Nghệ đen
Nghệ vàng và nghệ đen đều là những thứ thuốc sẵn có trong ngay vườn nhà. Nếu biết tận dụng, sử dụng đúng phương pháp, không những sẽ rất có lợi với sức khỏe, mà còn có thể chữa trị nhiều chứng bệnh.
Trong Đông y, nghệ vàng có tên là "khương hoàng", còn nghệ đen có tên là "nga truật"; cả hai loại nghệ đều đã được sử dụng trong Đông y từ rất lâu đời.
Nghệ vàng và nghệ đen đều có vị cay đắng (tân, khổ), tính ấm (ôn); đều đi vào 2 kinh Can và Tỳ. Trong các tài liệu về Đông dược dùng trên lâm sàng hiện đại, nghệ đen và nghệ vàng đều được xếp trong loại thuốc "Hoạt huyết hóa ứ".
Xin giải thích thêm: "Hoạt huyết" là làm tăng tốc độ và lưu lượng máu trong huyết quản, thúc đẩy tuần hoàn. "Hóa ứ" là tiêu trừ chứng bệnh lý mà Đông y gọi là "huyết ứ".
Người không chuyên về Đông y, có thể nhận dạng được "huyết ứ" căn cứ vào 4 biểu hiện chính như sau:
1. Cảm giác tê dại hoặc đau ở vị trí cố định; đau kiểu như dùi đâm, ấn vào đau tăng lên.
2. Sưng thũng, tích đọng, xuất hiện u, bướu, ... ở bên trong hoặc phần ngoài cơ thể.
3. Xuất huyết, có kèm theo huyết khối tím đen.
4. Trên da hoặc niêm mạc, hay trên lưỡi, ... xuất hiện điểm ứ huyết.
Loại thuốc "Hoạt huyết hóa ứ" trong Đông y chia thành 4 nhóm:
1. "Hoạt huyết chỉ thống" (giảm đau);
2. "Hoạt huyết điều kinh" (chữa rối loạn kinh nghuyệt;
3. "Hoạt huyết liệu thương" (chữa vết thương);
4. "Phá huyết tiêu chưng" (hoạt huyết mạnh - gọi là "phá huyết", tiêu trừ khối u).
Tác dụng "Hoạt huyết hóa ứ" của nghệ đen và nghệ vàng không hoàn toàn giống nhau. Nghệ vàng hoạt huyết ở mức độ vừa phải và có tác dụng giảm đau tốt nên được xếp vào nhóm "Hoạt huyết chỉ thống" (Hoạt huyết giảm đau); còn nghệ đen có tác dụng hoạt huyết rất mạnh (phá huyết) và có khả năng tiêu trừ các khối tích (chưng tích), khối u, ... nên được xếp vào nhóm "Phá huyết tiêu chưng".
Nói cụ thể hơn, theo Đông y:
- Trên lâm sàng, nghệ vàng (khương hoàng) thường dùng chữa các chứng đau ở vùng tim, ngực, bụng và mạng sườn do khí trệ huyết ứ; các chứng đau nhức do phong thấp, nhất là đau ở vai và cánh tay.
Kiêng kỵ: Người cơ thể suy nhược huyết hư, không có ứ trệ sử dụng cần thận trọng; phụ nữ có thai kiêng dùng.
- Nghệ đen (nga truật) thường dùng chữa chưng hà tích tụ (u bướu), bế kinh, ngực bụng đau tức do khí trệ huyết ứ; ngực bụng đầy trướng do thức ăn tích trệ; chữa sưng đau do đòn ngã tổn thương.
Kiêng kỵ: Phụ nữ đang có thai và kinh nguyệt quá nhiều kiêng dùng.
Sau khi giới thiệu khái quát như trên, xin đề cập thêm một số vấn đề cụ thể hơn nữa:
(1) Có nên sử dụng nghệ thường xuyên hay không?
Như trên đã nói, nghệ đen và nghệ vàng đều là thuốc "Hoạt huyết hóa ứ", dùng để chữa chứng bệnh "huyết ứ", không phải thuốc bổ. Ngay như thuốc bổ, cũng chỉ nên sử dụng trong trường hợp cơ thể suy yếu, theo nguyên tắc "Khí hư" (khí suy yếu) thì dùng thuốc bổ khí, "huyết hư" dùng thuốc bổ huyết, "dương hư" dùng thuốc bổ dương, ... dùng đến khi cơ thể khôi phục bình thường thì ngừng.
Đối với thuốc chữa bệnh càng cần thận trọng. Kinh nghiệm thực tế của Đông y cho thấy, thuốc hoạt huyết hóa ứ sử dụng không thích đáng, sử dụng lâu ngày, sử dụng quá liều, đều có thể tổn thương nguyên khí.
Vì vậy, cần sử dụng đúng người, đúng bệnh, đùng liều lượng, trúng bệnh thì ngừng. Với những trường hợp cơ thể vốn suy yếu, nguyên khí không đầy đủ, mà cần sử dụng đến loại thuốc "Hoạt huyết hóa ứ", thì cần phối hợp với các loại thuốc bổ, theo phương châm "công bổ kiêm thi" - nghĩa là kết hợp giữa tấn công bệnh và bồi bổ cơ thể.
Ngoài ra, phụ nữ kinh nguyệt ra quá nhiều, phụ nữ đang có thai, tốt nhất là không nên sử dụng nghệ đen cũng như nghệ vàng.
(2) Dùng loại nghệ nào trộn mật ong chữa đau dạ dày?
Nghệ đen và nghệ vàng có thành phần gần giống như nhau, cả hai thứ đều có thể sử dụng chữa bệnh dạ dày.
Trường hợp viêm loét dạ dày, với triệu chứng đau là chủ yếu, chỉ cần nghệ vàng. Trường hợp đau kèm theo đầy trướng, trong bụng có khối tích, ... thì tốt nhất nên dùng nghệ đen.
Dùng bột nghệ trộn với mật ong, để chữa đau dạ dày, là phương pháp sử dụng thuốc theo kiểu "công bổ kiêm thi" rất hay.
Kết quả nghiên cứu dược lý và lâm sàng cho thấy, hoạt chất chứa trong củ nghệ có tác dụng tăng tiết mật, hỗ trợ tiêu hóa, mà không dẫn tới tình trạng tăng tiết dịch vị dạ dày. Khi bị viêm loét dạ dày, tá tràng, dùng nghệ tươi hay nghệ khô tán bột, tác dụng đều tốt.
Trong Đông y, mật ong được xếp trong loại thuốc "bổ khí", cùng loại với nhân sâm, đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, ... Bột nghệ trộn thêm mật ong có tác dụng "công bổ kiêm thi", có khả năng kiềm chế tác dụng phụ của nghệ (hao tổn nguyên khí). Thành phần của mật ong bao gồm nước, nhiều loại đường, rất nhiều loai vitamin như B1, B2, B6, E, K, C, tiền tố vitamin A, nhiều loại acid, men tiêu hóa, ... Tổng cộng hơn 300 vi chất, bao gồm gần như mọi nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể. Hoạt chất trong mật ong có tác dụng kích thích sự trao đổi chất, kích thích ăn ngon miệng, tăng hàm lượng acid hữu cơ và cải thiện sự tiêu hóa, tăng cường khả năng miễn dịch, ... Với dạ dày, mật ong làm giảm tiết acid nên các triệu chứng đau rát mất đi. Ngoài ra, mật ong còn có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, ...
Để chữa đau dạ dày, có thể áp dụng công thức: Trộn bột nghệ với mật ong theo tỷ lệ 2/1 (2 phần bột nghệ, 1 phần mật ong); sử dụng với liều 15-20g (3-4 thìa cà phê) hàng ngày; nên sử dụng theo từng đợt (liệu trình), với sự giám sát của thầy thuốc.
(3) Với các độ tuổi dùng nghệ như thế nào?
Nghệ là một gia vị được con người sử dụng từ rất lâu đời. Đối với người bình thường, nói chung chỉ nên sử dụng nghệ như một thứ gia vị.
Nghệ có tác dụng tốt đối với hệ tiêu hóa và hệ tim mạch, người cao tuổi chức năng tiêu hóa và tim mạch nói chung suy yếu hơn lúc trẻ, có thể dùng nghệ để chữa trị và điều dưỡng.
Đối với phụ nữ, nghệ là vị thuốc quý đối với sản phụ. Từ xưa dân gian có kinh nghiệm cho sản phụ ăn cơm trộn với nghệ, để phòng ngừa các bệnh sản hậu, giúp cơ thể mau hồi phục, tăng sức khỏe và da hồng hào.
Tuy nhiên, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều thì kiêng sử dụng.
Như vậy, khi dùng nghệ làm thuốc chữa bệnh hoặc điều dưỡng, nói chung cần có sự tư vấn cụ thể của thầy thuốc Đông y.
Lương y THÁI HƯ
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.