Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thuốc Nam chữa viêm thận mạn tính

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 20/03/2013 09:08 CH

Hỏi:

Trên "Thuốc vườn nhà" đã giới thiệu về bệnh viêm thận cấp. Nhưng gia đình tôi lại có người bị viêm thận mạn. Vì vậy rất mong Quý báo giới thiệu cho biết, bệnh viêm thận mạn có chữa bằng thuốc Nam được không? Có thể sử dụng những vị thuốc, bài thuốc nào để chữa?

Trần Văn Hạnh, Hà Đông, Hà Nội

Đáp:

thận, viêm thận, viêm thận mạn tính

Viêm thận mạn tính (chronic glomerulonephritis) là một trong những bệnh lý hay gặp và là căn bệnh đứng đầu trong số những chứng bệnh dẫn tới suy thận.

Bệnh xuất hiện chậm, dai dẳng lâu ngày với những tổn thương ở tiểu cầu thận, biểu hiện rất đa dạng, có thể nhẹ hoặc nặng. Triệu chứng chủ yếu là phù thũng, protein niệu, huyết niệu (tiểu ra máu), trụ niệu và cao huyết áp.

Trong bệnh trình có thể xuất hiện những đợt viêm cầu thận cấp, thường do nhiễm trùng. Một số trường hợp bệnh có thể tự nhiên ổn định (hoãn giải), nhưng cũng có thể trở nên trầm trọng hơn.

Tiểu cầu thận bị tổn thương, một bộ phận các đơn vị thận không còn hoạt động đầy đủ, trong khi đó nhu cầu lọc máu của cơ thể vẫn cần được duy trì ở mức bình thường. Để bù đắp, lúc này thận tiết ra một chất nội tiết gọi là renin, có tác dụng kích thích làm tăng lượng máu dồn đến thận. Lượng máu đến thận tăng, khiến áp lực máu (huyết áp) trong cầu thận tăng lên để bảo đảm lưu lượng lọc ở mức cần thiết. Quá trình tăng áp lực trong thận kéo dài, sẽ khiến cấu trúc thận tiếp tục bị tổn thương, tổ chức xơ tăng lên và cuối cùng là xơ hóa thận.

Như vậy, khi tiểu cầu thận bị tổn thương, huyết áp nội cầu thận tăng lên, hệ thống renin-angiotensin-aldosteron bị kích hoạt, hậu quả là huyết áp tăng lên. Quá trình tăng huyết áp kéo dài cũng khiến cho thận tiếp tục tổn thương, tạo nên "vòng xoắn bệnh lý" - gây ra tình trạng xơ hóa thận và suy thận.

Cấu trúc thận bị thay đổi, làm thoát các protein trọng lượng phân tử lớn, đặc biệt là albumin qua đường tiểu, gây mất cân bằng nội môi và nhiều biến chứng khác.

Trong giai đoạn đầu huyết áp chỉ tăng ở trong thận, nhưng ở giai đoạn muộn sẽ làm tăng huyết áp toàn thân và ảnh hưởng tới các cơ quan khác như tim, não, ... Như vậy việc điều trị sẽ phải thực hiện ngay khi có dấu hiệu tăng áp lực nội cầu thận để ngăn chặn ảnh hưởng toàn thân.

Kết quả thống kê lâm sàng cho thấy: Trong các trường hợp tăng huyết áp thứ phát, có hơn 50% là do nguyên nhân bệnh thận. Bệnh kéo dài, chức năng thận giảm sút dần và kéo theo những bất thường ở toàn bộ hệ thống cơ quan trong cơ thể. Như thiếu máu, rối loạn chất điện giải, suy thận không thể hồi phục, ... Mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ trong điều trị, nhưng hiện tại mỗi năm trên thế giới vẫn có hơn 1.000.000 người chết do suy thận giai đoạn cuối.

Để ngăn chặn tình trạng này, cần tiến hành các biện pháp dự phòng, phát hiện và chữa trị viêm thận mạn càng sớm càng tốt. Sử dụng Đông y và Đông dược trong phòng trị viêm thận mạn là biện pháp có hiệu quả xác thực và ngày càng được ứng dụng rộng rãi.

Trong Đông y: Bệnh viêm thận mạn trước đây thường được quy thuộc vào "thể âm thủy" trong chứng "thủy thũng". Hiện nay thường được quy thuộc vào các chứng "thủy thũng", "hư lao", "yêu thống" hoặc "niệu huyết".

Theo Đông y: Viêm thận mạn tính có thể do ngoại tà (tác nhân gây bệnh từ bên ngoài) hoặc nội thương gây nên. Ngoại tà chủ yếu là "phong tà", "hàn tà" và "thấp tà"; 3 loại tà khí này có thể xâm nhập vào cơ thể mà gây nên bệnh, hoặc khiến cho bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. Nội thương chủ yếu liên quan đến tình trạng ăn uống không điều độ, làm việc quá mệt nhọc, phòng dục quá độ hoặc cơ thể suy yếu do mắc bệnh lâu ngày, khiến chức năng của một số tạng phủ, như Tỳ, Phế, Thận, Tam tiêu và Bàng quang bị rối loạn, trong đó chủ yếu là 2 tạng Tỳ và Thận bị hư tổn nặng.

Viêm thận mạn tính là chứng bệnh phức tạp, muốn chữa bằng Đông y, cần tìm đến các thầy thuốc Đông y chuyên nghiệp, để được chẩn đoán toàn diện và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể. Thời gian điều trị nói chung phải lâu dài và cần kết hợp theo dõi bằng định lượng protein trong nước tiểu từ 3-6 tháng.

Trước mắt, bạn đọc có thể căn cứ vào những biểu hiện cụ thể, để xác định thể bệnh và tham khảo một số bài thuốc tương ứng, theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y như sau:

• Thể tỳ dương hư:

    - Chứng trạng chủ yếu: Phù ít và không rõ ràng, chủ yếu phù ở mí mắt. Sắc mặt xanh nhợt, hơi thở gấp, chân tay mỏi mệt, ăn kém, hay đầy bụng, phân nhão, tiểu tiện ít; chất lưỡi bệu có vết răng, chân tay lạnh, mạch hoãn.

    - Để chữa trị, có thể sử dụng các bài thuốc có tác dụng ôn bổ tỳ dương và lợi niệu dưới đây:

        (1) Bài thuốc 1: Ý dĩ nhân (hạt bo bo) 30g, củ mài 20g, bạch biển đậu 20g, mã đề 20g, nhục quế 4g, gừng khô 8g, đại hồi 8g, đăng tâm thảo 4g, đậu đỏ 20g; sắc nước uống.

        (2) Bài thuốc 2 (Thực tỳ ẩm): Phụ tử chế 8g (*), can khương 4g, bạch truật 12g, cam thảo 4g, hậu phác 8g, mộc hương 8g, thảo quả 8g, đại phúc bì 8g, phục linh 16g; sắc nước uống.

        (*) Chú ý: Phụ tử rất độc, cần nấu trước 2 tiếng, sau đó cho các vị thuốc còn lại vào cùng sắc.

        (3) Bài thuốc 3 (Vị linh thang gia giảm): Quế chi 6g, thương truật 12g, hậu phác 6g, xuyên tiêu 4g, phục linh bì 12g, trạch tả 12g, ý dĩ 16g, xa tiền 20g; sắc nước uống.

• Thể tỳ thận dương hư:

    - Chứng trạng chủ yếu: Phù không rõ ràng, phù ít nhưng kéo dài, nhất là ở hai mắt cá chân. Bụng trướng, nước tiểu ít, da trắng nhợt; người mệt mỏi, lưng lạnh mỏi, chân tay lạnh, sợ lạnh; lưỡi bệu, mạch trầm tế.

    - Để chữa trị, có thể sử dụng các bài thuốc có tác dụng ôn bổ tỳ dương và thận dương sau đây:

        (1) Bài thuốc 1: Thổ phục linh 16g, tỳ giải 16g, hoài sơn (củ mài) 16g, đại hồi 10g, nhục quế 8g, tiểu hồi 12g, mã đề 12g, đậu đỏ 20g, cỏ xước 20g, đậu đen 20g, gừng khô 5g; sắc nước uống.

        (2) Bài thuốc 2 (Chân vũ thang gia giảm): Bạch truật 12g, bạch thược 12g, bạch linh 12g, phụ tử chế 8g, can khương 6g, trạch tả 12g, xa tiền 12g, trư linh 8g, nhục quế 4g; sắc nước uống.

        Chú ý: Phụ tử rất độc, cần nấu trước 2 tiếng, sau đó cho các vị thuốc còn lại vào cùng sắc.

    - Sau khi hết phù, bệnh đã ổn định, tình trạng sức khỏe đã cải thiện, để củng cố kết quả chữa bệnh, cần tiếp tục uống thuốc bổ tỳ thận, phối hợp với vị thuốc lợi thấp.

• Thể âm hư dương xung:

    - Thể bệnh này thường hay gặp ở những người bị viêm cầu thận mạn tính có cao huyết áp.

    - Chứng trạng chủ yếu: Phù không nhiều hoặc đã hết phù. Nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp trống ngực; miệng khát, môi đỏ, họng khô, chất lưỡi đỏ, mạch huyền sác.

    - Để chữa trị, có thể sử dụng các bài thuốc có tác dụng bình can tư âm lợi thủy sau đây:

        (1) Bài thuốc 1: Câu đằng 16g, tang ký sinh 16g, đan sâm 12g, quy bản 12g, cúc hoa 12g, sa sâm 12g, ngưu tất 12g, trạch tả 12g, xa tiền tử 16g; sắc nước uống.

        (2) Bài thuốc 2 (Kỷ cúc địa hoàn thang gia ngưu tất, xa tiền): Thục địa 12g, sơn thù 8g, hoài sơn (củ mài) 12g, trạch tả 8g, đan bì 8g, phục linh 8g, kỷ tử 12g, cúc hoa 10g, ngưu tất 12g, xa tiền tử 16g; sắc nước uống.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]