Vài năm gần đây, vị thuốc "huyết lình" bỗng nhiên trở thành thức "hàng độc", bán đắt như vàng. Do có nhiều các quý bà, quý cô và quý ông ráo riết săn lùng.
Theo như lời đồn, "huyết lình" là một "thần dược", có tác dụng kéo dài tuổi xuân cho các quý bà, quý cô và tăng cường sức mạnh cho các đấng mày râu cực kỳ hữu hiệu, ...
Thực ra, "huyết lình" là vị thuốc đã được đề cập trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi từ những năm 60-70 cuối thế kỷ trước. Nhưng thời đó, người tiêu dùng ít chú ý đến vị thuốc này.
Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam": "Huyết lình" còn gọi là "lục lình"; "lình" là tên tiếng Thổ của con khỉ, "lục" là nhau thai và "huyết lình" là máu của con khỉ chảy ra sau khi đẻ, đã khô.
Để khai thác huyết lình, tới mùa khỉ đẻ, vào tháng 5-6 Âm lịch (6-7 Dương lịch) người ta tìm đến những núi đá, ở những nơi khỉ ở và đi lại, tìm những mỏm núi đá là nơi khỉ hay ngồi sau khi đẻ, để cạo lấy huyết đã khô đen. Có những mảng huyết đọng dày tới 1cm hay hơn. Khi mới cạo về đem phơi nắng hay sấy cho khô, cất vào lọ hay gói kín để chỗ khô ráo. Khi dùng thì sấy khô tán nhỏ.
Tại những chợ vùng núi nước ta vào các tháng 8-9 Dương lịch, người ta thường đem bán huyết lình dưới dạng cục nhỏ bằng đầu ngón tay màu đen nâu, như màu bã cà phê mùi tanh, khi dùng cần tán nhỏ để ngâm rượu hay cho vào cháo mà ăn.
Huyết lình là một vị thuốc mới chỉ được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian: Làm thuốc bổ máu cho phụ nữ sau khi đẻ, cho những người xanh xao gầy yếu, trẻ con gầy còm, chậm lớn, kém ăn. Dùng ngoài dưới hình thức ngâm rượu để xoa bóp làm thuốc giảm đau, trong những trường hợp đau nhức, ngã hay bị thương mà sưng đau.
Liều dùng: Uống trong ngày dùng 1-2g huyết lình đã sấy khô tán nhỏ hay ngâm rượu. Nếu ngâm rượu cần hâm nóng lên trước khi uống để cho khỏi tanh.
Đơn thuốc có huyết lình dùng trong dân gian:
(1) Chữa trẻ con chậm lớn, kém ăn: Huyết lình sấy khô tán nhỏ, cho vào cháo nóng cho trẻ con ăn vào buổi sáng; mỗi lần cho uống 1-2g; dùng luôn trong 7-10 ngày. Đơn thuốc này còn dùng cho phụ nữ sau khi đẻ bị xanh xao gầy yếu, mà không uống được rượu.
(2) Thuốc xoa bóp khi đau ngã: Huyết lình không kể liều lượng, cho vào ngâm càng đặc càng tốt, thường 1 phần huyết lình 5 phần rượu; khi dùng ngâm nóng mà xoa bóp vào chỗ sưng đau; có thể dùng để uống.
Cũng theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam": "Soi kính hiển vi chỉ thấy toàn hồng cầu, có lẫn các chất bẩn khác".
Hiện tại, vẫn chưa thấy có tài liệu đầy đủ về thành phần hóa học và tác dụng dược lý, cũng như lâm sàng của huyết lình.
Thực ra ở Trung Hoa cổ đại, với hy vọng kéo dài tuổi thanh xuân và tăng cường sức mạnh sinh lý, người ta đã từng sử dụng một vị thuốc, có xuất xứ tương tự huyết lình, gọi là "hồng diên".
"Hồng diên" thực tế là kinh huyết (máu kinh) của trinh nữ. Về tác dụng của "hồng diên", sách "Nhiếp sinh chúng diệu phương" - một cuốn sách về dưỡng sinh thời cổ đại, từng tán dương: "Thuốc này, mỗi năm chỉ cần uống 2-3 lần, hoặc 3-5 năm uống 2-3 lần, đã đủ để tiếp thêm sinh lực, khiến cho khí huyết và tinh thần sung mãn khác thường. Có dùng hàng trăm nghìn loại thảo dược, cũng không bằng 1-2 lần sử dụng "hồng diên", ...".
Phải trải qua một thời gian rất dài, tác dụng của "hồng diên" mới bị lật tẩy.
Trong "Bản thảo cương mục" - bộ sách thuốc đầy đủ và có tính khoa học cao nhất của Y học cổ truyền Trung Quốc, nhà dược học Lý Thời Trân đã nhận định: "Kinh huyết là thứ không sạch sẽ, bị bọn phương sĩ dùng tà thuật để tô vẽ, coi đó là thuốc bí truyền. Kẻ ngu muội tin theo những điều vô căn cứ, đưa thứ uế trọc đó vào người, làm cho Âm Dương khí huyết bị tổn thương, sinh ra đủ thứ tật bệnh, ...".
Kết quả quan sát và nghiên cứu các thời đại sau cũng đã khẳng định, trong "hồng diên" không chứa các chất có tác dụng hồi xuân, cũng như những chất có tác dụng chữa bệnh đặc biệt.
Vì vậy trong các sách thuốc của Đông y hiện tại, không còn đề cập tới vị thuốc "hồng diên".
Hiện nay, khi thú rừng đang bị săn bắt quá mức, nhiều loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, "huyết lình" đã trở thành "hàng độc", một vị thuốc hiếm, rất khó kiếm. Để có "huyết lình", phải thuê người dân tộc đi kiếm; ngoài máu khỉ cái chảy ra khi đẻ con, còn khai thác cả máu kinh của khỉ cái đọng lại trên phiến đá, lá cây, ... Cũng không loại trừ khả năng, có thể trộn thêm cả những chất khác, nhìn giống như máu khô, đem bán, ...
Do đó, "huyết lình" khó có thể đảm bảo chất lượng, càng khó có thể có những tác dụng thần kỳ theo như tin đồn.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.