Giải mã Đông y Dùng thuốc cần biết

Nỗi buồn cây ngô đồng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 03/10/2017 09:28 SA

• NGÔ ĐỒNG HÀM OAN

Với những người yêu thích cỏ cây - thảo dược, đặc biệt là thầy thuốc Đông y, cái tin "học sinh một số trường ở Nghệ An bị ngộ độc do ăn hạt Ngô đồng" là sự việc hết sức bất ngờ, chẳng khác gì một tiếng sét nổ giữa trời xanh.

Theo những thông tin lan truyền từ báo in và báo mạng, những vụ ngộ độc xảy ra vào những ngày tháng 4. Trong khi đó, phải tới tháng 8 tháng 9 mới là mùa của quả Ngô đồng. Vậy thì, trong những ngày tháng 4 vừa qua, cây Ngô đồng đâu đã có hạt, mà khiến cho trẻ ăn ngộ độc?

Tiếp sau tiếng sét ngỡ ngàng, là nỗi buồn nhân thế sâu thẳm. Buồn vì, dân chúng thời nay, kể cả một số người làm công việc truyền thông, đang rất thiếu hụt những kiến thức về thực vật học, thiếu cả những hiểu biết rất sơ đẳng về cả những cây cỏ ở ngay quanh ta.

Từ thời xa xưa, cây Ngô đồng đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong nền văn hóa cổ truyền của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Không ít người hiện vẫn còn thuộc lòng những câu ca dao về cây Ngô đồng:

"Cây Ngô đồng cành biếc

Con chim phượng hoàng nó đậu cành cao

Thương em phận gái hoa đào

Bỏi tham đồng bạc trắng nên em phải vào chốn cực thân ..."

Những người yêu thơ văn đều rất quen với hai câu thơ của thi sĩ Bích Khê:

"Ô hay, buồn vương vấn Ngô đồng

Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông"

Mùa Thu đến, thấy Ngô đồng rụng lá, thi sĩ của chúng ta đã rung cảm và làm nên những câu thơ thật đẹp như vậy...

Cũng không xa lạ với những câu thơ về Ngô đồng trong cổ thi Trung Hoa, như:

"Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng trị thu"

Nghĩa là: "Một chiếc lá Ngô đồng rụng. Thiên hạ đều biết là mùa Thu đã tới".

Theo quan niệm của văn hóa truyền thống Á Đông, Ngô đồng còn được tôn một biểu tượng của sự cát tường. Theo truyền thuyết, chim phượng hoàng khi xuất hiện, thì chỉ đậu trên cây Ngô đồng. Cây Ngô đồng là loài cây rất đẹp, thân mọc thẳng, cao to sừng sững, cành lá xanh um... nên từ xưa ở Trung Quốc Ngô đồng đã được trồng ở hai bên đường đi, trong công viên, sân nhà, cung điện, để làm cảnh, lấy bóng mát và để được cát tường...

Ở Việt Nam, cây Ngô đồng được trồng nhiều và đã trở thành loài cây biểu tượng của cố đô Huế. Trên nhiều đường phố và dọc theo bên bờ sông Hương, đều thấy có bóng dáng của cây Ngô đồng. Nhưng những cây Ngô đồng cao to và đẹp nhất là những cây trong Đại Nội Huế và Công viên Tứ Tượng thời trước.

Cây Ngô đồng, cũng như hạt của nó, là thứ rất rất quen thuộc và gần gũi, cho nên thầy thuốc Đông y mới thường dùng hạt Ngô đồng làm "dụng cụ để đo lường" để đo kích thước những viên thuốc. Cho nên, khi bào chế thuốc hoàn (thuốc viên), người ta mới thường làm viên to cỡ hạt Ngô đồng...

Ngô đồng là loài cây cao đẹp, linh thiêng như vậy, lẽ nào lại là thứ cây độc?

Nếu hạt cây có độc lẽ nào chim phương hoàng lại tìm đến đậu? Cho nên sự việc ăn hạt Ngô đồng bị ngộ độc thật là khó tin. Khi nghe tin về các vụ ngộ độc do ăn hạt Ngô đồng, chúng tôi đã đưa ra giả thiết "Hay là bọn trẻ đã ăn hạt cây Ngô đồng cảnh (cây Jatropha podagrica Hook., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae), tức loài cây Ngô đồng có nguồn gốc ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, được trồng làm cảnh ở nhiều nơi, những năm gần đây được rất nhiều người trồng làm cảnh trong các sân vườn?"

Thế nhưng khi lên mạng để tìm hiểu về các chi tiết, thì thấy ngay đó là một trường hợp "Râu ông nọ cắm cằm bà kia". Hóa ra, cái cây gây ngộ độc cho các cháu học sinh - trên thực tế không phải cây Ngô đồng - Biểu tượng cát tường, mà chúng ta đã nói ở trên. Cũng không phải là cây Ngô đồng cảnh nguồn gốc châu Mỹ.

Nhìn những cái ảnh "quả Ngô đồng" đăng trên một số báo - với những múi phình lên kiểu như quả bí ngô, chúng tôi nhận ra ngay, đó chính là loài cây trong sách thuốc có tên là "Ba đậu tây"- với tên khoa học Hura crepitans L., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae. Một loài cây đã được giới thiệu trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" từ nhiều năm trước, sau đó cũng được giới thiêu trong "Từ điển cây thuốc Việt Nam" và nhiều sách thuốc khác...

Do "Ba đậu tây" có cái tên khác (một số địa phương sử dụng) gọi là "Vông đồng", nên đã bị một số người đọc chệch thành "Ngô đồng". Một số người đưa tin, đã không chịu tra tìm gốc tích, đã không tham vấn các chuyên gia về thực vật học, vội vàng "ăn theo" cái sai lầm đó của dân chúng, khiến cho "Ba đậu tây" biến thành "Ngô đồng", cho nên cây Ngô đồng chính thống đã bị hàm oan.

Nhân tiện xin nhắc lại, độc tính của cây "Ba đậu tây" đã được sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" nói rõ từ nhiều năm trước.

Xin được trích dẫn một vài đoạn: "... trong hạt có 37,1% chất dầu béo, 25,63% chất protein ... trong hạt còn một chất toxin độc nhưng chưa được nghiên cứu sâu. ... Vỏ thân và nhựa mủ chứa một chất có tác dụng diệt trừ sâu bọ nhưng chưa thấy tài liệu nghiên cứu... Ở nước ta thấy ít dùng dầu và nhựa cây này làm thuốc. Nhưng tại Côngô (châu Phi) người ta dùng hạt cây này làm thuốc tẩy với liều 2-3 hạt trong 1 ngày, nhưng với liều cao hơn có thể gây ngộ độc có thể gây chết người... Nhựa cây ba đậu tây cũng độc, nếu vô tình để nhựa bắn vào mắt có thể gây sưng đỏ mắt, tại Giava (Inđônêxya) người ta dùng nhựa cây làm thuốc trừ sâu. Tại Braxin người ta dùng nước sắc vỏ thân với liều 1-5g chữa hủi, nước sắc này còn có tác dụng tẩy mạnh ...".

Một đặc điểm của cây Ba đậu tây - như sách  "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" đã viết: "Khi chín thì bật vỡ rất mạnh, phóng hạt đi khá xa".

Chính vì quả phóng hạt ra khắp sân trường và trẻ nhặt chơi ăn vào bị ngộ độc...

cây ngô đồng

• NGÔ ĐỒNG MINH OAN

Trước khi nói về tác dụng làm thuốc của cây Ngô đồng, xin nói đôi điều về "chính danh" và "dị danh".

Trong rất nhiều trường hợp, một loài cây có thể được gọi bằng những tên khác nhau, ví dụ cây có tên khoa học là Hura crepitans L., giới thầy thuốc thường gọi là "Ba đậu tây", nhưng ở một số địa phương thì người ta lại gọi đó là cây "Vông đồng", đó là "đồng vật dị danh " (cùng một vật mà tên khác nhau).

Ngược lại, cùng là một tên, nhưng ở các địa phương khác nhau, lại sử dụng để chỉ những loài cây khác nhau, đó là "đồng danh dị vật" (cùng một tên mà chỉ vật khác nhau).

Để tránh lẫn lộn, trong sách thảo dược, các vị thuốc được gọi theo cái tên chính thức - "chính danh", tức cái tên phổ biến nhất, thường được giới chuyên môn sử dụng. Cùng với tên chính thức, còn có những "tên khác" - còn gọi là "dị danh" - "biệt danh".

Thí dụ, trong sách  "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi, (trang 551, từ lần in thứ 8), có bài giới thiệu cây Ngô đồng Sterculia platanifolia L., họ Trôm (Sterculiaceae). Hiện nay, tên khoa học chính thức của cây Ngô đồng là Firmiana simplex L., tên khoa học cũ - Sterculia platanifolia L. hiện tại gọi là "tên đồng nghĩa".

Cũng trong sách trên, ở trang 340 có cây Trẩu - còn gọi là cây dầu sơn, ngô đồng, mộc đu thụ, thiên niên đồng, bancoulier, abrasin. Trong trường hợp này (bài cây Trẩu) Ngô đồng lại là dị danh, tức tên gọi khác của cây Trẩu.

Ngay trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, tên Ngô đồng có thể tương ứng với 3 cây khác nhau: (i) Một là cây Ngô đồng - chính danh, (ii) Hai là cây Ngô đồng cảnh (giới thiệu trong phần Chú thích của bài Ngô đồng), (iii) Ba là cây Trẩu.

Do đó, để tránh nhầm lẫn, khi nói tới một loài cây nào đó, cần có kèm theo tên khoa học.

Trong bài viết này, để phân biệt với cây Ngô đồng cảnh - nguồn gốc châu Mỹ, chúng tôi xin tạm gọi cây Ngô đồng cổ truyền - nguồn gốc Á Đông là "Ngô đồng thân gỗ". Vì nó là loài cây kinh điển, chính danh, nên dưới đây sẽ chỉ gọi vắn tắt là "Ngô đồng".

Ngô đồng còn có tên khác là Bo rừng, Trôm đơn, Thanh đồng, Đồng ma; tên khoa học là Firmiana simplex (L.) W.F. Wight; tên đồng nghĩa là Sterculia platanifolia L., thuộc họ Trôm - Sterculiaceae. Ngô đồng là loài cây cây gỗ rụng lá, cao tới 15-17m, đường kính thân lên tới 40-50cm. Vỏ cây nhẵn, khi non màu lục xám, khi già màu lục xám hoặc xám. Cành non nâu lục, chồi hình cầu, phủ lông màu nâu. Lá đơn, mọc so le, phân thành 3-5 thùy chân vịt, dài và rộng 8-35cm, gốc lá hình tim, các thùy không có răng cưa, mặt trên gần như không có lông, mặt dưới có lông mềm hình sao. Cuống lá 6-35cm, thường dài hơn lá. Cụm hoa chùy, dài chừng 20cm, lông tơ ngắn. Hoa đơn tính, không có cánh hoa, 5 lá đài hình dải, đầu nhọn, dài chừng 1cm, màu vàng hoặc trắng vàng, cuộn ra phía ngoài, phía gốc hợp thành ống dài chừng 2mm, mặt ngoài có lông tơ ngắn màu vàng. Hoa đực có cuống bộ nhị dài hơn lá đài, đầu nhị mang chừng 15 bao phấn. Hoa cái nhụy có cuống, 5 lá noãn rời. Quả nang, gồm 5 lá noãn, mở ra trước khi quả chín, uốn cong ra phía ngoài. Lá noãn mỏng hình đàn tỳ bà, có hệ gân mang lưới, dài 7-9,5cm, có lông hình sao, mang 4-5 hạt dính ở mép. Hạt hình cầu, to cỡ bằng hạt đậu (6-8mm), màu nâu vàng, có vân. Mùa hoa tháng 5-7, mùa quả tháng 8-10.

Ngô đồng không những là cây bóng mát, cây cảnh đẹp, mà còn là một cây thuốc quý. Tất cả các bộ phận (hoa, quả, hạt, lá, vỏ, và rễ) đều có thể sử dụng làm thuốc.

Trong phạm vi bài viết này, "Thuốc vườn nhà" xin phép chỉ giới thiệu một số tác dụng của hạt và lá Ngô đồng

(i) Hạt Ngô đồng (Ngô đồng tử)

Tính vị quy kinh:

    - Theo "Trung dược đại từ điển": Có vị ngọt, tính bình.

    - Theo "Bản thảo cương mục": Có vị ngọt, tính bình, vô độc.

    - Theo "Bản thảo tái tân": Vị đắng cay, tính ôn, vô độc; quy kinh vào 3 kinh Tâm, Phế và Thận

Công năng chủ trị:

    - Theo "Từ điển cây thuốc Việt Nam": Hạt trị thương thực, đau dạ dày, sán khí, ỉa chảy, chốc mép.

    - Theo "Trung dược đại từ điển": Thuận khí, hòa vị, tiêu thực. Chủ trị thương thực, vị thống (đau dạ dày), sán khí (thoát vị bẹn), tiểu nhi khẩu sang (trẻ lở miệng).

    - Theo "Bản thảo cương mục": Chữa trẻ lở miệng, đem thiêu tồn tính cùng với trứng gà, bôi lên chỗ bị bệnh.

    - Theo "Nam Ninh thị thực vật chí": Hạt Ngô đồng nướng lên, nghiền mịn, rắc lên chỗ lở loét, bệnh chóng lành và lên da non.

Liều dùng: 3-9g sắc uống hoặc nghiền mịn uống. Dùng ngoài, đốt tồn tính rắc lên chỗ bị bệnh.

Bài thuốc thường dùng Hạt Ngô đồng:

    (1) Làm rụng tóc bạc, mọc tóc đen: Hạt ngô đồng giã nát, bôi lên đầu (theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam").

    (2) Chữa sán khí (thoát vị bẹn): Hạt Ngô đồng sao thơm, bóc bỏ vỏ rồi ăn (theo "Quý Châu tỉnh Trung y nghiệm phương bí phương).

    (3) Chữa thương thực: Hạt Ngô đồng sao vàng, nghiền mịn, hòa với nước uống, mỗi lần 3g (theo "Thường dụng trung thảo dược thủ sách", Quảng Châu bộ đội).

    (4) Chữa tóc bạc: Hạt Ngô đồng 9g, Hà thủ ô 15g, Vừng đen 9g, Thục địa 15g; sắc nước uống (theo "Sơn Đông trung thảo dược thủ sách").

(ii) Lá Ngô đồng (Ngô đồng diệp)

Tính vị:

    - Theo "Phúc Kiến dân gian thảo dược": Có vị khổ, tính hàn, vô độc.

Công năng chủ trị:

    - Theo "Từ điển cây thuốc Việt Nam": Lá dùng chữa đau động mạch vành, huyết áp cao, tăng lipit huyết, thấp khớp, suy nhược thần kinh, bất lực, di tinh, ung nhọt và viêm mủ da.

    - Theo "Trung dược đại từ điển": Khư phong trừ thấp, thanh nhiệt giải độc. Chủ trị phong thấp đau nhức, tê dại; ung nhọt sưng đau; trĩ lở loét; ngoại thương xuất huyết, huyết áp cao.

Liều dùng: 15-30g sắc uống. Dùng ngoài, đắp lá tươi, sắc nước rửa hoặc nghiền mịn bôi.

Bài thuốc thường dùng Lá Ngô đồng:

    (1) Chữa huyết áp cao: Dùng lá Bo rừng (tức Ngô đồng) 5-10g, sắc uống (theo "Từ điển cây thuốc Việt Nam").

    (2) Chữa phong thấp đau xương, đòn ngã gãy xương, suyễn thở: Dùng lá ngô đồng 15-30g, sắc nước uống (theo "Thường dụng trung thảo dược thủ sách", Quảng Châu bộ đội).

    (3) Chữa bối ung (nhọt độc ở sau lưng): Dùng lá Ngô đồng, rửa sạch, hong khô, lấy kim bạc đâm thủng nhiều lỗ sát nhau, đem tẩm giấm, rồi đắp lên chỗ bị bệnh (theo "Phúc Kiến dân gian thảo dược").

    (4) Chữa đao thương xuất huyết: Lá Ngô đồng nghiền thành bột mịn, rắc lên vết thương (theo Phúc Châu Đài Giang "Nghiệm phương hối tập").

    (5) Chữa tiết tả bất chỉ (ỉa chảy liên tục): Lá Ngô đồng không kể nhiều ít, đun sôi vài lần, chờ cho bớt nóng thì ngâm chân. Chỉ cần ngâm hai gót chân, là ỉa chảy sẽ cầm; nếu ngâm lên cao hơn, sẽ bị bí đại tiện (theo "Nội Kinh tập di phương luận" Ngô đồng trạc túc thang).


Lương y HUYÊN THẢO

Bài viết đã đăng trên Tạp chí Cây Thuốc Quý


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]