh Tâm, Nam Định
Đáp:
Cây
mít được trồng khắp nơi ở nước ta, chủ yếu là để lấy quả ăn. Thông
thường ta chỉ ăn quả chín, nhưng ở nhiều nơi người ta còn sử dụng quả
non để ăn thay rau; hạt mít cũng có thể nướng hay luộc lên ăn, rất thơm
ngon. Cây mít cũng là một loại "thuốc vườn nhà" vì múi mít và các bộ
phận khác như hạt mít, lá mít, nhựa mít đều có thể sử dụng làm thuốc
chữa bệnh. Tác dụng chữa bệnh của múi mít được ghi chép sớm nhất trong sách "Bản thảo cương mục".
Theo Đông y:
Múi mít có vị ngọt, hơi chua, tính bình, không độc. Có tác dụng sinh
tân trừ phiền (tăng dịch thể, chống phiền khát), giải tửu tỉnh tỳ (giải
độc rượu, kích thích tiêu hóa). Chủ trị chứng thể dịch bị hao tổn, miệng
khát (tân thương khẩu khát), bồn chồn không yên (tâm phiền), say rượu
do uống rượu quá độ. Từ xưa trong dân gian đã lưu truyền kinh nghiệm để
chữa bệnh nhiệt hoặc say nắng, người bồn chồn, phiền khát, hoặc ăn mít
để giải say rượu. Nhân hạt mít có tác dụng thông sữa, xúc tiến chức năng
tiêu hóa (kiện tỳ thông nhũ), thường dùng chữa phụ nữ sau khi sinh sữa
ít hoặc sữa không xuống do Tỳ khí hư nhược.
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Trong múi mít có nhiều chất dinh dưỡng. Trong múi mít khô có trên 15%
đường (fructoza, glucoza); một ít tinh dầu mùi thơm; 1,6% protit, canxi,
phôtpho, sắt, caroten, vitamin B2, vitamin C, ... Trong hạt mít có 70%
tinh bột; 5,2% protit; 0,62% chất béo; 1,4% muối khoáng.
Do
hàm lượng chất dinh dưỡng trong mít phong phú như vậy, nên người bình
thường không có bệnh tật, cũng có thể ăn mít để bổ sung dinh dưỡng, lại
có thể thanh trừ nội nhiệt, tăng cường thể chất.
Lá mít và quả mít non có tác dụng làm tăng tiết sữa:
Dân gian ở nước ta có kinh nghiệm dùng lá mít sắc uống hoặc hầm quả mít
non với gạo nếp và chân giò lợn, cho phụ nữ ít sữa ăn, thì sữa sẽ có
nhiều. Trâu bò, dê, lợn khi đẻ có ít sữa, người ta cũng dùng là mít non
với lá dâu tằm cho ăn thì lợi sữa.
Nhựa mít:
Có tác dụng tiêu sưng, giải độc, giảm đau. Có thể sử dụng chữa mụn nhọt
sưng tấy. Dân gian có kinh nghiệm lấy dao khía vào thân cây, nhựa chảy
ra, hứng lấy bôi vào những chỗ mụn nhọt sưng đau, tấy đỏ hoặc bôi vào
hạch bạch huyết trong trường hợp hạch bị viêm, sưng đau.
Trở lại vấn đề dùng mít chữa thiếu sữa. Phụ nữ sau khi đẻ thiếu sữa có thể dùng mít để chữa trị theo những cách cụ thể như sau:
(1) Kinh nghiệm dân gian Việt Nam:
Dùng lá mít tươi 30-40g, sắc nước uống trong ngày. Hoặc dùng quả mít
non, hầm với gạo nếp và chân giò lợn ăn. Kinh nghiệm này đã được ghi lại
trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi và "Cây thuốc Việt Nam" của Lương y Lê Trần Đức.
(2) Kinh nghiệm dân gian Trung Quốc:
Dùng hạt mít 200-250g, thịt lợn nạc 100-150g; nấu chín, thêm mắm muối
gia vị, ăn trong ngày. Kinh nghiệm này đã được ghi lại trong "Trung dược đại từ điển" và nhiều sách về "Thực liệu" (chữa bệnh bằng thức ăn) của Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có thể sử dụng cây mít để chữa trị một số chứng bệnh thường gặp như sau:
(1) Chữa ăn uống không tiêu, ỉa chảy: Dùng lá mít 20g; sao vàng, sắc uống. Có thể phối hợp với nam mộc hương, cùng sắc uống.
(2) Thuốc an thần, chữa cao huyết áp: Dùng lá và vỏ mít - mỗi thứ 20g; sắc uống trong ngày.
(3) Chữa mụn nhọt, sưng hạch: Chỉ dùng nhựa mít hoặc dùng nhựa mít trộn thêm ít giấm; bôi nhiều lần vào chỗ bị bệnh, đến khi tan thì ngừng.
(4) Trẻ nhỏ đái ra cặn trắng: Hái một nắm lá mít (khoảng 10g); sao vàng (sau khi sao có thể hạ thổ), sắc lấy nước, chia ra uống trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.